Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp
22 | 06 | 2007
Ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 18/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Theo đó, mục tiêu phát triển lâm nghiệp đến năm 2020 là thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020; đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào phát triển lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi và giữ vững an ninh quốc phòng.

Phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp nêu rõ, cần thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 3 loại rừng gồm: 8,4 triệu ha rừng sản xuất, 5,68 triệu ha rừng phòng hộ và 2,16 triệu ha rừng đặc dụng; trồng mới 1 triệu ha rừng đến năm 2010 và 1,5 triệu ha cho giai đoạn sau; trồng lại rừng sau khai thác từ 0,3 triệu ha/năm; trồng cây phân tán 200 triệu cây/năm, tương đương 100.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2010 và lên 47% vào năm 2020. Hoàn thành giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trước năm 2010; nâng số lao động lâm nghiệp được đào tạo nghề lên 50%, chú trọng các hộ dân tộc ít người, hộ nghèo và phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và mọi người dân về bảo vệ và phát triển rừng. Thành lập hệ thống tổ chức khuyến lâm từ trung ương đến các tỉnh, huyện có nhiều rừng (tỉnh có trên 50.000 ha rừng và đất lâm nghiệp) trực thuộc hệ thống khuyến nông các cấp.

Theo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản phải trở thành mũi nhọn của kinh tế lâm nghiệp, phát triển theo cơ chế thị trường hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Uỷ thác lâm nghiệp (TFF) và Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF), từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi trên cơ sở công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Ngoài các giải pháp phát triển trên, cần tăng cường vận động, thu hút và sử dụng có chiến lược và đúng mục tiêu nguồn vốn ODA; quản lý và sử dụng và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu công nghiệp, chế biến lâm sản và chuyển giao công nghệ.

Tổng vốn đầu tư phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010 là: 33.885,34 tỷ đồng.



(Nguồn: Chính phủ)
Báo cáo phân tích thị trường