Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản: Doanh nghiệp tự... làm khó
11 | 08 | 2007
Thị trường Nhật Bản chiếm 34%-36% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam. Riêng mặt hàng tôm - chủ lực của ngành thủy sản, mỗi năm thị trường này cũng đóng góp 500 triệu - 600 triệu USD trong 1,2 tỉ USD xuất khẩu tôm của Việt Nam. Thế nhưng đã qua rồi “tuần trăng mật”, thủy sản Việt Nam hiện đang “mắc cạn” tại thị trường truyền thống này bởi do các doanh nghiệp tự... giết mình.

Hết mực đến tôm!

Kể từ khi Nhật Bản áp dụng lệnh kiểm tra 100% đối với mặt hàng mực của Việt Nam từ cuối tháng 7/2006, chỉ trong vòng tháng 8, Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản lại liên tiếp phát hiện thêm gần 10 trường hợp khác của 7 doanh nghiệp có lô hàng có dư lượng chloramphenicol và có vi trùng đường ruột, những chất không được phép có trong thực phẩm theo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm (vệ sinh an toàn thực phẩm) của Nhật.

Điều này đồng nghĩa với việc buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thu hồi hoặc tiêu hủy tại chỗ các lô hàng này. Tổng cộng là 20 tấn mực đông lạnh.

Các cơ quan chức năng Việt Nam chưa kịp cảnh báo và chấn chỉnh thì cuối tuần qua, phía Nhật lại bất ngờ công bố tăng cường biện pháp kiểm tra tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức độ kiểm tra 50%, thay vì trước đó chỉ có 5%. Nguyên nhân do phía Nhật Bản phát hiện 4 lô tôm có nguồn gốc từ Việt Nam nhập khẩu vào Nhật có dư lượng kháng sinh cấm sử dụng là chloramphenicol và nitrofuran.

Ông Trương Đình Hòe, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết việc kiểm tra chất lượng các lô hàng thủy sản nhập khẩu vào thị trường Nhật được chia làm 3 cấp độ: 5%, 50% và 100%. Sau đó, nếu tình hình không được cải thiện, các cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng thủy sản vi phạm. Như vậy hiện nay, mặt hàng mực đông lạnh của Việt Nam đang ở tình trạng “báo động đỏ” và mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm sú đang ở cấp độ 2.

Ảnh hưởng uy tín của cả ngành

Đây không phải là lần đầu tiên và thị trường Nhật không phải là duy nhất “dị ứng” với thủy sản Việt Nam do phát hiện dư lượng kháng sinh. Trước đó, một số nước EU và mới đây là thị trường Nga cũng đã phát hiện hàng xuất khẩu cá tra, basa của một vài doanh nghiệp Việt Nam kém chất lượng. Theo phân tích của một doanh nghiệp thủy sản, việc hàng xuất khẩu bị nhiễm kháng sinh là do hai khả năng: doanh nghiệp chủ quan trong vấn đề kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngư dân, đại lý thu mua, các cơ sở chế biến hải sản sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, thành phần để bảo quản. Chủ tịch VASEP, ông Hồ Quốc Lực, cho rằng việc phía nước nhập khẩu tăng cường (tăng cấp độ) kiểm tra chất lượng hàng thủy sản Việt Nam đã tạo ra sự e ngại từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu.

Bởi chi phí cho việc kiểm tra sẽ tăng theo cấp độ 5%, 50% hoặc 100%, và chi phí này doanh nghiệp nhập khẩu phải trả, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không còn. “Làm ăn không cẩn thận, không những doanh nghiệp tự “đóng cửa” đối với mình mà còn giết chết một thị trường tiềm năng, chiến lược của cả ngành thủy sản Việt Nam!”, ông Lực nói.

Trước “sức ép” Nhật Bản liên tục phát hiện sản phẩm mực, tôm của Việt Nam vi phạm Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Thương mại sốt ruột: “Với tốc độ này, uy tín mặt hàng thủy sản của ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng!”. Ngành chủ quản là Bộ Thủy sản thì... đủng đỉnh chỉ đạo: “Các sở thủy sản tổ chức ngay đợt kiểm tra tăng cường điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất kháng sinh... Thông báo cho Bộ Thủy sản về kết quả triển khai...”.

Trước sức ép hội nhập, yêu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản phải an toàn của thế giới ngày càng khắt khe nhưng Bộ Thủy sản vẫn cứ sử dụng cách xử lý cũ kỹ nhiều năm, không hiệu quả.

Theo Người lao động



Báo cáo phân tích thị trường