Bội thực vốn đầu tư?
Không ai có thể phủ nhận tác động rõ nét và thành quả lớn nhất của Việt Nam (VN) sau 1 năm gia nhập WTO. Đó là chúng ta đã có được 50 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chờ được cấp phép vào VN. Ngoài ra các dòng vốn khác như ODA, vốn đầu tư gián tiếp (FII), kiều hối, vốn đầu tư trong nước cũng không ngừng gia tăng, đã tạo nên khí thế và đà tăng trưởng mạnh hậu WTO.
Chỉ riêng nguồn vốn FDI cam kết trong năm 2007 dự kiến đã đạt tới 17-19 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Thiên, Viện phó Viện Kinh tế VN, đã và đang xuất hiện nhiều ý kiến hoài nghi về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, dẫn chứng: tỷ lệ thực hiện vốn FDI đã giảm từ trên 90% vốn cam kết năm 2000 xuống còn 40% năm 2006 và tiếp tục giảm mạnh xuống mức còn khoảng 28% trong năm 2007 (vốn thực hiện dự kiến chỉ đạt khoảng hơn 4 tỷ USD so với vốn cam kết) là điều rất đáng lo ngại. Theo TS Doanh, bộ máy nhà nước đã không theo kịp những chuyển biến năng động của nền kinh tế và cuộc sống. Những thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng, thuế… vẫn là những hạn chế lớn về môi trường đầu tư.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, giải ngân chậm đồng nghĩa với tốc độ giải tỏa các nút thắt tăng trưởng giao thông, cảng biển, năng lượng chậm, đường sá còn tiếp tục ách tắc, thiếu hụt nguồn năng lượng, ngập lụt tại nhiều TP lớn… đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu tư.
Phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu
Cùng với thu hút vốn FDI, kim ngạch xuất khẩu của VN dự kiến sẽ đạt hơn 48 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2006. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay chỉ là kết quả đương nhiên của đà tăng trưởng xuất khẩu từ những năm trước, chưa có dấu ấn WTO. Kim ngạch nhập khẩu lên tới 57 tỷ USD, trong đó chủ yếu là máy móc thiết bị cho thấy các DN trong nước đang tích cực chuẩn bị hành trang bước vào “cuộc chơi” lớn.
“Tuy nhiên, nhập siêu năm 2007 tăng tới 9 tỷ USD (còn theo TS Doanh tăng tới 11 tỷ USD?) so với năm 2006, cũng là dấu hiệu cho thấy đợt “triều cường” quốc tế đang bắt đầu dâng lên với lượng hàng hóa khổng lồ đổ vào VN càng lúc càng nhiều hơn” – ông Sơn nhận định.
TS Doanh cũng đưa ra con số so sánh: nếu như năm đầu tiên Trung Quốc gia nhập WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu đạt tới 35% thì chúng ta chỉ đạt 21%, thấp hơn năm 2006 đến 5% là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc. Điều làm nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán WTO VN băn khoăn: “Chúng ta chưa khai thác được thế mạnh để xoay chuyển cán cân xuất nhập khẩu”. Tiềm năng về nguồn nguyên liệu là rất lớn nhưng chúng ta lại phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu.
Trong số 9 tỷ USD nhập siêu, chỉ riêng 2 mặt hàng ngô và đậu tương đã nhập tới 450 triệu USD. Quặng sắt rất nhiều nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu phôi thép, clinker để sản xuất xi măng. Chúng ta xuất khẩu than sang Trung Quốc rồi lại phải nhập khẩu điện đắt gấp nhiều lần… Trong khi đó, chất lượng xuất khẩu cũng còn nhiều điều đáng bàn: Chúng ta mới chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô chứ chưa đáp ứng được quy trình “nông nghiệp sạch”; việc đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo SPS theo WTO và theo yêu cầu nước nhập khẩu còn nhiều hạn chế. Việc 80% cà phê bị loại trên thị trường Luân Đôn và số các vụ vi phạm định mức vệ sinh của nông sản VN bị trả ngày càng nhiều chứng minh khá rõ điều này.
Điều hành vĩ mô - nhiều yếu kém
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP và có thể tăng tới 2 con số là một thực tế của năm đầu tiên VN gia nhập WTO. Nguyên nhân chính là giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới đã tăng rất mạnh, Chính phủ đã mua tới 9 tỷ USD dự trữ ngoại tệ tác động trực tiếp đến CPI trong nước… Vấn đề đặt ra: tại sao các nước cũng chịu chung mặt bằng giá nguyên vật liệu thế giới, nhưng CPI VN lại tăng cao nhất trong khu vực? Câu trả lời của các chuyên gia là đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa xây dựng được mô hình dự báo lạm phát và giải pháp ổn định mang tính nền tảng. Cách chống lạm phát được thực thi trong năm nay chứng tỏ rõ điều này: chủ yếu vẫn là phản ứng kiềm chế giá cả ngắn hạn, “giật cục” mang tính tình thế mà ít thể hiện sự bài bản.
Để kinh tế VN phát triển, ngoài sự nỗ lực của các DN thì cần có nhiều động thái từ Chính phủ. Đó là tiếp tục thay đổi hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật cho phù hợp với WTO, xây dựng hệ thống cảnh báo và dự báo nhằm hỗ trợ kịp thời cho các DN trong việc định hướng sản xuất và xuất khẩu; đầu tư chiều sâu vào nguồn nhân lực, chất xám để tăng sức cạnh tranh; cần chiến lược xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại một cách bài bản, khoa học… Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, nếu không có những đúc kết để nhận diện kịp thời khó khăn, thách thức thì chúng ta sẽ khó tránh khỏi “cơn bão WTO” ập đến trong những năm tới, vì thực tế cho thấy nhiều nước đã phải gánh chịu hậu quả của cơn bão này.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:
Sức cạnh tranh của DN còn yếu
11 tháng đầu năm 2007, TPHCM thu hút được gần 2 tỷ USD vốn FDI nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn này vẫn chưa đạt yêu cầu. Sức cạnh tranh của các DN trong 1 năm qua còn yếu, chưa có sự sáng tạo đột phá trong sản xuất hàng hóa. TPHCM cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách hành chính, nhưng sẽ không thành công nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành chức năng. Luật pháp và văn bản dưới luật chậm thay đổi làm cản trở sự đầu tư, phát triển của kinh tế TP.
Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi:
Chưa có chính sách để phát triển ngành
Khó khăn hiện nay của các DN trong ngành là thiếu nhân lực, thiếu nguyên liệu, chính sách của Nhà nước để phát triển ngành chưa thực tế. Chẳng hạn, bắt DN trong ngành thủ công mỹ nghệ khi mua nguyên liệu phải có hóa đơn là rất khó vì chủ yếu nguyên liệu được mua từ nông dân thì làm gì có hóa đơn, mà không có hóa đơn thì không được tính vào chi phí sản xuất. Quy định này đã buộc DN phải “chạy” hóa đơn, làm tăng giá thành sản phẩm.
TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
Cảnh báo tình trạng DN chạy theo lợi nhuận ngắn hạn
Quan niệm “thị trường là chiến trường” dẫn đến sự ngộ nhận “ai thắng ai” đã làm méo mó chiến lược cạnh tranh, hạn chế quan niệm “hai bên cùng thắng”, “vừa hợp tác vừa cạnh tranh”. Biểu hiện rõ nhất cho đến nay chỉ có khu vực đầu tư nước ngoài đã tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị còn khu vực DN nhà nước và kinh tế dân doanh vẫn còn đứng ngoài nấc thang hội nhập cao hơn này.
Mặc dù các tập đoàn nhà nước trở nên năng động hơn, song điều đáng lo ngại là sự năng động không đúng hướng, xao nhãng đầu tư nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh mà chạy theo lợi nhuận ngắn hạn như đầu tư vào bất động sản, chứng khoán… Việc thành lập các ngân hàng thương mại của các tập đoàn trong khi khung pháp lý và năng lực giám sát chưa rõ ràng là điều đáng lo ngại, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.