Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phỏng vấn chuyên gia: Giá cá tra sẽ tăng trong thời gian tới
30 | 07 | 2009
Ngành thuỷ sản Việt Nam mặc dù đã có sự tăng trưởng tốt hơn với quý 1/2009 nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất so với năm năm trở lại đây. Những khó khăn đầu vào và đầu ra của sản xuất thuỷ sản, nhất là những rào cản thương mại chính là nguyên nhân sụt giảm của thị trường trong thời gian qua. BTV agroinfo đã có cuộc trao đổi nhanh với ThS Trần Ngọc Yến- chuyên gia phân tích ngành Thuỷ sản về dự báo thị trường trong thời gian tới.

-Xin bà cho biết những nét chính của thị trường thuỷ sản Việt Nam quý 2 vừa qua?

Xuất khẩu thuỷ sản quý 2/2009 của Việt Nam đạt 99,6 triệu USD, tăng 36,3% so với quý 2/2009 nhưng lại giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2008. Việc xuất khẩu các sản phẩm chính của Việt Nam như cá tra, tôm vào các thị trường lớn gặp khó cùng với việc ảnh hưởng của suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản là những nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những nỗ lực trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản quý 2/2009 so với quý 1/2009, chuyển dịch thị trường xuất khẩu, thành lập Ban chỉ đạo tiêu thụ và sản xuất cá tra vùng ĐB SCL... chính là những ứng phó của Việt Nam đối với những rào cản và khó khăn của thị trường.

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tuy giảm tăng trưởng trên hầu hết các thị trường lớn nhưng lại đang có sự tăng trưởng khá tốt tại các thị trường nhỏ. Tuy nhiên, việc các thị trường lớn cho xuất khẩu cá tra, basa liên tục gặp phải khó khăn như Nga, Tây Ban Nha, Ai Cập… khiến cho vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu thủy sản đến giữa tháng 6/2009 không còn thuộc về các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa.

5 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2009 khiến cho Việt Nam mất vị trí dẫn đầu tại thị trường này. Kể từ quý 2/2009 Việt Nam bị tụt xuống vị trí thứ 3 về xuất khẩu tôm vào Nhật Bản, sau Indonexia và Thái Lan.

Những khó khăn của hàng thuỷ sản Việt Nam là gì, vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái như hiện nay thì những khó khăn của ngành Thuỷ sản Việt Nam không phải là cá biệt. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến người dân cũng như tất cả các nước phải cắt giảm chi tiêu, từ đó d ãn tới nhu cầu tiêu dùng giảm. Đây là tình hình chung chứ không phải của riêng Việt Nam. Các rào cản thương mại và thuế quan lập ra cũng chủ yếu là để bảo hộ cho nền sản xuất trong nước.

6 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 1,68 tỷ USD, giảm 11,8% (tương đương 198,5 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2008. Tính đến hết tháng 5/2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới 10 nước lớn nhất đạt 886,1 triệu USD, chiếm 65,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. So với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới 10 nước lớn nhất giảm tới 11,7% (tương đương 117,2 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu sang Nga trong tháng 4 và tháng 5 cũng chỉ đạt 6,4 triệu USD, giảm 69,5% so với cùng kỳ năm 2008, đưa Nga ra khỏi top 10 nước dẫn đầu về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 là khoảng thời gian Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản cả về kỹ thuật và phi kỹ thuật nhất không chỉ đối với cá tra, basa mà còn đối với cả tôm.Tại thị trường Nhật Bản, giá tôm nhập khẩu tiếp tục giảm do sự suy yếu của đồng Yên so với USD. Còn tại thị trường Mỹ, giá cá da trơn fille đông lạnh được bán ra bởi những nhà chế biến nước này cũng liên tục giảm từ tháng 11/2008 đến nay.

- Hàng thuỷ sản Việt Nam hiện đang phải đối mặt cùng với hàng loạt rào cản thương mại, vậy cơ hội cho ngành hàng này trong thời gian tới như thế nào?

Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thủy sản ra thế giới, mà một trong số những sản phẩm thành công nhất đó là con cá tra và basa. Tuy nhiên, song hành cùng với thành công đó là không ít những khó khăn. Kể từ sau sự việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao nhất đối với các sản phẩm cá tra, basa có nguồn gốc từ Việt Nam vào năm 2002, hiện Việt Nam vẫn đang tiếp tục phải đối phó với hàn loạt rào cản thuế quan và thương mại. Hầu hết các rào cản này đều xuất phát từ vấn đề chất lượng đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.

Các chương trình phản đối các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam không ngừng lan rộng từ Ai Cập tới Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Ý mà mới đây nhất là trường hợp của New Dilân. Cách đây vài năm, các kiến nghị về cá da trơn nhập khẩu từ người nuôi cá da trơn nội địa ở Mỹ đã dẫn tới việc áp thuế chống bán phá giá.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đang soạn thảo các quy định trong đó có việc đưa cá tra, basa của Việt Nam vào danh mục cá catfish, Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) quyết định vẫn duy trì thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm cá tra của Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm tôm Việt Nam cũng đang bị thiệt khi bị áp thuế chống bán phá giá là 4,26% cao hơn so với mức thuếp mà Mỹ áp cho Ấn Độ và Ecuado sau phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ ngày 9/3/2009. Đó là chưa tính tới thời điểm kể từ ngày 1/1/2010 thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU sẽ bị áp dụng luật IUU (Bất hợp pháp, Không báo cáo và Không theo quy định đánh bắt) theo quy định số 1005/2008 ban hành tháng 9/2008 của EU. Theo luật này tất cả các lô hàng thủy sản khai thác khi xuất khẩu vào thị trường EU phải có chứng nhận tên tàu khai thác, vùng biển khai thác nhằm thiết lập hệ thống trong cộng đồng phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc EU áp dụng luật IUU từ đầu năm 2010 sẽ gây rất nhiều khó khăn cho Việt Nam vì còn rất ít thời gian cho việc đáp ứng những yêu cầu của luật này.

Nhằm khắc phục những khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước và giúp các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất và tiêu thụ cá, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 26/5/2009 thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu cá tra vùng đồng bằng song Cửu Long. Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐB sông Cửu Long cũng đang lên kế hoạch vận động và thực hiện việc áp mã số, mã vạch cho con cá tra, basa của vùng. Việc áp dụng mã số mã vạch cũng tương tự như việc lập tiêu chuẩn Global GAP cho con cá tra, basa của Việt Nam. Như vậy, mỗi hộ nuôi sẽ có một bộ hồ sơ từ nguồn gốc con giống, chế độ dinh dưỡng, nhật ký dùng thuốc trị bệnh, thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh vùng nuôi, ao nuôi.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang có những động thái nhằm vừa củng cố những thị trường lớn, truyền thống vừa mở rộng thêm các thị trường mới cho xuất khẩu cá tra, basa nói riêng và các sản phẩm thủy sản nói chung thông qua điều chỉnh phù hợp về chỉ tiêu xuất khẩu và đàm phán mở rộng thị trường. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng Mỹ, vận động và thuyết phục các nhà làm luật Mỹ bỏ cá tra Việt Nam danh mục cá catfish. Nhiều thị trường tuy còn nhỏ nhưng lại có sự tăng trưởng kim ngạch tốt như thị trường Đông Âu, châu Á, các nước Ả rập sẽ tiếp tục được khai thác trong thời gian tới.
Một công tác cũng được quan tâm phảt triển là công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cá tra, basa tại Việt Nam để tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủy sản như các sản phẩm thủy sản chế biến. Hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục thu mua cá tra còn tồn đọng trong dân...

Theo đánh giá của tôi, những tín hiệu tốt từ việc xuất khẩu sang thị trường Nga cộng với những thành công trong xuất khẩu cá tra sang Mỹ bất chấp những rào cản từ thị trường này (Mỹ là nước mà đơn giá xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam đạt cao nhất) sẽ là động lực cho việc giá cá tra có thể tăng trong thời gian tới. Hiện các nhà máy chế biến đang hoạt động trong mức trông chừng để chờ đợi những tín hiệu tốt từ thị trường. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản cũng bị thu hẹp khá nhiều, do đó khi thị trường khởi sắc trở lại, các nhà máy đi vào sản xuất ổn định mà nguồn cung thiếu thì chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu và sẽ làm giá cá tăng. Ngoài ra việc đồng EURO tăng giá so với đồng USD trong thời gian qua sẽ khiến xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường EU được lợi về giá cũng như mặt bằng giá cá tra trong nước cũng sẽ tăng trong thời gian tới.

Tin liên quan:

Mở đường cho cá tra vào thị trường Tây Âu

Hội thảo về ngành hàng Thuỷ sản: Đối mặt cùng rào cản

Công bố Báo cáo Thuỷ sản Việt Nam quý 2/2009



(Thực hiện: AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường