Dự tính đến năm 2010, các nhà chế biến gỗ của chúng ta có thể đạt doanh thu hàng năm lên đến 5,5 tỷ USD, và nếu như vậy xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ vượt qua Trung Quốc – một cường quốc về xuất khẩu đồ gỗ nội thất.
Bình Dương hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về các sản phẩm từ gỗ, với khoảng 450 doanh nghiệp và 200 hộ gia đình chuyên nghề làm đồ gỗ, chỉ riêng Bình Dương đã chiếm đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả nước. Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2006, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương đã đạt gần 500 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh hậu WTO, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam sẽ còn có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển hơn nữa. Là thành viên của WTO, Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu các loại gỗ nguyên liệu với giá rẻ, hơn nữa việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cũng dễ dàng hơn, không phải đối mặt với các rào cản thương mại, thuế quan nặng nề.
Tuy vậy, cái gì cũng có hai mặt, hậu WTO cũng đem lại cho ngành gỗ những thách thức như nguy cơ thiếu nguyên liệu, lao động...vì hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp đủ cho 20% nhu cầu hiện tại, vì thế với xu hướng ngày càng phát triển, nguy cơ thiếu nguyên liệu là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, nguồn vốn cũng là một nhân tố then chốt, hậu WTO đòi hỏi các doanh nghiệp cần biết hợp tác với nhau để tăng cường nguồn lực về vốn, thực hiện sản xuất chuyên môn hóa, và tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tính tới thời điểm này, Việt Nam có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất đồ gỗ, trong đó có 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, hy vọng rằng, với những thuận lợi của thời hậu WTO và những nỗ lực của ngành gỗ Việt Nam, sắp tới, sẽ có thêm nhiều quốc gia biết đến đồ gỗ mang thương hiệu Việt Nam.