Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tình hình xuất khẩu cá tra 8 tháng năm 2009
13 | 10 | 2009
Theo tin từ Hiệp Hội thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu cá tra của cả nước 8 tháng đầu năm 2009 giảm 7,3% so với 928 triệu USD cùng kỳ năm 2008 đạt 860 triệu USD, chiếm trên 1/4 mức sụt giảm xuất khẩu thuỷ sản của cả nước.

Riêng trong tháng 8, xuất khẩu cá tra giảm trên 20% cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó,  thị trường EU đã sụt giảm mạnh về khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này với tỉ lệ tương ứng là 14% và 19% (các thị trường lớn trong khối như Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Bỉ đều giảm từ 18 -35% về giá trị nhập khẩu). Ai Cập, vốn được coi là thị trường tiềm năng ở Trung Đông, cũng giảm mạnh NK cá tra Việt Nam trong tháng này, giảm trên 40%.

Năm 2009, xuất khẩu cá tra khá lao đao bởi những rào cản từ các nước nhập khẩu chính, trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước không ổn định. Việc Mỹ dự định đưa cá tra của Việt Nam vào danh mục cá da trơn theo luật Farmbill 2008 là một điều bất lợi cho con cá tra vốn đã bị “đánh” bởi thuế chống bán phá giá. Bên cạnh đó, những “chỉ trích” của các phương tiện truyền thông một số nước Châu Âu (Italia, Tây Ban Nha, Na Uy), Trung Đông và Niu Dilân đã làm hạn chế xuất khẩu con cá này.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm vượt tôm, nhưng 2 tháng gần đây sụt giảm mạnh nên cá tra lại tụt xuống vị trí thứ 2 sau tôm đông lạnh. Riêng trong tháng 8, xuất khẩu cá tra giảm trên 20% cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng lo ngại là thị trường EU đã sụt giảm mạnh về khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này với tỉ lệ tương ứng là 14% và 19% (các thị trường lớn trong khối như Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Bỉ đều giảm từ 18 -35% về GT nhập khẩu). Ai Cập, vốn được coi là thị trường tiềm năng ở Trung Đông, cũng giảm mạnh NK cá tra Việt Nam trong tháng này, giảm trên 40%.

Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm nay, thị trường EU vẫn giữ ngôi vị quán quân về nhập khẩu cá tra Việt Nam với trên 355 triệu USD, chiiếm 41,4% thị phần, mặc dù giảm 2,4% về GT so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Đức vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan với gần 14%, trị giá trên 72 triệu USD. Tây Ban Nha vẫn đứng đầu với kim ngạch ổn định gần 90 triệu USD. Đáng chú ý sau 2 năm liên tiếp sụt giảm nhập khẩu,  thị trường Ba Lan đã tụt hạng xuống vị trí thứ 5 với 24,8 triệu USD, giảm gần 36%, nhường chỗ cho thị trường Bỉ với 25,7 triệu USD.

Nga và  Ucraina – hai thị trường cùng tụt hạng do ảnh hưởng từ lệnh cấm cá tra Việt Nam tháng 12/2008. Tháng 5/2009, cá tra Việt Nam lại được phép trở lại thị trường Nga, nhưng số DN và khối lượng được phép xuất khẩu hạn chế khiến xuất khẩu sang thị trường này không thể tăng trưởng mạnh. 5 tháng gần đây xuất khẩu cá tra sang Nga chỉ đạt 43 triệu USD, khiến tổng xuất khẩu 8 tháng giảm 67,7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Ucraina giảm 44,5% đạt 47,7 triệu USD.

Thay thế vị trí của 2 thị trường này là Mỹ và ASEAN với mức tăng trưởng tương ứng là 60,7% và 7,7% đạt 82 triệu USD và 58,8 triệu USD.

Mêhicô vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với cá tra Việt Nam với mức tăng gần 25% đạt trên 44 triệu USD, đứng vị trí thứ 5.

Bên cạnh những biến động về thị trường, vấn đề giá và nguồn cung nguyên liệu không ổn định cũng là một yếu tố tác động giảm xuất khẩu cá tra. Theo tin từ Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết, giá cá tra, ba sa nguyên liệu thời gian gần đây tăng từ 14.000 đồng- 15.000 đồng/kg (giá thu mua tại ao). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người nuôi vẫn còn bị lỗ từ 800 đồng - 1.000 đồng/ kg, nên nhiều hộ vẫn còn “treo” hầm. Nếu tình trạng “treo” hầm vẫn tiếp diễn, những tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ có nguy cơ thiếu cá nguyên liệu.

Để duy trì sản xuất, một số công ty chế biến thủy sản đã áp dụng hình thức hợp đồng với người nuôi theo phương thức doanh nghiệp cung cấp 1,6kg thức ăn chăn nuôi và 2.500 đồng cho người nuôi để đổi lấy 1kg cá nguyên liệu.

Trong thời gian tới xuất khẩu cá tra sang thị trường Châu Âu và Trung Đông đang bị đe doạ bởi những thông tin không tốt về cá tra, basa của VN, cùng với Luật Nông nghiệp 2008 của Mỹ sẽ tiếp tục là những trở ngại đối với XK cá tra, basa của Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hàng này đã, đang và sẽ tiếp tục có lợi thế cạnh tranh và được nhiều thị trường mới đón nhận.


 



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường