Kim ngạch giữ 1,4 tỷ USD
PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết, 2008 là năm bùng nổ phát triển về cá tra, dẫn tới tình trạng dư thừa lớn. Sang năm nay, do khó khăn về thị trường nên 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra giảm 4,5% về sản lượng, 4,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 737 triệu USD).
Ông Dũng phân tích, giảm mạnh nhất là Nga - thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam, với gần 75% so với năm ngoái. Bù lại là sự tăng trưởng ở các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Đặc biệt, thị trường Mỹ dẫn đầu với mức tăng gần 60% về lượng và giá trị, trong lúc chúng ta vẫn bị áp thuế chống bán phá giá.
Kế đến là nhóm các thị trường mới nổi, tăng trên 47% về sản lượng. Nổi bật là Mexico và Brazil. Thị trường EU cũng đạt mức tăng gần 42%. Trong đó, Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan là những nước tiêu thụ mạnh sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Do thị trường xuất khẩu gặp khó, giá cá tra từ đầu năm được chào bán với mức thấp. Cá bán vào thị trường EU trung bình chỉ còn 2,41 USD/kg, giảm so với mức giá bán 2,55 USD/kg của cùng kỳ năm 2008. Hơn nữa, việc tăng nóng sản lượng trong khi giá trị kim ngạch đạt thấp dẫn tới nguy cơ thị trường này sẽ dùng các rào cản thương mại để gây sức ép với cá tra Việt Nam.
Ông Dũng cảnh báo, ở những thị trường mới, giá bán còn thấp hơn so với thị trường cũ, như Brazil. Chúng ta phải có biện pháp quản lý ngay từ đầu.
Nhìn chung, Phó Chủ tịch VASEP nhận định, thị trường xuất khẩu cá tra năm nay không quá bi quan. Ông dự báo, giá trị xuất khẩu mặt hàng này năm nay vẫn giữ được mức bằng năm ngoái, khoảng 1,4 tỷ USD.
Hơn nữa, sản lượng cá năm nay giảm nên bớt sức ép tiêu thụ lên DN. Vấn đề đặt ra là làm thế nào tiêu thụ hết cá cho bà con bởi lượng tồn kho còn lớn. Từ đầu năm đến nay, các DN chủ yếu xuất hàng tồn kho. Tuy vậy, tình hình khó khăn cũng là thời cơ để người nuôi ngưng phát triển ồ ạt, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất. Các DN xem xét lại việc liên kết, chấn chỉnh chất lượng VSATTP.
Thua lỗ sâu
Thống kê mới nhất tại 9 tỉnh nuôi cá tra vùng ĐBSCL, tính đến giữa tháng 8, tổng sản lượng thu hoạch cá tra toàn vùng đạt gần 460.000 tấn, sản lượng tăng trung bình 13,5 %/tháng. Tuy nhiên, số lượng cá tra trên 1 kg/con tính đến ngày 14/8 chỉ đạt hơn 10.000 tấn - giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng cá sụt giảm đáng kể, song các tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng giá cá nguyên liệu có xu hướng giảm mạnh từ tháng 6 lại đây. Giá cá tra ở trong khoảng 14.000-17.000 đồng/kg tuỳ loại, nhưng người nuôi vẫn lỗ 500-1.000 đồng/kg.
Một thực trạng khác, thị trường khó khăn buộc các DN chế biến, xuất khẩu cá tra tập trung tiêu thụ cá của mình (tự nuôi) và các hợp đồng bao tiêu với hộ nuôi trước, phần lớn các hộ nhỏ lẻ không có hợp đồng đang lâm vào tình thế ứ đọng sản phẩm, bị ép giá.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận xét, 2009 sẽ là một năm tiếp tục thua lỗ và lỗ sâu đối với người nuôi cá tại tỉnh này. Ước tính cả năm, xuất khẩu cá tra, basa của DN trong tỉnh chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 100 triệu USD so với năm ngoái.
Tại Hậu Giang, cá bán ra rất chậm nên ít hộ dân có lời. Sở NN&PTNT tỉnh đánh giá, gần một nửa trong số 52ha nuôi lại khi vào vụ mới, còn lại là "treo ao".
Chỉ khoảng 15% số hộ nuôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà máy, còn phần lớn các hộ nhỏ lẻ đều thua lỗ. Tỷ lệ này tại Kiên Giang là 20%. Một đại diện HTX thủy sản tại Vĩnh Long cũng tính toán, với mức lỗ hiện nay, khoảng 80% hộ dân sẽ phá sản.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các DN cần duy trì và mở rộng thị trường, theo dõi sát diễn biến tại Nga, EU, Trung Đông và Mỹ để chủ động có kế hoạch hành động.
Đặc biệt, về thông tin con cá tra Việt Nam an toàn, cần sản xuất phim, in sách..., đồng thời tổ chức quảng bá thương hiệu, chất lượng con cá ở nước ngoài.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các tỉnh xúc tiến nhanh việc đăng ký vùng nuôi để làm cơ sở giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn bà con nuôi theo quy trình VIETGAP (sẽ sớm được bộ ban hành). Ông cho biết, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh sẽ quản lý nghiêm về chất lượng sản phẩm, không nhân nhượng trước các hành vi cố ý gian lận.
(Theo Báo Công thương điện tử)