Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO
18 | 06 | 2007
5 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc ngày nay là “một nền kinh tế mở, rất khác biệt so với cách đây 20 năm, khi nước này còn đang đưa ra cam kết để gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu
Báo Kinh tế “L’Echo” (Bỉ) tháng 12/2006, đăng bài: “Trung Quốc đã nhập cuộc chơi ở Giơnevơ” của chuyên gia thương mại Olivier Gosset, đánh giá về kinh tế Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO, nội dung như sau:

Rất nhiều lời khen, chỉ một vài điều tiếng và rất ít sự hối tiếc: 5 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc ngày nay là “một nền kinh tế mở, rất khác biệt so với cách đây 20 năm, khi nước này còn đang đưa ra cam kết để gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu”. Trước bảng tổng kết tích cực về nền kinh tế Trung Quốc trong 5 năm qua, Chủ tịch WTO, ông Pascal Lamy đã hoàn toàn nhất trí với đánh giá nêu trên.

Đầu tiên có thể kể tới những lợi ích mà bản thân Trung Quốc đã thu được sau 5 năm hội nhập nhanh chóng trong WTO: từ năm 2001, Bắc Kinh đã không ngừng gặt hái được các “kỷ lục” để trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 toàn cầu và là nhà xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới. Ngoại thương của nước này đã tăng trưởng gấp 3 lần, đạt tổng giá trị 1.422 tỉ USD vào năm 2005. Thặng dư thương mại đã đạt 102 tỉ USD. Tất cả những con số này đã mang lại cho Trung Quốc mức tăng trưởng GDP gần 10%.

Mặt khác, rất nhiều DN nước ngoài cũng được thụ hưởng lợi ích từ việc tham gia WTO của Trung Quốc. 60% lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được xuất xưởng từ các nhà máy có vốn đầu tư của nước ngoài. Theo sự đánh giá khách quan của các tổ chức trọng tài thương mại, Trung Quốc đã thực hiện đầy đủ các cam kết của mình theo các tiêu chí của WTO và đã giảm đáng kể các rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo ông Pascal Lamy, các rào cản đối với nhập khẩu ở Trung Quốc hiện nay “thấp nhất trong số các nước đang phát triển”. Trung bình, thuế nhập khẩu giảm còn 9,7% vào năm 2005 trong khi con số này vào năm 2001 là 15,6%. Vẫn theo số liệu của WTO, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc thực sự đã trở thành một thị trường XK đầy tiềm năng đối với các nước nghèo và các nước đang phát triển, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ. Giá cả các mặt hàng nông nghiệp hiện tại Trung Quốc cũng thấp hơn so với hầu hết các nước đang phát triển, thậm chí thấp hơn cả những nước phát triển như tại EU và Nhật Bản.

Trong khi kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 5% GDP vào năm 1978 thì con số này đã là 30% vào năm 2005, gấp đôi Hoa Kỳ và gần gấp 3 lần so với Nhật Bản. Liên quan đến kinh tế vĩ mô, cần chú ý rằng chính các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã cho phép Hoa Kỳ duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức thấp, tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong 5 năm qua. Người tiêu dùng trên khắp hành tinh đều có thể sử dụng các mặt hàng giá rẻ như đồ điện tử dân dụng, quần áo, đồ chơi… các mặt hàng mà Trung Quốc hiện đang chiếm 70% sản lượng của toàn thế giới.

Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua sự tham gia của một nền kinh tế lớn như Trung Quốc vào thương mại thế giới lại không tiềm ẩn các nguy cơ. Bắc Kinh thường phải đối mặt với các cáo buộc là có xu hướng phá giá đồng NDT hay vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. “Sao chép” được coi như một chuyên môn đặc thù của Trung Quốc. Nạn “sao chép” không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhãn mác hàng hóa tiêu dùng thông thường có thương hiệu nổi tiếng mà còn lây lan đến cả các sản phẩm như thuốc men, gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Khoảng 8% dược phẩm được bán tại Trung Quốc hiện nay là hàng giả.

Việc vi phạm bản quyền cũng là một trong những vấn đề thường xuyên được đề cập khi nói về Trung Quốc. Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại, ông Peter Mandelson đã từng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh rất nhiều lần về vấn đề này. Liên quan đến các biện pháp bảo hộ, các chuyên gia của WTO nhận thấy, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã “khéo léo” thay thế các hàng rào thuế quan bằng các hàng rào phi thuế quan.

Cho đến nay, một trong những bất đồng lớn nhất còn tồn tại với chính quyền Bắc Kinh trong khuôn khổ WTO liên quan tới hồ sơ về linh kiện, phụ tùng rời của ô tô. Hoa Kỳ và EU cho rằng Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp bảo hộ đối với nền công nghiệp sản xuất ô tô trong nước thông qua việc đánh thuế cao đối với xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc trong khi linh kiện, phụ tùng rời nhập khẩu chiếm tới 60% giá trị của xe ô tô sản xuất nội địa. Trong thời gian qua, số lượng các vụ điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc đã tăng lên đáng kể: 32 vụ quí I/2006 so với 23 vụ cùng kỳ năm 2005. Trên thực tế, kể cả những nước có nền kinh tế tự do nhất cũng không tránh khỏi việc thường xuyên bị khiếu nại trước WOT. Riêng đối với EU, vấn đề giày dép và đồ may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là mối quan tâm hàng đầu.

Đối với Trung Quốc, thách thức sau 5 năm gia nhập WTO hiện nay là tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài trong các ngành kinh tế quan trọng của quốc gia đang ngày càng cao. Yang Fan, giáo sư tại Đại hội Khoa học Chính trị và Luật, cho rằng “cần phải hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài tham gia các ngành công nghiệp chiến lược, các DN lớn liên quan đến các lĩnh vực như hạt nhân, hàng không vũ trụ hay điện”. Trên phương diện này, các chuyên gia WTO đánh giá rằng các qui định hiện hành của Trung Quốc cũng không có khác biệt nhiều so với các nước khác. Tuy nhiên, mới đây, hãng phim Warner Brothers, đã tuyên bố sẽ từ bỏ thị trường Trung Quốc do các qui định mới được áp dụng từ năm 2005 về việc hạn chế đối tác nước ngoài nắm quyền kiểm soát các liên quan trong nhiều lĩnh vực quan trọng”.



(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường