Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục đề xuất các biện pháp, chính sách để xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư ở các địa phương của Việt Nam dọc Hành lang kinh tế Đông - Tây, kể cả cho các nhà đầu tư của Việt Nam đang đầu tư tại Lào, Thái Lan, Myanmar. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cùng các Bộ, ngành có liên quan rà soát, tổng kết kết quả thực hiện thông quan tại cửa khẩu Lao Bảo (trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây) và thúc đẩy thực hiện đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan hàng hóa và xuất nhập khẩu của du khách tại cửa khẩu này, nhằm thu hút mạnh hơn nữa vận tải hàng hóa và du khách sang Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành có liên quan, thúc đẩy việc ký kết và sớm triển khai thực hiện các thỏa thuận về thuận lợi hóa giao thông vận tải dọc Hành lang kinh tế Đông-Tây; nâng cao năng lực phục vụ của các cảng biển với các chính sách đủ khả năng hấp dẫn và cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển của Hành lang. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thương mại dọc hành lang này, đặc biệt là cơ chế, chính sách, cơ sở kho tàng, bến bãi, chợ...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan đề xuất quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch qua biên giới; đồng thời tăng cường quảng bá về tiềm năng du lịch của Việt Nam dọc Hành lang này với du khách trong nước và quốc tế nhằm khai thác triệt để thế mạnh của các địa phương của Việt Nam và của các quốc gia dọc Hàng lang kinh tế Đông -Tây.
Bộ Ngoại giao tiếp tục làm đầu mối đôn đốc việc tạo thuận lợi cho hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây.