Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VASEP sẽ kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra WTO?
03 | 07 | 2009
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nhiều thị trường lớn đang gặp rất nhiều khó khăn. Phải chăng, do chính chúng ta thiếu chủ động và quyết liệt trong các vấn đề tranh chấp thương mại, cụ thể là các vụ kiện chống bán phá giá nên liên tục bị xử ép và thua thiệt.

Những đề nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lên các cơ quan chức năng: Chính phủ, Bộ Công Thương… về việc cho phép kiện DOC (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vẫn chưa được chấp nhận, cho dù VASEP và một số cơ quan trong nước cũng cho rằng, nếu vụ việc này đưa ra giải quyết tại WTO thì khả năng thắng của Việt Nam là rất cao và sẽ làm thay đổi các quyết định bất lợi của DOC đối với mặt hàng tôm đông lạnh Việt Nam và cả với nhiều sản phẩm công nghiệp khác của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Sao chỉ kiểm tra 2/30 doanh nghiệp?

Bất lợi dễ thấy nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam kể từ đợt rà soát hành chính lần thứ 2 (POR2), kết thúc vào ngày 9/9/2008 của Hoa Kỳ.

Có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đăng ký rà soát nhưng DOC chỉ chọn đúng 2 doanh nghiệp để điều tra bắt buộc. Từ đó, một mức thuế suất áp dụng cho các bị đơn tự nguyện sẽ lên tới 4,57%.

Theo VASEP, DOC đã sử dụng các phương pháp tính và áp đặt biên độ chống bán phá giá rất bất công và không phù hợp với quy định tại các điều 1, điều 6 và điều 9 trong Hiệp định chống bán phá giá của WTO.

Với kết quả rà soát POR2 của DOC, các doanh nghiệp Việt Nam bị rơi vào tình thế rất bất lợi so với các bị đơn trong cùng vụ kiện như Ấn Độ, Thái Lan vì các bị đơn tự nguyện của Việt Nam sẽ không còn cơ hội để được rà soát lần thứ 3 liên tiếp và được bãi bỏ quyết định áp thuế chống bán phá giá với họ.

Các bị đơn có nguy cơ phải chịu mức thuế suất khá cao (4,57%) đó trong thời gian dài. Hơn nữa, quyết định của DOC sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị mất đi lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu thủy sản khác vào Mỹ: Tháí Lan chỉ chịu thuế 3,18%, Ấn Độ chỉ chịu 1,6%...

Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ có thể sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Do đó, việc VASEP đề nghị cho chính thức nộp đơn kiện lên Toà Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) khiếu nại cách thức tính biên độ phá giá của DOC cho các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện của Việt Nam và đề nghị Chính phủ Việt Nam đưa vụ việc này ra giải quyết theo cơ chế xử lý của WTO là nguyện vọng rất bức thiết của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội này.

Trên thực tế, việc kiện ra WTO mà đạt kết quả tốt sẽ đem lại hiệu quả to lớn không chỉ để đạt được thành công trong vụ khiếu kiện đó mà tạo được vị thế tốt hơn, mạnh hơn trong đàm phán, trong quan hệ thương mại với các nước bị khiếu nại.

Bài học dễ nhận thấy nhất mà Việt Nam có thể học ngay được là vừa qua Ấn Độ và Thái Lan đã đều được áp dụng mức thuế suất thấp hơn sau POR2 do giành được kết quả tích cực tại WTO trong vụ kiện Hoa Kỳ liên quan đến phương pháp tính thuế “quy về không” (Zeroing). Vậy tại sao Việt Nam không thể áp dụng bài học này?

Việt Nam có thể thắng?

Theo đánh giá của một quan chức Bộ Công Thương thì nếu kiện Hoa Kỳ ra WTO, khả năng thành công của Việt Nam là rất cao. Theo quan chức này, tinh thần chủ đạo của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO không phải là để thu thuế chống bán phá giá mà là để loại bỏ hành vi bán phá giá.

Trong khi đó, phương pháp mà DOC sử dụng lại không loại bỏ được mà chính là kích thích sử dụng biện pháp chống bán phá giá, đi ngược lại mục tiêu của Hiệp định Chống bán phá giá.

Hơn nữa, phương pháp tính toán biên độ bán phá giá và phương thức áp thuế chống bán phá giá áp dụng cho các nước có nền kinh tế mà Hoa Kỳ cho là “phi thị trường” thực tế tạo gánh nặng cho chính phủ Hoa Kỳ nhiều hơn là các phương pháp thông thường áp dụng trong các giai đoạn điều tra, rà soát chống bán phá giá. “Phương pháp mà DOC tiến hành rõ ràng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của GATT 1994”, quan chức này nói.

Ngay cả mức thuế suất gọi là “thuế suất toàn quốc” (25,76%) mà Hoa Kỳ áp dụng cho các công ty không nộp đơn xin hưởng mức thuế riêng hoặc nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng không đầy đủ cũng vi phạm Hiệp định Chống bán phá giá của WTO vì hiệp định này không có quy định nào về loại thuế suất này và thuế suất này cũng không có trong thỏa thuận gia nhập WTO của Việt Nam, kể cả khi đàm phán song phương với Hoa Kỳ.

Một nội dung khác nữa được VASEP đề nghị kiện Hoa Kỳ ra WTO là phương pháp “quy về không” mà Hoa Kỳ áp dụng cũng có khả năng thành công “gần như chắc chắn” do cơ quan giải quyết tranh chấp WTO luôn coi phương pháp này của Hoa Kỳ là “không phù hợp với các quy định của hiệp định WTO”. Trên thực tế, các vụ kiện của các quốc gia khác với Mỹ về nội dung này luôn thắng lợi.

Như vậy, một sự chần chừ, lần lữa trong việc quyết định cho phép khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO rất có thể làm mất cơ hội cho Việt Nam trong việc đòi hỏi sự công bằng trong các tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ và làm giảm tính cạnh canh của hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.



Nguồn: Doanh nhân/Vietnam+
Báo cáo phân tích thị trường