Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần dọn sạch ’sỏi đá’ ngáng trở đường phát triển
27 | 09 | 2007
Chúng ta đã đặt nền kinh tế lên đường ray quy luật của nó. Cái quan trọng nhất là dọn sạch những “hòn đá, hòn sỏi” còn ngáng trở trên đường ray đó. “Hòn đá” to nhất là cải cách hành chính còn chậm. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định.
Trò chuyện về những vấn đề của nước ta khi trở thành thành viên của WTO, ông Vũ Khoan - nguyên Phó Thủ tướng, hiện là đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề đối ngoại - cho rằng, trong vòng 5 năm tới, việc lớn nhất bên cạnh hội nhập là phải hình thành được thể chế thị trường đầy đủ.

Ông Vũ Khoan nói: “Theo dõi dư luận xã hội, tôi thấy có mấy vấn đề nên bàn thảo thêm để có nhận thức thống nhất hơn. Thứ nhất, nên hiểu hội nhập và gia nhập WTO là cái gì trong chính sách chung của Nhà nước ta? Tôi luôn nhấn mạnh rằng, việc này không phải mục tiêu cuối cùng. Nó chỉ là một phương tiện trong nhiều phương tiện, đừng hiểu nó là cây gậy thần, chỉ cần gõ một cái là thay đổi nền kinh tế nước ta.

Tôi muốn dư luận xã hội hiểu cho đúng: Đây là một trong những phương tiện chúng ta cần sử dụng để đạt mục tiêu ngắn hạn là đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trung hạn là công nghiệp hóa và dài hạn là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Nói một cách hình tượng thì mũi tên nhắm tới mục đích đặt ra là vào 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển thì hai cánh đưa mũi tên bay là hội nhập và hoàn thiện thể chế thị trường. Làm tốt hai điều này, kinh tế nước ta mới tiến nhanh.

Thứ hai, nhiều người hay nói đi nói lại về cơ hội và thách thức. Hai cái này đan xen nhau, nếu nói văn hoa thì “trong họa có phúc, trong phúc có họa”. Có người hỏi tôi là ta mở cửa thị trường, hàng nước ngoài ùa vào và hàng hóa ta sẽ chết hết.

Làm gì có chuyện như vậy. Xu hướng sẽ là xuất khẩu tăng, nhập khẩu cũng sẽ tăng song giảm dần, khoảng cách sẽ thu hẹp lại. Với WTO, ta sẽ hưởng thuế suất thấp hơn, ta có lợi hơn.

Nông nghiệp nước ta không phải “đứa con còi cọc” như nhiều người nói, vì ta có không ít thế mạnh về nông nghiệp. Tham gia WTO mang đến không ít cơ hội cho nông nghiệp. Không nên cường điệu thách thức, gây hoang mang trong xã hội.

Thứ ba, nhận thức xã hội có một phần thụ động. Cơ hội thách thức sẽ đến, mình không nên ngồi chờ và than vãn, hoang mang. Mình cần có hành động của mình để tận dụng nó. Nếu cứ nghĩ tự nhiên WTO đem tới cơ hội và thách thức và mình hoặc chết hoặc sống thì sẽ thụ động.

Thứ tư, trong xã hội vẫn còn tư tưởng bao cấp, coi tất cả là trách nhiệm của Nhà nước hết, ai cũng hỏi tại sao Nhà nước không thế nọ không thế kia. Nhưng tôi ra hiệu sách, thấy không biết bao nhiêu sách về WTO nhưng ít người mua, ít người đọc.

Tôi hỏi nhiều doanh nghiệp và được trả lời là chưa đọc. Nhiều người vẫn dửng dưng với chuyện đó và đổ trách nhiệm cho Nhà nước không phổ biến thông tin thì không nên. Mình chủ động tìm hiểu trước, suy nghĩ và cách tiếp cận phải đúng, mới hành động đúng được”.

Hỏi: Ông vừa nói ta cần hai cánh cho mũi tên kinh tế bay đến đích. Cánh hội nhập là WTO, còn cánh kia, tức việc hoàn thiện về thể chế thị trường, ta cần làm gì?

Ông Vũ Khoan: Thực ra Việt Nam đã bước sang kinh tế thị trường từ năm 1986, mặc dù lúc đó chưa dám dùng từ “kinh tế thị trường”. Đến Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) ta mới dùng cụm từ “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN dưới sự điều tiết của Nhà nước trên tầm vĩ mô”. Đại hội Đảng VIII và IX mới nói gọn lại là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Luồng đầu tư trực tiếp vào bao nhiêu cũng tốt. Còn đầu tư gián tiếp, nên có mức độ.

Không phải ngẫu nhiên mà ta cam kết với WTO về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng Việt Nam không quá 30%.

Bài học Thái-lan năm 1997 là rất lớn. Trong các lĩnh vực khác việc bán cổ phần cho nước ngoài cũng giới hạn chứ không phải là ồ ạt.

Mối lo ngại đó buộc ta phải thận trọng trên TTCK và điều chỉnh tỷ lệ cổ phần nước ngoài là bao nhiêu, trong trường hợp nào.

Vì yêu cầu nội tại của nền kinh tế, phải đa dạng hóa nguồn vốn như cổ phần hóa, phát hành trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp, công trình… để dòng vốn gián tiếp của nước ngoài có tỷ lệ hợp lý, an toàn.

Đến Đại hội X, lần đầu tiên ta xác định rõ phải có 5 thị trường: hàng hóa, tài chính-ngân hàng, bất động sản, lao động và thị trường khoa học, đồng thời nêu nội dung chủ yếu của từng loại thị trường và đặt ra là tới 2010 phải hình thành cho đủ.

Chúng ta đang làm nhiều việc để hoàn thiện thể chế thị trường: ra nghị định về thị trường khoa học, Quốc hội thông qua Luật Đất đai mới, đang sửa Luật Lao động, Luật Ngân hàng.

Giá cả cũng đang được chỉnh dần theo hướng bớt áp đặt. Năm năm tới, việc rất lớn là phải hình thành được thể chế thị trường đầy đủ bên cạnh việc hội nhập. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau.

Hỏi: Chính phủ đã công bố hàng nghìn trang tài liệu về WTO, liệu những người dân có hiểu và nhớ được? Làm sao để từng ngành và từng nhóm người trong xã hội hiểu và biết biến những biến số WTO thành hành động cụ thể?

Ông Vũ Khoan: Không phải ai cũng có thể đọc hết từng đấy trang giấy. Người dân và doanh nghiệp nên biết những gì mình quan tâm. Làm ngành nào thì đi sâu vào ngành đó có chiến lược riêng của mình.

Mỗi bộ, ngành cũng phải đặc biệt chú trọng những nội dung trong lĩnh vực quản lý của mình để từ đó hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng không nên chỉ quan tâm đến “doanh nghiệp ruột” (doanh nghiệp quốc doanh) mà doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng cần được quan tâm một cách bình đẳng. Tôi biết, Chính phủ cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình hành động chung cho toàn bộ nền kinh tế.

Hỏi: Chính phủ chưa công bố chương trình hành động, vậy các cơ quan chuyên môn dựa vào đâu để đưa ra chiến lược hành động cho Bộ, ngành, đơn vị mình?

Ông Vũ Khoan: Trong quá trình đàm phán các bộ, ngành đã có kế hoạch khá cụ thể. Chính các bộ, ngành đã xây dựng phương án đàm phán dựa trên năng lực ngành họ và các quy tắc WTO. Bộ Thương mại và Bộ Tài chính tổng hợp lại và trình lên Chính phủ.

Các bộ, ngành đã làm việc với các tổng công ty lớn cả rồi (mặc dù chưa làm việc hết với tất cả các doanh nghiệp). Các tổng công ty biết cả và đã xây dựng đề án theo hướng đó, đặc biệt là 6-7 năm vừa qua, từ khi có Nghị quyết 07 (2001) của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế. Không phải ta chưa làm gì, mặc dù nói làm tốt chưa thì chưa tốt.

Hỏi: Có ý kiến cho rằng sự điều hành của Nhà nước vẫn có lúc, có nơi can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông, bộ máy quản lý nhà nước cần làm gì để tạo điều kiện cho cỗ máy kinh tế chạy nhanh trên đường ray WTO?

Ông Vũ Khoan: Thực ra việc can thiệp đã và đang được dỡ bỏ dần. Thí dụ, trước kia công trình loại A phải Thủ tướng phê duyệt, hiện đã gần như không còn. Nhưng cái vướng nhất hiện chưa gỡ được là vấn đề bộ chủ quản.

Tất cả các bộ trưởng đều muốn bỏ cái này, nhưng xóa nó đi thì dễ song phải có người làm đại diện chủ sở hữu nhà nước chứ. Vì thế, mới phải có Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước để họ coi sóc vốn nhà nước thay các bộ.

Chừng nào giải phóng cho các bộ chức năng chủ quản thì sẽ giảm bớt sự can thiệp. Bên cạnh đó, cổ phần hóa cũng là con đường cần thiết để giảm sự can thiệp của Nhà nước vào việc làm ăn kinh tế.

Hỏi: Trung Quốc đã gia nhập vào WTO được 5 năm mà vẫn chưa trút được gánh nặng từ doanh nghiệp nhà nước. Ông nghĩ sao về nền kinh tế nước ta?

Ông Vũ Khoan: Đây là vấn đề lớn của các nước XHCN khi chuyển đổi từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường. Vì trước đây doanh nghiệp nhà nước chiếm gần như 100%.

Từ tỷ lệ đó xuống 30-40% là cả một quá trình chật vật, nhưng ta cũng không thể đi theo con đường ồ ạt tư nhân hóa được, vì xã hội sẽ náo loạn, đó không phải con đường tốt.

Hỏi: Trong cách nhìn của các quốc gia khác với Việt Nam hiện nay, ông thấy có sự thay đổi thế nào so với 10 năm trước?

Ông Vũ Khoan: Sự thay đổi có thể nói “một trời một vực”. Đầu những năm 90, khi Việt Nam mới ra thế giới, người ta còn đầy nghi kỵ, né tránh, dè dặt, thậm chí căng thẳng. Có nhiều người đã từng chỉ trích mình như hát hay, nhưng sau này gặp họ đã thay đổi hoàn toàn.

Hỏi: Từng nhiều năm là thành viên Chính phủ, điều ông mong muốn nhất với nền kinh tế nước ta là gì?

Ông Vũ Khoan: Chúng ta đã đặt nền kinh tế lên đường ray quy luật của nó. Cái quan trọng nhất là dọn sạch những “hòn đá, hòn sỏi” còn ngáng trở trên đường ray đó.

Hỏi: “Hòn đá” nào to nhất, thưa ông?

Ông Vũ Khoan: “Hòn đá” to nhất là cải cách hành chính còn chậm. Cải cách hành chính tốt sẽ củng cố lòng tin của dân và môi trường kinh doanh.

Khi làm luật, không nên tập trung vào việc che chắn, quản chặt mà nên tập trung tìm mọi cách tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tôi nói thế không phải khuyến khích buông lỏng quản lý nhưng điều chủ yếu là phải tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển.


(Nguồn: Nhân dân)
Báo cáo phân tích thị trường