Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đánh giá 3 năm gia nhập WTO: Nông dân thiệt thòi nhất
25 | 05 | 2010
Chính sách bảo hộ với nông nghiệp không còn nữa, trong khi đó một số ngành kinh tế có đầu tư rất lớn như công nghiệp ôtô thì lại bảo hộ rất cao.

Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Đây là một trong những nội dung mà báo cáo đánh giá tác động sau ba năm Việt Nam gia nhập WTO nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết vào sáng 24-5 do Văn phòng Chính phủ tổ chức.

Nông dân được hỗ trợ rất ít

Làm rõ nội dung báo cáo nêu, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phân tích: Trong khi WTO quy định đối tượng của các chính sách hỗ trợ trong nước là người sản xuất thì Việt Nam lại hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với người sản xuất là nông dân được hỗ trợ hầu như là rất ít. Ngay cả WTO cho phép hỗ trợ thu nhập cho nông dân khi giá cả xuống thấp nhưng chúng ta lại chưa áp dụng.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ chúng ta chưa thật hợp lý trong chính sách bảo hộ thông qua thuế như bỏ các hàng rào phi thuế quan. Thực tế chính sách bảo hộ với nông nghiệp là không còn nữa, trong khi đó một số ngành kinh tế có đầu tư như công nghiệp ôtô thì lại bảo hộ rất cao.

“Nhìn lại sau ba năm gia nhập WTO, ngành nông nghiệp đang bị thiệt thòi lớn, vốn đầu tư vào nông nghiệp xuống rất mạnh. Năm 2000, vốn đầu tư vào ngành này chiếm khoảng 13% tổng đầu tư trong xã hội nhưng đến năm 2009 chỉ còn 6,8%. Như vậy, lĩnh vực nông nghiệp đang bị thiệt thòi đáng kể, trong khi về mặt tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm, ổn định xã hội thì nông nghiệp có đóng góp quan trọng. Nếu không có nông nghiệp phát triển ổn định, không có những nỗ lực của người nông dân và người làm trong ngành nông nghiệp thì chúng ta khó lòng có thể giữ được ổn định, mức tăng trưởng nhất định trong bối cảnh khủng hoảng vừa qua” - bà Phạm Chi Lan nhận định.

Lĩnh vực nông nghiệp đang bị thiệt thòi đáng kể sau ba năm gia nhập WTO. Ảnh: HTD

Không nên tô hồng những thành tựu

Khẳng định những thành tựu sau ba năm gia nhập WTO, bà Phạm Chi Lan cho rằng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế được nâng lên một cách rõ rệt. Nếu không gia nhập WTO, chúng ta rất khó đạt được những ký kết hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Trung Quốc, Nga… Đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong ba năm qua đã tạo nên làn sóng mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh những mặt đạt được, bà Chi Lan cũng cho rằng chúng ta cũng không nên tô hồng quá những thành tựu mà chúng ta đã đạt được khi tham gia WTO. Đơn cử, chúng ta thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài không nhỏ nhưng lại có vô vàn vấn đề. Đó là hiệu quả đầu tư nước ngoài đang giảm xuống rất mạnh. Chúng ta đang bị các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng để khai thác những nguồn lực. Hay xuất khẩu cũng vậy, chúng ta tăng trưởng chủ yếu là gồng lên về số lượng, còn giá trị mang lại chưa nhiều. Ví dụ ngành dệt may, da giày,… dù xuất khẩu rất lớn nhưng chúng ta chỉ có được 15%-20% giá trị xuất khẩu do gia công là chính.

Bà Lan nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế muốn thành công thì phải có năng lực của chính bản thân mình, trong đó có năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế với các sản phẩm công nghiệp, năng lực thể chế của nhà nước trong điều hành chính sách. Những thách thức trong hội nhập chính từ nội lực do nền kinh tế của ta không mạnh chứ không phải do gia nhập WTO. Nếu những tác động tiêu cực từ bên ngoài dù có mạnh đến đâu nhưng bản thân chúng ta mạnh, chúng ta sẽ vượt qua được. Còn chúng ta yếu thì tác động sẽ nặng nề thêm”.

Ông Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về WTO, cho rằng thời gian tới Việt Nam nên tận dụng những cơ hội mà WTO mang lại từ việc ký kết những hiệp định thương mại với Nhật, Nga, Trung Quốc… để ngăn tình trạng nhập siêu. Còn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì nhấn mạnh vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề quan trọng, cấp bách và lâu dài, nếu không làm tốt vấn đề này sẽ khó hội nhập thành công.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường