Trước đây, rất nhiều sản phẩm của ta xuất khẩu sang thị trường nước ngoài phải mang nhãn hiệu của các nhà phân phối lớn trên thế giới. Đến nay, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn về hình ảnh thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả mọi ngành, mọi địa phương và của từng người dân, kể cả cộng đồng doanh nhân và người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Có thể nói thương hiệu quốc gia là hình ảnh tổng hợp của rất nhiều các hoạt động mà quốc gia đó đã tạo dựng được như thể chế chính trị, con người, hoạt động du lịch, sản xuất hàng hoá, chính sách đầu tư, các quan hệ quốc tế…
Ngày 25/11/2003, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia, đặt mục tiêu xây dựng thành công hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao.
Sau 5 năm chuẩn bị, chương trình thương hiệu quốc gia chính thức bước vào cuộc thử thách từ ngày 17/4. Chương trình Thương hiệu Quốc gia chính thức được triển khai. Một sự khởi đầu mang nhiều mong đợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn và thử thách.
Chương trình này cũng được kỳ vọng ở khả năng hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; từ đó khuyến khích xuất khẩu, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Việc xây dựng hình ảnh Việt Nam được gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo” nhằm tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với mỗi doanh nghiệp, thương hiệu là một tài sản vô giá và nhất là trong thị trường cạnh tranh khắc nghiệt ngày nay. Thương hiệu Việt thâm nhập vào thị trường nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, như thị trường Mỹ và châu Âu vốn đã bão hòa các thương hiệu có tiếng, các DN Việt Nam gặp nhiều trở ngại do trùng thương hiệu đã bảo hộ, nhãn hiệu khó đọc, khó nhớ, logo không hấp dẫn, hay chưa gây được ấn tượng cho người tiêu dùng, nên đã làm giảm đáng kể sức tiêu thụ hàng hoá. Song việc xây dựng được thương hiệu mang tính toàn cầu không phải dễ dàng một sớm một chiều, và chi phí rất tốn kém.
Chương trình thương hiệu quốc gia cũng được xem là một hoạt động lớn, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đủ tiêu chuẩn gắn biểu trưng Thương hiệu Quốc gia là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình. Qua đó, Nhà nước sẽ cùng doanh nghiệp xây dựng các chương trình hành động cụ thể để tăng cường năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn.
Tối nay, ngày 17/4, 30 doanh nghiệp đầu tiên sẽ chính thức nhận biểu trưng Thương hiệu Quốc gia. Đây là con số khiêm tốn khi Việt Nam đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ. Nhưng đó là sự khởi đầu khắt khe và có tính chọn lọc cao.
Có thể thấy 30 gương mặt đầu tiên đều là những doanh nghiệp đầu ngành, có thế mạnh và uy tín trên nhiều lĩnh vực. Và con số đó sẽ không dừng lại trong những năm tiếp theo, bởi sẽ có sự thanh lọc, bổ sung phù hợp theo hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
“Biểu trưng mà những doanh nghiệp này được trao là tài sản của quốc gia, đi cùng đó là những điều kiện và sự giám sát khắt khe. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được các yêu cầu mà Chương trình đặt ra thì có thể phải trả lại tài sản đó bất cứ lúc nào”, ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng cục xúc tiến nói.
Lần đầu tiên xây dựng, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế và chưa có cơ chế cụ thể để vận hành Chương trình. Đây là những khó khăn chủ quan đã và đang được khắc phục. Nhưng những thách thức trước mắt là rất lớn. Đó là con đường để đưa Thương hiệu Quốc gia gắn với các sản phẩm của doanh nghiệp đến với thị trường trong và ngoài nước một cách hiệu quả và thành công; đặc biệt là với những ngành hàng đặc thù, những thị trường có môi trường cạnh tranh lớn trên thế giới.
Ngay từ bây giờ, những doanh nghiệp đầu tiên được lựa chọn và Hội đồng Thương hiệu Quốc gia sẽ cùng phối hợp triển khai những kế hoạch cụ thể trong định hướng phát triển Chương trình. Kết quả sẽ được đánh giá hàng năm cũng như được phản ánh trong hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp.