Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội WTO không tự nhiên mà đến
25 | 04 | 2008
Các chuyên gia đều có chung nhận xét rằng WTO không tự mang lại cơ hội cho Việt Nam mà đòi hỏi Việt Nam phải tự tìm cơ hội cho chính mình trong sân chơi này.

Họ đã chia sẻ ý kiến trên tại hai buổi hội thảo bàn về tác động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến Việt Nam sau hơn một năm Việt Nam gia nhập tổ chức này.

Chủ động tìm cơ hội

Tại hội thảo với chủ đề “Tác động từ việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới đến kinh tế và xã hội Việt Nam”, Giáo sư Claudio Dordi, giáo sư luật quốc tế Đại học Bocconi (Ý) nhấn mạnh rằng bản thân Việt Nam phải chủ động tìm và tận dụng cơ hội từ việc là thành viên của WTO chứ không chờ tổ chức này mang lại cơ hội cho chính mình.

Ông Dordi chỉ ra cơ hội là Việt Nam đã được đối xử bình đẳng trong sân chơi thương mại toàn cầu, nên có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực có khả năng hỗ trợ cho Việt Nam phát triển.

Việc Việt Nam gia nhập sân chơi toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho chính các doanh nghiệp Việt Nam trong việc lựa chọn đối tác làm ăn để gia tăng lợi nhuận. Ông Dordi nhấn mạnh điều này tại hội thảo nhằm đánh giá kết quả khảo sát tác động từ việc gia nhập WTO đến kinh tế và xã hội Việt Nam của Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 2 (MUTRAP II) do Bộ Công Thương thực hiện với Ủy ban châu Âu (EC).

Trong khi khi đó tại buổi tọa đàm về cơ hội, thách thức và lời khuyên về WTO, ông Eirik Glenne - Đại sứ Na Uy tại WTO, cho rằng có thể tận dụng cơ hội từ chính ở việc Việt Nam được các thành viên WTO và các quốc gia khác tôn trọng.

Vị đại sứ Na Uy tại WTO này – cũng là nguyên Chủ tịch Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO - cho rằng Việt Nam cần nâng cao năng lực để có thể tận dụng tốt những lợi ích từ việc là thành viên thứ 150 của WTO trong chuyến công tác của ông đến Việt Nam từ 21-4 đến 24-4.

Còn ông Dordi thì cho rằng việc là thành viên của WTO giúp tăng uy tín cho Chính phủ Việt Nam, và qua đó tạo lòng tin cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài. Ông đưa ra dẩn chứng là Việt Nam đã thu hút hơn 20 tỉ đô la Mỹ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngay trong năm đầu tiên gia nhập tổ chức này.

WTO giúp đẩy mạnh cải cách

Ông Dordi trao đổi bên lề cuộc hội thảo câu hỏi được nhiều người quan tâm rằng Việt Nam sẽ như thế nào hôm nay nếu như chưa gia nhập WTO. Ông trả lời rằng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục quá trình cải cách và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không chịu nhiều áp lực về cạnh tranh do phải mở cửa thị trường như cam kết WTO.

Tuy nhiên ông cũng khẳng định WTO là lực đẩy cho Việt Nam tăng tốc quá trình cải cách để hoà nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, dẫu rằngông thừa nhận là không dễ cho Việt Nam khi phải thực hiện hàng loạt các cam kết.

Ông Arif Hussain – Thành viên của Ban thư ký WTO nói rằng việc thực hiện cải cách kinh tế cần thực hiện phù hợp và song hành với cải cách của WTO để tránh xảy ra mẫu thuẫn giữa những cam kết của Việt Nam với WTO.

Theo ông nhận định,WTO sẽ tiếp tục phát triển và Việt Nam, với tư cách là một thành viên, cũng sẽ tham gia vào việc phát triển này nhưng ngoài ra Việt Nam cũng có thể lựa chọn cách phát triển của riêng mình.

Cùng quan điểm với ông Hussain, ông Glenne cho là Việt Nam cần phải thực hiện cam kết WTO phù hợp với các yếu tố của nền kinh tế và các ngành công nghiệp của nước mình.

Còn theo ông Dordi,Việt Nam cần có khung pháp lý và các chính sách phù hợp, minh bạch hơn để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng phải mất một thời gian dài để có thể đánh giá được tác dụng và hiệu quả của cải cách, của việc thực hiện các cam kết WTO, các cam kết song phương,đa phương với chính phủ của các nước và các khối như ASEAN.

Ông Dordi nhận xét, thực ra lạm phát cao ở Việt Nam hiện nay không phải do ảnh hưởng của gia nhập WTO, mà phần lớn do giá cả tăng vọt khiến các mặt hàng nhập khẩu thêm đắt đỏ.

Ông Glenne thì chia sẻ rằng Chính phủ Việt Nam đang phải chịu áp lực về lạm phát và thâm thủng mậu dịch do chi tiêu nhiều cho nhập khẩu hơn là nguồn thu từ xuất khẩu mang lại. Tuy nhiên, ông nói đây không phải là một vấn đề lớn nếu nhập khẩu mang lại hiệu quả là hỗ trợ phát triển kinh tế và giúp gia tăng xuất khẩu.

Ngoài ra, theo ông Dordi, một vấn đề khác mà Việt Nam cần quan tâm, đó là giải quyết các vấn đề hiện tại liên quan đến thủ tục hành chính còn nhiêu khê, cơ sở hạ tầng kém và đào tạo không theo kịp nhu cầu.



Nguồn: Doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường