Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vào WTO: Việt Nam sẽ chống bán phá giá thế nào?
15 | 07 | 2007
Cá tra, cá ba sa, giày mũ da Việt Nam... từng bị kiện chống bán phá giá tại nước ngoài. Trở ngại này cũng có thể xảy ra với một số mặt hàng khác có kim ngạch xuất khẩu lớn như đồ gỗ, dệt may...

Vậy sau khi vào WTO, những mặt hàng từ bên ngoài vào bán phá giá tại thị trường Việt Nam sẽ được phát hiện và xử lý như thế nào?

Bắt đầu từ hoàn thiện hành lang pháp lý

Có một điểm đáng chú ý trong bản Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ở trang 108, mục Chống bán phá giá, thuế đối kháng, các biện pháp tự vệ, có dẫn nội dung sau: “Đại diện của Việt Nam cho biết ban đầu Việt Nam chưa có các quy định về chống bán phá giá, thuế đối kháng hoặc các biện pháp tự vệ”.

Tuy nhiên, đại diện của Việt Nam lưu ý rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Điều 2 và Điều 9) được Quốc hội thông qua ngày 20/5/1998 cho phép áp dụng mức thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có giá thấp hơn “giá thông thường do được bán phá giá, gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hoá tương tự trong nước” hoặc thấp hơn “giá thông thường phát sinh do có sự trợ cấp của nước xuất khẩu, gây ra khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hoá tương tự trong nước”.

Hiện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về các biện pháp tự vệ ngày 25/5/2002, Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về “chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam” ngày 29/4/2004 và Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 “về các biện pháp chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam” ngày 20/8/2004.

Trong quá trình đàm phán, đại diện của Việt Nam công nhận rằng Việt Nam cần phải xây dựng khuôn khổ pháp luật, thể chế phù hợp để thực thi các quy định về các biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng. Các quy định mới của Việt Nam sẽ tuân thủ hoàn toàn Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng và Hiệp định Chống bán phá giá của WTO.

Trong quá trình soạn thảo chi tiết bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và thuế đối kháng trong tương lai, Việt Nam sẽ bảo đảm phù hợp hoàn toàn với các quy định liên quan của WTO.

Có một điểm khác đáng chú ý trong bản Báo cáo là cho tới nay, chưa có vụ kiện nào liên quan đến các biện pháp đối phó với hành vi thương mại không bình đẳng diễn ra ở Việt Nam.

“Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm”

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển với phóng viên về trách nhiệm điều tra, phát hiện và xử lý những trường hợp hàng nhập khẩu bán phá giá tại thị trường Việt Nam.

“Chính phủ sẽ có trách nhiệm đào tạo cán bộ, tất nhiên phải là những cán bộ rất giỏi, phải đi ra nước ngoài để điều tra. Và ở đây còn có trách nhiệm của doanh nghiệp trong nước nữa, là phải cung cấp thông tin, phải chứng minh được những thiệt hại về những trường hợp đó”, Bộ trưởng nói.

Ông nhấn mạnh thêm rằng ở đây, “trách nhiệm của Nhà nước là phải điều tra chứ không phải “giúp” doanh nghiệp. Nguyên tắc là phải có hai yếu tố, một là có thiệt hại và thiệt hại đó phải do đúng bán phá giá gây ra”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, hiện nay Chính phủ vẫn chưa đủ khả năng sẵn sàng để tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá vì bộ máy chưa thực sự hoàn thiện. Bộ Thương mại cũng đã nhìn ra sớm yêu cầu này: trước khi Chính phủ có Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ đã lập ngay Ban Quản lý cạnh tranh và bộ máy đã bắt đầu vận hành.

Yêu cầu trở nên cấp thiết hơn khi Việt Nam đã thực sự trở thành thành viên của WTO, đã thực sự bước vào giai đoạn hội nhập sâu, rộng và theo đó là khả năng phải đối mặt với tình trạng bán phá giá từ bên ngoài vào. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng khả năng sẵn sàng của Chính phủ sẽ được nâng cao hơn vì hiện này đội ngũ cán bộ chuyên trách đang được tập trung và đào tạo. Trong kế hoạch này, Việt Nam đã và sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của các đối tác nước ngoài.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng cho rằng Chính phủ cần sớm tập hợp một đội ngũ cán bộ, luật sư trong một chương trình đào tạo quy mô; thậm chí huy động cả lực lượng nước ngoài và đặc biệt là lực lượng người Việt ở nước ngoài.

“Tôi cho rằng lực lượng nước ngoài và kiều bào sống ở xã hội đó và hiểu luật chơi, họ có tình cảm đối với đất nước thì họ sẵn sàng đào tạo, huấn luyện và tư vấn cho chúng ta theo chiều sâu và thực chất để chúng ta sớm tự trang bị được một đội ngũ, chuyên gia đủ trình độ, đủ năng lực để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta trong giai đoạn mới”, bà Ninh nói.

Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ chuyên trách này để không chỉ chống bán phá giá trong nước mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp bị chống bán phá giá ở nước ngoài.



(Theo TBKTVN)
Báo cáo phân tích thị trường