Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cá tra Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tổng sản lượng cá tra tính đến giữa tháng 8/2009 đạt 457 nghìn tấn, tốc độ tăng trung bình 13,5%/tháng.
Ngày 21/8/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính đã tổ chức họp giao ban trực tuyến “Sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra” để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cá tra Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tổng sản lượng cá tra tính đến giữa tháng 8/2009 đạt 457 nghìn tấn, tốc độ tăng trung bình 13,5%/tháng. Tính riêng 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, sản lượng cá tra đạt 335 nghìn tấn, chiếm 73,4% sản lượng toàn vùng ĐBSCL.
Từ đầu năm đến nay, đã xuất khẩu hơn 330 nghìn tấn cá tra, đạt kim ngạch trên 740 triệu USD, giảm 2,7% về khối lượng và 3,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008.
Người nuôi cá tra khốn khó
Ông Lê Vĩnh Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, do thua lỗ nên tình trạng bỏ nuôi cá ngày càng trầm trọng. Tỉnh Đồng Tháp có 1.400 ha nuôi cá tra trong năm 2008, nhưng hiện tại đã giảm xuống chỉ còn 900 ha.
Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã thuỷ sản tỉnh Vĩnh Long bức xúc, nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có giải pháp, thì 80% số người nuôi cá tra sẽ lâm vào cảnh nghèo khổ, phá sản và nợ nần. Nông dân nuôi cá tra đang khốn khổ tột cùng, các nhà máy chế biến thu mua cá thường chịu tiền 30-70 ngày mới trả, thậm chí nhiều doanh nghiệp dây dưa đến 6 tháng mới trả.
Kiến nghị Ban chỉ đạo quy định giá sàn thu mua cá đảm bảo người nuôi có lãi 10-15%. doanh nghiệp nào ký hợp đồng xuất khẩu thấp dưới giá sàn thì Nhà nước phải bắt họ ngừng xuất khẩu.
Theo ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, hiện tại, doanh nghiệp chế biến cũng đang rất khó khăn, chứ đâu riêng gì nông dân. Năm 2008, nhà nước yêu cầu thu mua hết cá cho nông dân, khiến đến giờ lượng cá thu mua đó vẫn còn tồn kho số lượng rất lớn do thị trường Nga trả lại, các doanh nghiệp không những chưa biết làm cách nào tiêu thụ, mà vẫn tiếp tục “gánh” chi phí bảo quản.
Cơ hội cho ngành cá tra tự điều chỉnh
Theo ông Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã thủy sản Vĩnh Long, trong số 168 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, chỉ 110 doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét lại 58 doanh nghiệp chế biến đóng gói thủ công không đạt chất lượng, cần phải cứng rắn để đảm bảo uy tín cho thủy sản Việt Nam.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đồng tình: “Cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản phải kiểm soát thật gắt gao các nhà máy chế biến, phải xử lý thật nghiêm khắc những doanh nghiệp gian lận, xuất khẩu hàng không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là cuộc đấu tranh vì danh dự của cả ngành nông nghiệp Việt Nam”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, một trong những nguyên nhân khiến giá thành nuôi trồng cao hiện nay là do chất lượng giống. Hiện đàn cá bố mẹ 150.000 con đang bị thoái hóa, Bộ đang có kế hoạch hỗ trợ thay hoàn toàn đàn giống này, với kinh phí khoảng 7,5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) nhận định, khó khăn hiện tại đang là cơ hội cho ngành cá tra tự điều chỉnh, giảm bớt nuôi trồng để cung phù hợp với cầu. Chúng ta đang có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá từ EU và Mỹ.
Bởi vậy, đề nghị Bộ trưởng ban hành nghị định chỉ cho phép xuất khẩu sản phẩm loại I vào hai thị trường này, không cho các sản phẩm giá rẻ bán tại đây, như vậy họ sẽ không còn cớ để vu cho ta bán phá giá.
Ngành tài chính đồng tình, ủng hộ
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, hiện có 8.400 hộ dân nuôi cá tra và 188 doanh nghiệp chế biến cá tra đang vay vốn ngân hàng, với tổng dư nợ vay là 11.600 tỷ đồng.
Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đều nói rằng mối liên kết nông dân và doanh nghiệp đã khá chặt chẽ, có địa phương đạt 80%. Tuy nhiên, theo Ngân hàng nhà nước, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Nếu nông dân làm ăn không chặt chẽ, rất dễ gặp rủi ro dẫn đến thua lỗ, thì họ lại cần vay vốn nhiều hơn để bù đắp thua lỗ, như vậy sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nêu ý kiến: Giá thành nuôi cá phụ thuộc lớn vào giá thức ăn. Bởi vậy nên đưa thức ăn thủy sản vào danh mục mặt hàng quản lý giá.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang bổ sung: Bộ Tài chính nên giải quyết giảm thuế VAT cho thức ăn thuỷ sản. Đồng thời, xem xét kéo dài chương trình hỗ trợ lãi suất cho người nuôi cá tra đến hết năm 2010.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chia sẻ, thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y hiện áp dụng mức 5%, là khung thấp nhất rồi. Khung 0% chỉ áp dụng cho một số mặt hàng nhập khẩu đặc biệt. Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương về việc hỗ trợ chi phí quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hỗ trợ lãi suất theo chủ trương kích cầu của Chính phủ thực hiện đến hết năm 2009, sang năm 2010 có tiếp tục hay không thì Chính phủ đang giao cho các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu...
(Theo Chu Khôi, VnEconomy)