Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nội lực luôn luôn là nhân tố quyết định
19 | 06 | 2007
“Không có nước nào lớn lên chỉ bằng hoặc chủ yếu bằng nguồn lực bên ngoài - đó là quan điểm của ta cũng là lời khuyên của nhiều nhà kinh tế học, xã hội học thế giới. Nước ta còn nghèo, nguồn vốn tài chính của Nhà nước còn nhỏ nhưng nguồn lực trong dân lại không nhỏ...”. Bài viết của tác giả Hữu Thọ.
Chúng ta đang sống trong những ngày gối đầu năm 2006 - 2007 với những tin vui dồn dập từ các quan hệ đối ngoại đưa đến. Việt Nam chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 14, là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, được các nước châu Á đề cử là thành viên duy nhất của châu lục tham gia Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008 - 2009, Mỹ chấp nhận quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam... là những sự kiện làm nức lòng người. Vị thế của nước ta được nâng cao một bước quan trọng. Có những dự đoán cho rằng trong thời gian tới sẽ có dòng vốn lớn ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Lúc này tôi chợt nghĩ tới phương châm cơ bản của Ðảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới, giải phóng mọi nguồn lực trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế: Coi nội lực là nhân tố có ý nghĩa quyết định, ngoại lực rất quan trọng cho phát triển. Chúng ta thử tìm hiểu phương châm đó trong điều kiện mới.

Tổng kết quá trình đổi mới, giữ vững nhịp điệu tăng trưởng cao liên tục ai cũng thấy do nhiều yếu tố trong đó yếu tố vốn tài chính rất quan trọng; có người còn nêu con số: Nếu muốn tăng trưởng một thì ít nhất phải có nguồn vốn đầu tư là ba. Tất nhiên khi nói vốn là nói tới vốn xã hội trong nước và vốn đầu tư của nước ngoài. Nhưng ngay khi nói về hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, chúng ta đều nói tới vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, không chỉ có vốn tài chính. Cùng với hội nhập kinh tế là giao lưu văn hóa thế giới, không những thu hút những điều kiện vật chất mà còn tiếp thụ các giá trị tinh thần tiên tiến hợp lý cho sự nghiệp phát triển đất nước. Ta hiểu quá trình mở cửa, hội nhập toàn diện như thế chứ không chỉ có vốn, cho dù vốn đầu tư tài chính từ nước ngoài rất có ý nghĩa. Ngoại lực rất quan trọng nhưng thu hút, tiếp thụ ngoại lực là để tăng cường tiềm lực quốc gia cho phát triển. Nội lực là nhân tố có ý nghĩa quyết định vì chính nhân tố đó bảo đảm có thể tiếp thụ và sử dụng có hiệu quả các nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.

Nội lực quốc gia trước hết là ý chí của toàn dân tộc, lúc này là ý chí chấn hưng đất nước theo định hướng phát triển, không để thua chị kém em, không cam chịu nghèo hèn, phụ thuộc. Ý chí đó thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể, từng cấp lãnh đạo, quản lý sẽ là sức mạnh to lớn. Cho dù yêu cầu phát triển liên tục với nhịp độ cao nhưng chúng ta luôn luôn hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường cho sự phát triển bền vững để không ngừng nâng cao mức sống, chất lượng sống của các tầng lớp nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Có người nói: Lúc này mà nói nhiều tới ý chí e rằng mắc vào duy tâm chủ quan. Nhưng lịch sử dân tộc đã chứng minh: Ý chí dân tộc, sức mạnh của khối Ðại đoàn kết dân tộc luôn luôn là sức mạnh vô địch để biến thành sức mạnh vật chất từ nhỏ thành lớn, từ yếu thành mạnh. Khi nói ngoại lực rất quan trọng, Ðảng ta luôn luôn coi nội lực có ý nghĩa quyết định, trước đây và sau này vẫn thế. Không phải nói cho "đúng đường lối" mà trong thực tế đúng như thế. Nhưng nội lực gồm nội dung gì trong thời kỳ mới là vấn đề mà nhiều người đang thảo luận và xác định.

Nội lực quốc gia lớn mạnh khi phát huy được các nguồn lực quốc gia. Không có nước nào lớn lên chỉ bằng hoặc chủ yếu bằng nguồn lực bên ngoài - đó là quan điểm của ta cũng là lời khuyên của nhiều nhà kinh tế học, xã hội học thế giới.

Nước ta còn nghèo, nguồn vốn tài chính của Nhà nước còn nhỏ nhưng nguồn lực trong dân lại không nhỏ, điều đó được chứng minh khi nguồn vốn trong dân được huy động vào kinh doanh trong thời kỳ đổi mới lớn hơn nhiều so với nguồn vốn đầu tư của nước ngoài và vốn trong dân đang mỗi ngày một nhiều. Ðồng thời phải sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên...

Sức lao động là nguồn vốn lớn hàng đầu với đất nước có hơn 80 triệu dân mà người nước ngoài thường nói về ưu thế của nguồn nhân lực trẻ, có học thức, thông minh, năng động. Tất nhiên chúng ta cũng thấy những nhược điểm không nhỏ như số lao động được đào tạo còn ít, chất lượng không cao, kỷ luật công nghiệp còn thấp, những nhược điểm đó sẽ được khắc phục khi mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khi được rèn luyện trong môi trường sản xuất công nghiệp và cạnh tranh.

Cũng phải nói tới khả năng kinh doanh là một yếu tố quan trọng của nguồn lực trong lúc này. Trong lịch sử, do những nguyên nhân khác nhau, nước ta không có truyền thống lâu đời về kinh doanh, nhưng thời nào cũng có những doanh nhân có ý chí đua tranh và khả năng kinh doanh. Trong thời kỳ mới, hàng chục vạn doanh nghiệp mới ra đời với hàng chục vạn doanh nhân, tuy chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng họ sẽ và đang lớn dần lên. Thế hệ doanh nhân "chụp giật" thuở đầu bung ra trong hoàn cảnh chính sách còn nhiều sơ hở đang nhường vị trí cho những doanh nhân trẻ có ý chí và kiến thức. Và 20 năm đổi mới là sự cọ sát dần với môi trường cạnh tranh từ đơn giản đến phức tạp, từ bình thường tới gay gắt, có những doanh nghiệp không trụ nổi nhưng nhiều doanh nghiệp đứng vững và phát triển, có những ngành hàng, những thương hiệu vươn ra trong khu vực và những thị trường khó tính ở những nước phát triển.

DÙ sao thời cơ để đón nhận, thách thức phải vượt qua đều là khả năng. Nhận ra chính xác thời cơ và thách thức là dự báo rất quan trọng, nhưng quan trọng là biến khả năng đó thành hiện thực. Do đó, điều quan trọng nhất của năng lực nội sinh là khả năng lãnh đạo và quản lý của Ðảng và Nhà nước ta. Nhớ lại thời kỳ đầu đổi mới, khi xây dựng Cương lĩnh 1991, Ðảng ta đã chỉ ra một kinh nghiệm sâu sắc: Sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ðó là bài học lịch sử nhưng trong thời kỳ mới càng có ý nghĩa vì sự nghiệp đổi mới với việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần là vấn đề hết sức mới mẻ chưa có tiền lệ cho nên lúc đầu vừa làm vừa mò mẫm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nếu không tỉnh táo, sáng tạo có thể sai lầm dẫn tới đổ vỡ. Trong hai mươi năm đổi mới phải vượt qua nhiều thử thách có những thử thách rất gay gắt đồng thời phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, Ðảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tuy còn những tồn tại, khuyết điểm mà Ðảng ta đã công khai tự phê bình, nhưng nhìn tổng thể thì đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, điều đó khẳng định đường lối, bước đi  của công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước ta là đúng đắn. Chẳng những chúng ta đánh giá như thế mà thế giới cũng công nhận những thành tích vẻ vang đó. Trong thời gian tới chính sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng sẽ tạo điều kiện để củng cố hơn nữa khối Ðại đoàn kết toàn dân, phát huy ý chí của toàn dân tộc, khai thác và sử dụng có hiệu quả các khả năng tiềm tàng về vốn, về lao động, tài nguyên, về khoa học - công nghệ, về khả năng kinh doanh tạo nên khả năng cạnh tranh của từng mặt hàng, từng doanh nghiệp, và năng lực quốc gia khi tham gia thương mại tự do toàn cầu. Phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì xã hội phồn vinh mà hài hòa, nhân dân không chỉ giàu có mà còn hạnh phúc. Tuy nhiên khi tham gia thương mại tự do toàn cầu, Ðảng ta quán triệt đường lối do Ðại hội lần thứ X chỉ ra, phân tích thời cơ, thách thức, chỉ ra những việc cần làm, có những việc cấp bách. Chúng ta đều biết: Ra biển lớn thì có thể bắt được nhiều cá lớn nhưng cũng phải chuẩn bị để đương đầu, vượt qua sóng lớn và chọn luồng lạch phù hợp mà đi. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong bài viết của Thủ tướng Chính phủ đăng trên báo đúng vào ngày ký Nghị định thư tham gia WTO, 7-11-2006, đã nêu lên thời cơ, thách thức và hành động của chúng ta gồm 11 điểm, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính, phát huy và mở rộng dân chủ, phát triển nguồn lực con người, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí... Nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, hiệu lực quản lý Nhà nước thực hiện tốt các nội dung đó để nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy năng lực nội sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nếu hiểu nội lực - năng lực nội sinh như thế thì năng lực nội sinh luôn luôn có ý nghĩa quyết định để phát huy các nguồn lực tổng hợp "nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, giữ vững chủ quyền quốc gia và định hướng của sự phát triển" trong thời kỳ mới như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định.


(Nguồn: Nhân dân)
Báo cáo phân tích thị trường