Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Biến đất rừng phòng hộ thành khu du lịch sinh thái
16 | 08 | 2007
Một khu đất rộng trên 50ha bên cạnh hồ Kể Gỗ (Hà Tĩnh) được chủ nhân của chúng cải tạo trở thành trang trại và về lâu dài có thể trở thành khu du lịch sinh thái
.

Khu đất được UBND Huyện Cẩm Xuyên cấp cho ông Hồ Anh Tài vào năm 2003 theo đề nghị của xã Cẩm Mỹ. Toàn bộ diện tích  mà huyện Cẩm Xuyên cấp cho ông Tài làm trang trại lại đang thuộc quyền quản lý của ban quản lý rừng phòng hộ Kẻ Gỗ theo quyết định của UBND Tỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Tài là con trai một cán bộ đầu ngành cấp tỉnh và thực chất chỉ đứng tên hộ bố. Vì vào thời điểm đó, ông Tài đang học ở nước ngoài.

Lô đất cấp cho ông Tài thuộc tiểu khu 308 trên khu vực rừng phòng hộ xung yếu. Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ không nhận được bất cứ lời đề nghị hay thông báo  nào từ phía chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, chính quyền biến toàn bộ diện tích 6ha đất rừng phòng hộ dọc tuyến đường TP Hồ Chí Minh đang thuộc quyền quản lý của ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu thành đất ở.

Trước kia, đây là khu vực đồi chè, một thời kỳ do chuyển đổi cơ chế, đồi chè trở thành đồi trống. Nhưng con đường TP Hồ Chí Minh đi qua làm thay đổi mọi thứ. Đất đai bỗng nhiên có giá.

Từ sự tham mưu của xã Phúc Trạch, năm 2004, UBND Huyện Hương Khê ra quyết định cấp đất ở và lập tức 26 hộ tiến hành đấu thầu. Toàn bộ diện tích cấp vẫn thuộc quyền quản lý của ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu.

Về danh  nghĩa đây vẫn là đất rừng phòng hộ và muốn chuyển đổi mục đích sử dụng phải đạt được thỏa thuận với chủ rừng cũng như phải có quyết định thu hồi đất của UBND Tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng BQL Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ, cho biết trong khi BQL Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ chưa hiểu sự tình thế nào, những ông chủ mới tranh thủ đào ao đắp đường, thực hiện hành vi lấn chiếm.

Từ chỗ chỉ được cấp 34ha, đến nay trang trại của ông Tài lên tới trên 50ha. Ông Tài cho đào kênh xác lập ranh  giới tới sát chân đập Kẻ Gỗ, vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh quản lý bảo vệ đê điều. Không những thế, toàn bộ cây rừng trong khu vực được đầu tư theo chương trình 327 bỗng nhiên trở thành tài sản của ông chủ mới.

Bằng chứng là những cánh rừng thông, rừng bạch đàn hàng chục năm tuổi được rào lại theo kiểu nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhiều cây bị đốn hạ.

Ông Đặng Hữu Liên, Trưởng BQL Rừng Phòng hộ Ngàn Sâu, bức xúc: “Cách hành xử tùy tiện của xã Phúc Trạch và huyện Hương Khê đẩy chủ rừng vào tình thế khó xử khi sự đã rồi. Rất may là trên diện tích đất rừng phòng hộ được cấp cho dân làm nhà ở gần như không còn tài sản đầu tư trên đất.

Song sự việc cũng làm xáo trộn  đến kế hoạch đa dạng hóa sản xuất của BQL Rừng Phòng hộ Ngàn Sâu hay 26 hộ mới là ông chủ thực sự trên 6ha khu vực đồi chè ở xã Phúc Trạch”.



Theo Pháp Luật Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường