Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu điều Việt Nam: Bắt đầu từ con số không!
24 | 03 | 2010
Hội thảo phát Xây dựng thương hiệu điều Việt Nam do tỉnh Bình Phước, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học - Công nghệ và Hiệp hội điều Việt Nam phối hợp đã diễn ra tại Bình Phước.

Theo ông Bùi Văn Thạch - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước “Ngành điều Việt Nam đang giữ vị trí là nhà xuất khẩu số 1 thế giới, vì vậy việc xây dựng, phát triển thương hiệu điều Việt Nam đang trở thành vấn đề sống còn của ngành điều nước ta…”

Nỗi buồn của kẻ “vô danh”!

Được phát triển từ 1981, đến nay ngành điều Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Từ 2006 đến nay, ngành điều nước ta đã qua mặt Ấn Độ, trở thành nhà xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước: năm 2006 đạt 504 triệu USD, năm 2007 đạt 651 triệu USD, năm 2008 đạt 920 triệu USD, năm 2009 do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới song vẫn đạt 850 triệu USD. Trong năm 2010 này, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều ước đạt 1 tỷ USD. Chất lượng điều Việt Nam được các bạn hàng đánh giá là số một thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, điều ngon nhất thế giới thì ngành điều nước ta lại phải mang nỗi buồn của một kẻ vô danh vì không được người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Tiến sĩ kinh tế Lê Cao Thanh cho biết, mặc dù là nhà xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, sản phẩm điều Việt Nam có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vẫn chủ yếu là sản phẩm sơ chế, rồi sau đó được các hãng trên thế giới nhập khẩu - chế biến- đóng nhãn hiệu - cung cấp cho thị trường. Do đó, người tiêu dùng trên thế giới không biết mình đang dùng sản phẩm điều từ Việt Nam. Hệ quả là phần lớn lợi nhuận trong chuỗi cung ứng điều rơi vào tay các hãng nước ngoài, trong khi lẽ ra chúng ta là người được hưởng quyền lợi đó! Xảy ra điều này, trước hết chúng ta phải biết tự trách mình, vì hạt điều Việt Nam chưa có thương hiệu. Nguyên nhân là ở tầm vĩ mô, chúng ta đang thiếu một chiến lược thương hiệu điều ở tầm quốc gia, chưa làm nổi bật được giá trị cốt lõi của điều Việt Nam. Chúng ta chưa định vị đúng thương hiệu của cây điều và thiếu một chương trình truyền thông tổng lực cho thương hiệu điều.

Ở cấp độ doanh nghiệp, theo tiến sĩ Bùi Văn Quang (Trường đại học Công nghiệp TPHCM), có ba nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới phát triển thương hiệu điều. Trước tiên, các doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường, đặc biệt là những lợi ích của khách hàng, nên các doanh nghiệp chưa nhận định diễn biến về thị trường kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phải phụ thuộc vào kênh phân phối. Thứ hai, các doanh nghiệp chưa có tầm nhìn thương hiệu dài hạn, chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị thấp, bị chèn ép giá, bị động trong đầu ra. Lãnh đạo doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò thương hiệu cũng như xác định phương xây dựng thương hiệu. Cuối cùng là thiếu phối hợp giữa công ty, chính quyền và người trồng điều: người trồng điều chưa được hỗ trợ từ phía Nhà nước và doanh nghiệp nên gặp khó khăn trong các khâu chọn giống, kỹ thuật trồng trọt, tưới tiêu, thu hoạch, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu. Trong khi các doanh nghiệp chỉ quan tâm thu mua nên nguồn nguyên liệu bấp bênh, chất sản phẩm thấp, dẫn tới khó khăn trong mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư công nghệ, sử dụng nguồn lực và chiến lược kinh doanh dài hạn.

Có quá nhiều doanh nghiệp chế biến

Ông Nguyễn Văn Học- Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam- cho rằng: Xác định làm ăn với các nước phát triển, đòi hỏi phải xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp phải đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu với các nước tiêu thụ sản phẩm, để tránh hàng gian, hàng giả. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu điều là một quá trình, không phải có tiền là có được ngay. Hiện các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều của nước ta đang trong quá trình phát triển thương mại, họ phải đối mặt với các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, với các hàng rào kỹ thuật, các quy định riêng của các nước nhập khẩu hạt điều. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện hệ thống quản lý chất lượng. Các khách hàng nước ngoài cho biết nếu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam có giấy chứng nhận sản xuất sạch, giá trị sản phẩm sẽ tăng thêm 40% giá trị.

Nhưng cái khó hiện nay là có quá nhiều doanh nghiệp chế biến điều. Hiện cả nước có tới 203 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 20 doanh nghiệp lớn, còn lại là doanh nghiệp quy mô nhỏ, thậm chí quy mô gia đình, nên khâu kiểm soát chất lượng rất lỏng lẻo. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu điều Việt Nam, cần tạo điều kiện để thành lập Hiệp hội Điều thế giới, từ đó thống nhất quy chuẩn sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu. Mặt khác, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành quy chuẩn nhà máy chế biến, sắp xếp lại không để quá nhiều đầu mối xuất khẩu như hiện nay. Về phía mình, Hiệp hội điều Việt Nam sẽ không đăng ký thương hiệu điều Việt Nam, nhưng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trực thuộc tiến hành đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu ở các thị trường lớn.

“Mũi đột phá” từ Bình Phước

Tại Bình Phước, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” điều của Việt Nam, vấn đề xây dựng thương hiệu điều Bình Phước cũng đang được Hội điều Bình Phước rốt ráo xúc tiến. Với diện tích 157.000 ha, chiếm 45% diện tích điều của cả nước, chất lượng điều được xem là tốt nhất cả nước, có gần 100 nhà máy chế biến, Bình Phước có nhiều điều kiện để xây dựng thương hiệu điều Bình Phước. Hiện tỉnh đã có một số doanh nghiệp, đơn vị có thương hiệu. Điển hình như Hamyco với công suất 50.000 tấn/năm, đã được trao nhiều giải thưởng như Thương hiệu Vàng Việt Nam, Cúp vàng sản phẩm, Nhà cung ứng uy tín, Tinh Hoa Việt, Quả cầu vàng doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Mỵ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hamyco cho biết, để xây dựng thương hiệu, phải có chiến lược tổng thể từ xây dựng chất lượng, cây giống, công nghệ sản xuất, cán bộ quản lý…Thương hiệu của mỗi công ty phải gắn liền với văn hóa công ty. Bà mong muốn các doanh nghiệp đoàn kết nhau lại từ khâu thu mua, công nghệ khoa học để sớm đưa thương hiệu điều Việt Nam rạng danh trên thị trường thế giới. Thương hiệu không chỉ gắn liền với một công ty, mà một tập thể nông dân vẫn có thể tạo dựng được. Đã một nhóm nông dân trồng điều “Phát triển điều bền vững xã Tiến Hưng”, huyện Đồng Phú được tổ chức Thương mại Công bằng Quốc tế công nhận. Việc đứng ra đăng cai tổ chức Quả điều Vàng Việt Nam- Bình Phước 2010 từ 20 đến 23/3/2010 là một hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu, nhằm làm cho người dân nghe, biết về cây điều, quả điều và sản phẩm điều, đồng thời nâng cao thương hiệu điều Việt Nam và điều Bình Phước.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch Hội điều tỉnh Bình Phước, cho biết: Hiện tỉnh đang có đề án xây dựng và phát triển thương hiệu điều Bình Phước để ngành điều tỉnh phát triển bền vững, xứng tầm với vị trí là “thủ phủ” điều Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện xúc tiến đăng ký thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu chính của đơn vị.



Theo baocongthuong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường