Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xác định được tầm nhìn dài hạn
15 | 01 | 2008
Sau 1 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã có những chuyển biến rõ ràng nhất về môi trường kinh doanh và đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, sau 1 năm trở thành thành viên chính thức của WTO, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã thực sự xác định được tầm nhìn dài hạn về chiến lược sản xuất, kinh doanh. Nếu như trước đây, DN Việt Nam bị mang tiếng là luôn "ăn xổi" thì điều này nay đã thay đổi. Sở dĩ cộng đồng DN và nhà đầu tư có được tầm nhìn xa hơn là do trong 1 năm qua, Việt Nam đã có những chuyển biến rõ ràng nhất về môi trường kinh doanh và đầu tư.

Theo kết quả điều tra mới đây nhất của Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap II), có tới 72% số DN trong nước được hỏi đánh giá thủ tục đăng ký kinh doanh đã được cải thiện. 87% DN khẳng định rằng, môi trường kinh doanh trong nước đã khiến họ rất lạc quan.

Không chỉ làm cho các DN trong nước lạc quan hơn, thay đổi môi trường kinh doanh và đầu tư còn tạo sự "phấn chấn" cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Noriyasu Matsuda, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết, Việt Nam là một trong 3 quốc gia dẫn đầu về mức hấp dẫn đầu tư đối với các DN Nhật Bản nhờ có môi trường kinh doanh tốt. Theo ông Matsuda, trong một cuộc điều tra năm 2007 của JBIC đối với 600 DN Nhật Bản, Việt Nam được biết đến là nơi có thị trường tiêu thụ nội địa hấp dẫn. Đây cũng là địa điểm thuận lợi để xây dựng các nhà máy sản xuất hàng phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh việc môi trường kinh doanh và đầu tư đã được cải thiện đáng kể, vẫn còn nhiều vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết nhằm tạo sức hút mạnh hơn đối với các nhà đầu tư và tạo hành lang tốt hơn cho các DN hoạt động. Ngoài những vấn đề  cũ vẫn chậm được khắc phục, như tiếp cận đất đai của DN còn khó khăn, thủ tục xây dựng cơ bản còn phức tạp, hiệu lực của hệ thống tư pháp bảo vệ nhà đầu tư còn nhiều hạn chế... thì đã xuất hiện một số vấn đề mới ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, những vấn đề liên quan tới hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký đầu tư còn khoảng cách lớn, yếu kém trong hệ thống đào tạo nhân lực... đang khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Các vấn đề này, khi đã được các cơ quan chức năng nhìn nhận ra, cần phải tìm được một cơ chế tháo gỡ hợp lý và nhanh chóng nhằm tạo môi trường kinh doanh và đầu tư tốt nhất cho các DN.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm khẳng định, khả năng thích nghi với những thay đổi về môi trường kinh doanh cũng như năng lực đối phó với những thách thức nhiều chiều trong hội nhập kinh tế quốc tế đã xoá bỏ những hoài nghi khi Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO. Với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 1 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên tin cậy và trách nhiệm, đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ thống thương mại đa phương công bằng, bình đẳng và cùng có lợi.

 



Nguồn: www.dautuchungkhoan.com
Báo cáo phân tích thị trường