Ông Ngô Phước Hậu- Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: 4 tháng đầu năm 2010 xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng trưởng với mức 17,8% so với cùng kỳ. Hiện tại, hàng thủy sản của nước ta đã xuất khẩu qua 163 thị trường với hơn 85 loại sản phẩm khác nhau.
Riêng mặt hàng cá tra là mặt hàng thủy sản xuất khẩu đứng vị trí thứ hai sau mặt hàng tôm, chiếm 33,4% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản, mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng 19% so với cùng kỳ (đạt 200 nghìn tấn) nhưng giá trị chỉ tăng có 12%. Theo ông Hậu, nguyên nhân chủ yếu là do ngành chế biến và nuôi trồng cá tra vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu bền vững. Thêm vào đó việc đồng euro mất giá trên 15% so với đồng USD đã khiến cá tra xuất khẩu vào thị trường EU gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu bằng đô la Mỹ song thị trường chính lại là EU. Vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu của EU đã yêu cầu nhà xuất khẩu giảm giá bán, nếu không họ sẽ dừng mua hàng. Chính áp lực giảm giá từ thị trường EU đã làm giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh từ 17.000 đồng xuống còn 16.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, mọi chi phí đầu vào hiện nay của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều tăng nhưng giá xuất khẩu lại không tăng, thậm chí ở một số thị trường còn sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp đang phải đau đầu giải quyết bài toán giá nhập khẩu nguyên liệu chế biến tăng 10-30% và các chi phí đầu vào khác cũng tăng 7-10% so với năm ngoái nhưng không có cách nào tăng giá bán.
Không chỉ gặp khó khăn về thị trường, vấn đề cung- cầu nguyên liệu và giá bán cá tra vẫn đang là một bài toán khó giải cho các doanh nghiệp. Ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký hiệp hội Vasep- cho rằng: Muốn quản lý giá thành cá tra bán ra thì phải quản lý tốt nguồn cung và kiểm soát chặt chẽ chất lượng cá từ vùng nuôi cho đến khi ra sản phẩm. Hiện nay đã có khoảng 30% diện tích hầm nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long ở trong tình trạng “treo hầm” do áp lực về giá thức ăn chăn nuôi tăng 40% so với năm trước. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó khăn hơn khiến cho những hộ nuôi nhỏ lẻ không thể cầm cự được dẫn đến việc nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu bị thiếu.
Để giải quyết những khó khăn trên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã đưa ra nhiều giải pháp. Một mặt các doanh nghiệp chuyển hướng tự tạo nguồn nguyên liệu cho mình bằng cách xây dựng các quy trình khép kín trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Vì hướng tự xây dựng nguồn nguyên liệu đã phát triển khá lâu nhưng chưa mạnh nên Vasep dự tính trong thời gian tới sẽ phổ biến và tuyên truyền rộng rãi cho khoảng 80% doanh nghiệp trong cả nước cùng thực hiện. Mặt khác, các công ty chế biến thủy sản có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ liên kết với hộ nông dân để đầu tư cho họ vốn sau đó bao tiêu luôn sản phẩm.
Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ hướng xuất khẩu sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường đang nổi lên như Bulgaria, Romania, Czech... vốn tăng trưởng khá ấn tượng trong năm ngoái và tiềm năng còn nhiều, cũng như xuất khẩu sang các khu vực khác như Trung Đông, Trung Quốc... Một số còn đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường Nga vì trong tháng 3 và tháng 4, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 12.000 tấn cá tra philê sang Nga, đạt hơn 25 triệu USD, tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, sự cố tràn dầu đang làm giảm sản lượng khai thác thủy sản nội địa tại Mỹ, đây cũng là cơ hội để hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường khó tính và rộng lớn này.