Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo và định hướng phát triển ngành điều trong năm 2010
25 | 02 | 2010
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, năm 2009, cả nước có 398.000 ha diện tích trồng điều, giảm 2.000 ha so với năm 2008 và tổng sản lượng đạt trên 293.000 tấn, giảm 55.000 tấn. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do thời tiết và giá điều thế giới sụt giảm.

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu hạt điều năm 2009 đạt 177.154 tấn, trị giá 846,7 triệu USD (tăng 7,15% về lượng nhưng giảm 7,06% về trị giá so cùng kỳ 2008). Năm 2009, hạt điều Việt Nam đã xuất khẩu sang 24 thị trường chính; nhưng phần lớn là sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan; trong đó, xuất sang Hoa Kỳ đạt cao nhất, với 53.195tấn, trị giá hơn 255,2 triệu USD (chiếm 30,03% về lượng và chiếm 30,14% kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước). Sau đó là các thị trường Trung Quốc chiếm 20,96% kim ngạch, Hà Lan chiếm 14,64%.

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang các thị trưòng đa số giảm so với cùng kỳ năm 2008, nhưng có một số thị trờng đạt kim ngạch tăng trưởng dương so với cùng kỳ, dẫn đầu là kim ngạch xuất sang Philippines đạt gần 3,9 triệu USD, tăng 76,97% so cùng kỳ. Tiếp theo là kim ngạch xuất khẩu sang Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đạt hơn 9,34 triệu USD, tăng 58,98%; Đài Loan tăng 45,82%; Singapore tăng 40,41%; Malaysia tăng 29%; Italia tăng 28,53%; Trung quốc tăng 10,46%.

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang Hồng Kông năm 2009 chỉ đạt 526.371 USD, giảm mạnh nhất so với cùng kỳ, giảm tới 86,95%; Xếp thứ 2 về mức độ sụt giảm kim ngạch là xuất khẩu sang Thuỵ Sĩ giảm 80,26%; sang Bỉ giảm 61,67%; LB Nga giảm 45,02%.

Năm 2009 Việt Nam thêm một thị trường mới xuất khẩu điều là thị trường Pakistan với kim ngạch gần 4,62 triệu USD, nhưng giảm mất 18 thị trường so với năm 2008; trong đó có 1 số thị trường đạt kim ngạch cao năm 2008 đó là Newzealand 6,8 triệu USD; Bungari gần 5,9 triệu USD; Hồng Kông 4 triệu USD; Latvia 2,9 triệu USD; Ả Rập Xê ut hơn 2 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ 2 triệu USD.

Hiện nay, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm khoảng 25%. Thành quả này đạt được do tốc độ phát triển ngành công nghiệp chế biến hạt điều duy trì ở mức cao, ngành điều Việt Nam có được vùng nguyên liệu ổn định và thương hiệu điều Việt Nam đã tạo được chỗ đứng trên thị trường điều thế giới.

Theo dự báo của Vinacas, năm 2010, ngành điều Việt Nam sẽ đạt tổng sản lượng là 400.000 tấn, có tổng giá trị 1,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD.

Bên cạnh việc xuất khẩu nhân điều, dự báo trong năm tới, việc chế biến các sản phẩm từ trái điều như cồn khô, thực phẩm… sẽ gia tăng đáng kể. Với sản lượng và kim ngạch như dự dodán, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới.

Những trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành điều Việt Nam là tình trạng thiếu nguyên liệu của các nhà máy chế biến hạt điều. Điển hình như năm 2009, do nhu cầu nguyên liệu chế biến tăng cao, nên toàn ngành điều đã phải nhập khẩu thêm gần 250.000 tấn điều thô từ các nước như Nigeria, Ghana, Indonesia…

Thực tế cho thấy, các nhà máy chế biến điều trong nước thường phải mua một lượng lớn nguyên liệu hạt điều thô từ các thương lái với giá tăng khonảg 20% so với giá của nhà vườn bán ra. Do đó, cả người trồng điều và nhà sản xuất đều phải chịu thiệt một khoản tiền đáng kể.

Ngoài ra, cây điều Việt Nam còn bị tác động nhiều bởi thời tiết và chịu sự chi phối về giá cả trên thị trường thế giới.

Thêm vào đó, từ đầu năm 2010, các ngân hàng thương mại đã siết chặt tín dụng, gây ra nhiều khó khăn về vốn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều.

Một trở ngại khác là tiềm năng của thị trường nội địa vẫn chưa được khai thác do giá nhân điều trong nước cao gấp đôi giá điều xuất khẩu. Hơn nữa, hiện có đến 97% doanh nghiệp chế biến điều có quy mô vừa và nhỏ, chưa đầu tư nhiều cho thiết bị và công nghệ, nên giá trị gia tăng cho hạt điều còn bị hạn chế.

Để  ngành điều Việt Nam phát triển bền vững và khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới và đạt sản lượng 2 tấn/ha trong năm 2010, theo Vinacas, Bộ NN&PTNT cần quy hoạch ngay vùng chuyên canh điều, xây dựng một chuỗi sản xuất bền vững liên kết 6 nhà (từ người nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý tới người thu mua, doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu) nhằm gia tăng giá trị cho hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới.

Người trồng điều cần được sự quan tâm của ngành nông nghiệp trong việc phổ biến kỹ thuật canh tác để thâm canh, tăng năng suất.

Các doanh nghiệp chế biến điều cần đầu tư cho người trồng điều nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, gắn kết nhà máy với vùng nguyên liệu.

Sắp tới, việc thành lập sàn giao dịch điều tại tỉnh BìnhPhước sẽ góp phần vào bình ổn giá điều. Đồng thời, Vinacas sẽ tìm giải pháp giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng, đảm bảo nguồn tài chính để sản xuất – kinh doanh có hiệu quả.

Do điều kiện thổ nhưỡng, nên khả năng mở rộng diện tích trồng điều ở Việt Nam là rất khó, trong khi đất thích hợp cho dodòng điều ở Cămpuichia và Lào còn khá nhiều. Hơn nữa, hai nước bạn đều cũng đang có chính sách thu hút đầu tư vào cây điều. Với những lý do này và muốn giữ vị trí dẫn đầu và giảm phụ thuộc vào giá điều thô trên thế giới, ngành điều Việt Nam có kế hoạch sẽ đầu tư và mở rộng diện tích tại nước bạn. Hiện tại, có 5 doanh nghiệp đã thuê 5.000 ha đất trồng điều và đặt trạm thu mua ở tỉnh Kông Pông Chàm (Cămpuchia).



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường