Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cẩn trọng trước nguy cơ bị kiện bán phá giá
10 | 11 | 2007
Trong thời gian qua, các vụ kiện tụng liên quan đến bán phá giá của Hoa Kỳ đối với một số sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm rõ, vì vậy chúng tôi xin trích dẫn một số vấn đề liên quan để doanh nghiệp có thể nắm rõ và vận dụng khi xuất khẩu.

Theo luật của Hoa Kỳ, điều tra chống bán phá giá sẽ do Vụ Nhập khẩu - Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng dựa trên những thông tin sẵn có. Để đánh giá tính chính xác và đầy đủ chứng cứ liên quan đến thiệt hại thực tế và cáo buộc của mối quan hệ, DOC sẽ so sánh các chứng cứ trong đơn kiện với những thông tin sẵn có hợp lý, thông thường phải bao gồm các chứng cứ gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước như: giá bán tại thị trường trong nước giảm, khối lượng sản xuất giảm, khả năng khai thác công suất giảm, doanh thu mất đi do hàng nhập khẩu, khả năng lợi nhuận giảm, số lượng công ăn việc làm giảm, phá sản...

Một trong những điểm khác biệt của Luật Chống bán phá giá của Hoa Kỳ áp dụng với các nước được coi là nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, được cho là nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ ngoài việc phụ thuộc vào các nguyên tắc thị trường. DOC chỉ áp dụng tỷ lệ riêng rẽ trong các vụ từ các nước có nền kinh tế phi thị trường và chỉ khi bên nộp đơn kiện có thể chỉ ra rằng, không có sự kiểm soát của Chính phủ cả về mặt luật pháp và thực tế đối với các hoạt động xuất khẩu của mình phù hợp với các tiêu chí thử nghiệm về tỷ lệ riêng rẽ. Việc lựa chọn nước thay thế là một thủ tục rất quan trọng trong một vụ chống bán phá giá của Hoa Kỳ. DOC sẽ lựa chọn một nước thay thế sau đó, chọn thông tin về các yếu tố sản xuất từ các bị đơn và sẽ chấp nhận các thông tin liên quan đến các giá trị thay thế từ các nguồn như: các dữ liệu thương mại sẵn có và các ấn phẩm, các báo cáo tài chính của nhà sản xuất của mặt hàng bị kiện ở nước thay thế.

Việc cung cấp thông tin của bên bị kiện nhất thiết phải xác thực, DOC có quyền thẩm tra tính xác thực đó bất cứ lúc nào. Người nộp đơn kiện phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả mà sản phẩm đó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước. Theo nhiều doanh nghiệp, cách tính này tuy cao nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tránh được nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nước thứ 3 để tham chiếu lại khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại, bởi đa phần các nước tham chiếu có nhiều điều kiện tốt hơn Việt Nam. Vấn đề trước mắt cho các doanh nghiệp là phải tự trang bị cho mình những kiến thức chống bán phá giá, tìm hiểu kỹ luật pháp Hoa Kỳ để tránh những vụ kiện có thể xảy ra.

Quy tắc đặc biệt của Hoa Kỳ để tính giá thông thường tại những nền kinh tế được cho là phi thị trường (NME) như Việt Nam là khả năng chuyển đổi ngoại tệ, thị trường lao động tự do, sự kiểm soát lao động, tiền lương, các nguồn lực, nguồn nguyên liệu… Tuy nhiên, những yêu cầu trong Luật Chống bán phá giá không phải gây khó hoặc hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, mà đơn giản đó chỉ là sự công bằng. Việt Nam cũng như nhiều nước khác khi đã là thành viên WTO đều phải thực hiện Luật Thương mại trong WTO.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường