Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ ông vua Donuts trở thành kẻ không nhà
15 | 07 | 2008
Ngoài hàng hiên của một mobile home (nhà lưu động), người đàn ông Campuchia (CPC) 65 tuổi, từng có thời là triệu phú - ông vua donut (bánh tiêu) được người dân CPC nể trọng, nay trở thành kẻ vô gia cư nằm co ro, buồn bã. Sự nghiệp và tình ái của ông ta như một chuyện phim diễm lệ không có hậu, vì sao?
Tên cúng cơm của ông là Bun Ted Ngoy. Ông xuất thân từ một gia đình bần cố nông, sinh ra tại một làng quê, gần biên giới CPC - Thái Lan. Ông nội là người Hoa. Năm 1967, ông được mẹ gửi đi học ở thủ đô Phnom Penh. Tại đó, ông yêu say đắm một công nương xinh đẹp, kiêu sa trong một gia đình hoàng tộc. Cha cô gái là một viên chức cao cấp.

Tên cô gái là Suganthini Khoeun. Cha mẹ cô mong muốn cô lập gia đình với người chồng quyền thế tương xứng. Ở tuổi trăng tròn, cô không có bạn để nói chuyện. Cuộc sống của cô bị cấm đoán nhiều thứ. Cô bị giam lỏng trong cung điện nguy nga tràn ngập gia nhân và người thân giám sát.

Tiếng sáo Trương Chi

Ted Ngoy ham mê bài bạc. Nay bỏ đạo Phật theo Tin Lành và chấp nhận Chúa phạt vì đã phản bội vợ con
Ở trọ trên một căn gác rách nát cách nhà cô không xa, Bun Ted Ngoy tuyệt vọng trong mối tình đơn phương. Chỉ nghĩ đến cô gái thôi cậu học sinh nghèo cũng không đủ tư cách chứ nói gì được làm quen. Nhưng một đêm nọ, anh ta nghĩ ra một cách: trèo lên nóc nhà trọ ngồi thổi sáo. Tiếng sáo buồn réo rắt thấm thía như tiếng sáo Trương Chi. Giữa đêm thanh vắng, hàng xóm nghe tiếng sáo du dương trầm bổng u tịch như tiếng tỉ tê của một chàng thanh niên si tình. Hai mẹ con cô gái nghe được tiếng sáo. Bà ta nói: “Đó là tiếng lòng của một người con trai đang tương tư”.

Hằng đêm như vậy Bun Ted Ngoy đều thổi sáo, hi vọng một ngày nào đó cô gái để ý đến mình. Một ngày nọ, anh bạo dạn viết lá thư ngắn khẩn khoản nhờ gia nhân của cô trao thư. Tuần sau đã có thư phúc đáp. Từ đó hai người bí mật trao đổi thư từ cho nhau. Bun Ted Ngoy ngỏ lời đến thăm cô. Cô trả lời không thể vì nhà nàng đầy lính canh và chó dữ.

Vào một đêm mưa tầm tã, bầu trời Phnom Penh u ám đen nghịt, Bun Ted Ngoy trèo lên cây dừa sát bờ tường nhà cô gái, trườn qua kẽm gai để nhảy vào. Người anh đẫm ướt nước mưa và máu vì bị cứa bởi những vòng kẽm gai. Anh rón rén tìm phòng cô, linh cảm căn phòng hé cửa là phòng của cô. Cô gái mở cửa, hoảng hốt nhìn người khách lạ nhưng vẫn đồng ý cho vào phòng. Và người khách lạ ấy đã ở đó 45 ngày. Mỗi lần gia nhân vào phòng dọn dẹp thì anh ta trốn dưới gầm giường. Khi màn đêm buông xuống, anh ta lại cõng cô trèo qua cây dừa để xuống đường. Hai người dạo phố Phnom Penh bằng chiếc xe gắn máy cho đến gần sáng mới trở lại phòng.

Một đêm dưới ánh trăng ngà, họ quì bên nhau cầu nguyện cao xanh chứng giám. Hai người cắt tay nhỏ những giọt máu xuống ly nước lạnh rồi cùng uống như một lời thề mãi mãi bên nhau.

Rồi một ngày mối tình vụng trộm của họ bị cha mẹ cô gái phát hiện. Họ đuổi anh, đe dọa anh và buộc anh, trước mặt những người thân trong gia đình, phải nói những lời xấu xa để cô gái quên anh.

Thoạt đầu anh nói anh không hề yêu cô gái. Anh lường gạt cô. Tới đó... anh rút dao đâm vào người máu chảy lênh láng. Anh khóc thét lên: “Làm sao tôi có thể nói những điều giả dối được” rồi ngất đi. Cha mẹ cô gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện. Còn cô thì bị giam giữ trong phòng nhiều ngày. Cô uống thuốc ngủ tự tử, may là chỉ hôn mê.

Khi cả hai bình phục, xúc động trước mối tình của họ, cha mẹ cô gái đã chấp thuận cho họ thành hôn.

Không xu dính túi trở thành cứu tinh nhiều người

Cuối đời một nhà triệu phú trong căn nhà di động
Chiến tranh xảy ra vào năm 1970, Bun Ted Ngoy tham gia quân đội, được người anh cột chèo nâng đỡ, đưa lên cấp bậc cao và làm lãnh sự tại Thái Lan. Năm 1975, Pol Pot và Khơme Đỏ nắm chính quyền. Nạn diệt chủng xảy ra. Ông đưa vợ và ba đứa con nhỏ sang Mỹ.

Gia đình ông không có một đồng xu dính túi. Ông lau chùi vệ sinh trong một nhà thờ tại thành phố Tustin, miền nam Cali, và làm thêm ở cây xăng, cạnh một tiệm bán donut. Hằng đêm ông nhìn những khách hàng đến và đi. Với mong muốn làm thương mại, ông gặp người chủ tiệm đang lúc cần người quản lý.

Sau một thời gian huấn luyện, ông được người chủ giao cho trông nom tiệm Winchell's Donuts tại thành phố Newport Beach, miền nam Cali. Vợ chồng ông và những người thân thích cùng làm việc 17 giờ mỗi ngày. Quần quật cả năm, ông dành dụm được một số tiền. Ông mua lại tiệm Christy's Doughnuts của vợ chồng người Mỹ về hưu đang làm ăn thua lỗ. Nhưng từ khi tiệm này vào tay ông thì cứ phất lên không ngừng.

Ông mở thêm nhiều tiệm và giao cho những người đồng hương CPC quản lý hay hùn hạp. Quan niệm của ông: “Tôi vui vẻ. Họ vui vẻ”. Ông đi khắp Cali mở tiệm. Ông đỡ đầu và dạy nhiều người CPC làm donut, giúp đỡ hàng ngàn người CPC thoát khỏi gánh nặng trợ cấp của chính phủ.

Thương hiệu của ông nhanh chóng lan rộng khắp nơi. 40, 50, 60 tiệm? Ông đếm không xuể.

Giữa thập niên 1980, ông đã trở thành triệu phú. Ông được mọi người nể trọng, nhất là những người CPC. Năm 1985, vợ chồng ông nhập quốc tịch Mỹ, ông đổi tên là Ted, vợ ông đổi tên là Christy. Lúc đó, gia đình ông có một ngôi nhà trên 700m2 và ba chiếc xe hơi loại đắt tiền. Hằng năm gia đình ông đều sang châu Âu du lịch.

Ông tham gia Đảng Cộng hòa và vận động tài chính cho cựu tổng thống George H.W. Bush khi ra tranh cử. Ông quan hệ mật thiết với cựu tổng thống Reagan và Nixon.

Mô hình làm donut của ông được người CPC học theo. Đầu thập niên 1990, tại Cali đã có 2.400 tiệm donut do người CPC làm chủ.

Tìm cảm giác mạnh

Cửa hàng Christy's Donuts mà Ted Ngoy từng làm chủ
Mặc dù thành công vượt bậc như thế trên đất Mỹ, nhưng đôi lúc ông lại cảm thấy vô vị, tẻ nhạt. Ông nói: “Không chính trị, không tôn giáo. Làm việc, làm việc. Chỉ tiền, donut, ngủ”.

Gia đình ông đi Las Vegas lần đầu vào năm 1977. Họ xem danh ca Elvis Presley trình diễn, còn ông thì chơi vài ván xì lát cho vui.

Mấy năm sau, ông trở lại Las Vegas đánh bài lớn và nhiều hơn.

Các sòng bài Caesars Palace, MGM Grand, The Mirage đón tiếp ông vua donut rất nồng hậu. Họ cung phụng ông đủ thứ. Nào phòng ở sang trọng, thức ăn tuyệt hảo, vé máy bay, vé ca nhạc... thượng hạng. Ông tiêu tốn hàng chục ngàn đôla cho sòng bài. Ông nói: “Las Vegas là một điều mới mẻ, bên cạnh tiền và donut”.

Vợ ông rất ghét tính cờ bạc của chồng. Bà phát hiện ông thua bài rất nhiều, từ đó hai vợ chồng gây gổ liên miên. Nhiều lần bà tha thứ khi ông hứa sẽ bỏ. Nhưng rồi tính nào tật nấy ông vẫn chơi bài. Bà nói: “Tôi đã tin vào lời hứa của ông cả ngàn lần”. Ông lén vợ lên Las Vegas, nhiều khi cả tuần chưa về. Bà lái xe chở đứa con út tìm ông từ sòng bài này đến sòng bài nọ. Ông còn giả chữ ký của vợ để ký chi phiếu. Ông mượn tiền của những người thuê tiệm và hùn hạp với ông làm donut. Ông mượn nhiều đến nỗi phải cấn luôn tiệm. Ông tâm sự: “Khi ngồi vào canh bạc ta thấy bị kích động, niềm đam mê rạo rực như có ma lực cuốn hút không thể cưỡng nổi...”.

Tin đồn bắt đầu lan rộng, người CPC từng chịu ơn và nhờ vả ông bắt đầu xa lánh vì sợ bị mượn tiền. Ông đi cai... bài. Ông khóc. Ông thề thốt nhưng vẫn bị thần đỏ đen cám dỗ. Quả là: “Chơi tiên giỡn tiền”. Ông còn cá độ đá banh, bóng bầu dục, cá ngựa. Nhiều chủ nhật ông thua cả 50.000 USD.

Năm 1990 do tác hại của cờ bạc, ông lên Washington DC và vào chùa đi tu. Cạo đầu, mặc áo cà sa, ông tu tâm trọn tháng. Sau đó, ông còn bay sang một ngôi chùa nhỏ ở miền quê Thái Lan. Sáng sáng ôm bình bát đi khất thực với những nhà sư khác trên những khúc đường sỏi đá làm bàn chân ông rướm máu. Ông bật khóc thảm thương.

Làm thầy tu cũng không giúp ông được điều gì. Tiếng tụng niệm và gõ mõ cũng không đưa ông ra khỏi vòng trần tục. Phật cũng không cứu rỗi được ông. Những ngọn đèn hoa đăng ở Las Vegas khêu gợi biết chừng nào. Cái âm thanh, cái màu sắc bén nhạy nửa vui nửa buồn hấp dẫn ông cực độ. Ông trở lại nam Cali trong niềm đam mê ngút tận. Con ma cờ bạc trong người ông nhảy múa tứ tung.

Chính trường và tình trường

“Tiền không là gì cả”“Sự sống mới đáng giá” “Chúc may mắn, hẹn ngày gặp lại” Những khẩu hiệu mà Las Vegas dành cho những tay chơi sau khi rời chốn đỏ đen này.

Đầu năm 1993, đất nước CPC tổ chức bầu cử, nhà nước kêu gọi công dân của họ ở nước ngoài về tham chính. Ông là một trong những người về ứng cử. Tài sản của ông lúc đó gần như tiêu tan. Trở về CPC ông lập Đảng Cộng hòa. Ông tin sẽ tạo cơ hội cho nước nhà phát triển kinh tế và hưng thịnh. Ông cũng hi vọng khi trở thành nhân vật lớn sẽ rời xa bài bạc vì không ai bỏ phiếu cho một người ghiền bài.

Đảng của ông thảm bại cả hai cuộc bầu cử vào quốc hội năm 1993 và 1998, nhưng Thủ tướng Hun Sen vẫn mời ông làm cố vấn cao cấp về thương mại và nông nghiệp. Từ ảnh hưởng thân cận của ông với Đảng Cộng hòa ở Mỹ, ông đã thành công trong việc vận động Hoa Kỳ trao qui chế tối huệ quốc cho CPC vào năm 1995, giúp ngành may mặc CPC phát triển nhanh.

Năm 1999, vợ ông trở về Cali để dự sinh nhật đứa cháu ngoại thì ông đưa một thiếu nữ về sống trong nhà. Vợ ông cho đó là một sự phản bội cuối cùng. Bà ly dị và không trở lại CPC nữa.

Bất ngờ, năm 2002 ông rời chính trường khi chống lại hai người đồng minh lớn là bộ trưởng thương mại và chủ tịch phòng thương mại. Trong một cuộc họp báo, ông tuyên bố giải tán đảng và tố cáo chính quyền tham nhũng. Một ngày sau ông trở lại Los Angeles, bỏ lại bà vợ mới và hai đứa con thơ.

Ông nghĩ đây là lần cuối cùng ông chuộc lại lỗi lầm.

Ông vua donut một thời nay đến phi trường Los chỉ có 50 đôla trong túi.

Tại Cali, không một người nào đến để cứu giúp ông. Ông than thở: “Tôi dạy cho họ, chia sẻ tình thương với họ bằng con tim, trí óc. Nhưng bây giờ họ đâu hết rồi?”.

Giờ thì ông sống nhờ vào những đồng tiền lẻ của những người bạn. Ông từ chối làm gác dan vì không còn sức đứng mỗi ngày tám giờ.

Ông đổi sang theo đạo Tin Lành. Mỗi buổi chiều xuống, ông ngồi trầm tư đọc Thánh kinh. Khuôn mặt ông trông sầu thảm, nước mắt ông như chực trào ra.

Một tín hữu hội thánh cho ông tá túc ở mái hiên bên ngoài mobile home của bà. Ông thu xếp như một chỗ che thân. Gia tài còn lại của ông là mấy cái áo và vài cái quần mắc trên dây phơi đồ.

Ông tin sự đau khổ của ông là do Thượng đế trừng phạt vì ông đã phản bội lại lời thề từ trong trái tim nhỏ máu với cô gái năm nào dưới ánh trăng rằm tại Phnom Penh.

Bà Christy Ngoy - vợ cũ của ông, giờ làm chủ một nhà hàng Peru tại thành phố Irvine, bang Cali. Người con trai làm cố vấn tài chính, người nữa chuyên về vi tính. Còn cô con gái làm chủ tiệm hamburger ở quận Cam.

Bà Christy nói: “Đã có lần tôi tưởng tôi sẽ không sao sống nổi nếu có chuyện gì xảy ra cho anh ấy. Nhưng cuộc tình lãng mạn như tiểu thuyết đó giờ đã quá xa, dường như là của một người khác. Người đàn ông lạ đột nhập phòng ngủ của tôi cách đây 35 năm đã là một người xa lạ đối với tôi”. Ông Bun Ted Ngoy cũng trở thành xa lạ với chính mình. Ông nói: “Bây giờ tôi không biết tôi là ai. Tôi nói: Ted, mày là ai? Tôi cũng không biết”.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường