Về cơ hội, Tiến sĩ Carl Thayer nói: "Mối lợi lớn nhất là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn bị phân biệt đối xử. Việt Nam sẽ bình đẳng bước vào thị trường với 149 nước thành viên khác. Việt Nam sẽ được quyền sử dụng các cơ chế giải quyết của WTO khi có sự tranh chấp thương mại với các quốc gia thành viên khác. Bây giờ hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được bảo vệ trong các cuộc tranh chấp.
Điều then chốt là Việt Nam lần đầu tiên được chen chân vào thị trường thế giới với nền tảng tốt nhất. Việt Nam có thể cùng với các quốc gia đang phát triển khác gây áp lực để được giúp đỡ hay cứu xét đặc biệt trong việc áp dụng luật lệ của WTO. Điều này sẽ giúp Việt Nam thêm sức mạnh và điều kiện tốt để cạnh tranh với thế giới. Qui chế thành viên WTO sẽ khiến thị trường Việt Nam được nhìn ở một góc độ khác.
Thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn với giới đầu tư nước ngoài đã quen thuộc với cung cách làm việc của WTO. Họ sẽ đem đến những công nghệ tiên tiến, những thói quen kinh doanh tốt hơn. Những điều này sẽ giúp gia tăng mức sản xuất tại Việt Nam, phát triển thị trường nội địa, tạo công ăn việc làm cho dân chúng. Thị trường nội địa phát triển sẽ cho người tiêu dùng có nhiều chọn lựa hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ không có được trước đó".
Ông Carl Thayer cũng đồng thời phân tích ra 6 thách thức lớn khi Việt Nam gia nhập WTO.
Trước tiên, các nhà máy Việt Nam có chất lượng thấp, kỹ thuật lạc hậu, giá thành cao, hệ thống phân phối kém, thiếu hiểu biết về hệ thống pháp luật. Khi trở thành thành viên WTO, ngay lúc đầu giới kinh doanh Việt Nam sẽ mất thị trường và phải bước vào đoạn điều chỉnh cấp thời.
Thứ nhì, rất nhiều doanh gia Việt Nam không am tường luật lệ và thủ tục (mới) của WTO. Những luật lệ và thủ tục hiện hành của WTO còn thay đổi nhiều. Trong bước đầu hội nhập WTO, giới kinh doanh Việt Nam sẽ gặp phải những cạnh tranh rất gay gắt vì giới quản lý cũng như nhân viên phải cấp kỳ lĩnh hội cách làm ăn mới để thích hợp với thương trường WTO. Việt Nam có nhiều nguy cơ thua đậm trong những vụ tranh chấp pháp lý.
Thứ ba, sự thay đổi trong luật lệ kinh doanh là thử thách lớn cho khu vực dịch vụ Việt Nam, kém hơn về vốn, công nghệ và kinh nghiệm so với các đối thủ quốc tế. Hệ thống phân phối hàng hóa trong nội địa của Việt Nam sẽ gặp phải những cạnh tranh mãnh liệt của những công ty nước ngoài.
Thứ tư, tất cả những xí nghiệp nội địa phải cạnh tranh ở mức cao hơn. Các xí nghiệp này phải tự chỉnh đốn để sản xuất hàng chất lượng và có dịch vụ tốt hơn, hay phá sản. Những khu vực yếu kém trong cạnh tranh như dịch vụ, sản xuất sắt thép, lắp ráp xe hơi và nông nghiệp sẽ bị đe dọa trầm trọng. Nhiều khu vực trước đây thuộc độc quyền kinh doanh của Nhà nước như điện lực, viễn thông, sẽ bị áp lực nặng nề để mở cửa cho tư doanh. Nhiều công ty Việt Nam có khả năng bị công ty ngoại quốc nuốt chửng.
Thứ năm, sự phá sản của công ty nội địa làm tăng nạn thất nghiệp và gây bất ổn định trong xã hội. Mặt khác, ngay cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài có khả năng, trong vài trường hợp, đưa đến tình trạng tài chính bất ổn định.
Thứ sáu, sự thay đổi quá nhanh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm môi trường bị xuống cấp.
Theo ông Carl Thayer, Chính phủ và giới đầu tư Việt Nam phải làm việc với nhau giúp các cơ sở kinh doanh trong nước tăng nguồn vốn, thay đổi cách quản lý, đem công nghệ mới vào quy trình sản xuất. Để đem lại điều kiện tốt cho việc đầu tư, Nhà nước phải dành nhiều ngân sách hơn cho giáo dục và tăng ngân sách quốc gia vào các công trình nghiên cứu.
Thứ đến, Nhà nước phải nhanh chóng thực hiện cải tổ hành chính để trở nên hiệu quả hơn nếu không chính nhà nước lại cản trở công cuộc cản của cuộc phát triển kinh tế hiện nay. Thứ ba, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đòi hỏi Nhà nước tăng ngân sách trợ cấp mất việc, ngân sách tái đào tạo công nhân cũng như ngân sách an sinh xã hội.