Khi nhìn lại chặng đường một năm Việt Nam gia nhập WTO, nhiều nhà quản lý và chuyên gia kinh tế hàng đầu đều chung nhận định, tác động của WTO đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn.Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, qua một năm là thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết khi gia nhập. Tất cả các luật và pháp lệnh mà Việt Nam cam kết đã hoàn tất, chỉ còn một số văn bản dưới luật đang hoàn thiện. Đến nay, Việt Nam không có vi phạm nào về thực hiện cam kết WTO. Việt Nam đã tận dụng được những cơ hội khi trở thành thành viên WTO. Trước hết là nhận thức về WTO của người dân và doanh nghiệp đã nâng lên rất nhiều và từ đó chính mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức đã có những điều chỉnh đúng đắn. Việt Nam cũng đã tranh thủ tốt vốn đầu tư nước ngoài, chưa bao giờ cả thế giới chú ý đến Việt Nam về mặt hợp tác đầu tư như bây giờ. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ,... đang hướng đến thị trường Việt Nam.
Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách hành chính. Vào WTO, Việt Nam có một hệ thống pháp luật đổi mới và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn. Ông Lương Văn Tự cũng nhận định, nếu Việt Nam có quyết tâm cao thì chỉ sau 2-3 năm nữa, Việt Nam sẽ có những bước phát triển đột biến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh WTO cho rằng, những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong năm qua là những hiệu ứng rất tốt do WTO mang lại. Việt Nam đã gặp nhiều thuận lợi hơn khó khăn, thách thức. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục, sự quan tâm của giới doanh nghiệp nước ngoài dành cho Việt Nam cũng lớn chưa từng có. Xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu năm 2007 được Bộ Công Thương dự kiến đạt mức 48 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2006. Thu hút vốn FDI năm nay sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư tầm cỡ, dự án quy mô vốn lớn.
Ông Ngô Quang Xuân cho rằng, người dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân, được hưởng lợi nhiều hơn do hàng hóa, nhất là nông sản, được tăng cường xuất khẩu sang các quốc gia thành viên WTO với số lượng và giá xuất khẩu đều tăng.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương nhận định, có thể thấy rõ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đã có một làn sóng nhà đầu tư đổ vào Việt Nam kinh doanh. Dưới góc nhìn của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư tin tưởng vào việc Việt Nam sẽ thực hiện những cam kết của mình ngay sau khi gia nhập WTO. Cũng tại một cuộc hội thảo hướng dẫn thi hành các cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO tổ chức ở Hà Nội mới đây, ông Jean Pierre Achouche, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu đánh giá, việc trở thành thành viên của WTO đã giúp Việt Nam ngày càng nổi bật trên bản đồ thu hút đầu tư thế giới. Sau một năm gia nhập WTO, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn vì hàng hóa phong phú hơn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định, với những kết quả đạt được trong năm 2007, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam năm 2008 và những năm tiếp theo được nhận định là rất sáng sủa, triển vọng tăng trưởng cao là hiện thực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Israel, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế (MASHAV), ông Haim Divon trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 6/11 tại Hà Nội cũng khẳng định, Việt Nam đã tiến rất nhanh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau một năm gia nhập WTO, việc mở cửa thị trường với tư cách là thành viên WTO cũng khiến thị trường Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ thị trường thế giới. Điều này vừa là cơ hội vừa là thách thức. Nhưng có thể nói, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và có vị thế quan trọng trên trường quốc tế. |