Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôi nói thật với Thủ tướng (Kỳ 2): Thư gửi Thủ tướng Chu Dung Cơ
27 | 09 | 2007
Một người muốn nói những lời nói chân thực thật là khó! Không biết nói ở đâu, đến đâu mà nói. Trong khi đó, tôi đích thực là có nhiều điều rất muốn nói ra.
Có ai có thể chịu ngồi nghe lời tôi nói? Đây thật giống như “muốn gửi tâm sự vào tiếng đàn” nhưng thiếu tri âm, tiếng đàn cất lên có ai nghe.

Cuối cùng tôi chọn một đối tượng đặc biệt để tỏ rõ tâm sự của tôi. Đó là Thủ tướng Chu Dung Cơ.

Kính gửi: Thủ tướng Chu Dung Cơ

Tên tôi là Lý Xương Bình, 37 tuổi, thạc sĩ kinh tế học, làm công tác ở hương trấn đã 17 năm, hiện là bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ, huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc. Với lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, sự đồng tình tha thiết đối với nông dân, viết thư cho Thủ tướng mà nước mắt cứ chảy vòng quanh. Điều tôi muốn nói với Thủ tướng là: bây giờ nông dân thật khổ, nông thôn thật nghèo, nông nghiệp thật nguy hiểm!

1. Nông dân bỏ đi làm ngoài một cách mù quáng như nước lũ

Ra tết đến nay, nông dân ở xã chúng tôi gần như bỏ ruộng đất đi làm ngoài hết sạch. Liên tục hơn 20 ngày nay, xe vận tải cỡ lớn “Đông Phong” (không thể làm xe chở khách) ngày đêm liên tục chở đầy nông dân đi khắp thành thị bốn phương trong cả nước để làm thuê kiếm sống. Xã chúng tôi có bốn vạn dân, một vạn tám ngàn lao động. Bây giờ đã bỏ đi hai vạn rưỡi, trong đó hơn một vạn rưỡi lao động. Người bỏ đi làm ngoài năm nay so với năm ngoái có đặc điểm mới như sau:

- Một là đi một cách mù quáng, chưa tìm được việc cũng đi, đến đâu hay đó. Trước đây đi là có mục đích, còn năm nay đi là trông chờ vào vận may, dù có chết cũng cam chịu chết ở thành phố, nhất định không để con cháu đời sau làm nông dân. Họ mang một khí phách như vậy đi ra thành phố.

- Hai là người năm nay nhiều, người trong độ tuổi lao động cũng nhiều. Trước đây bỏ đi làm ngoài chủ yếu là trẻ em nữ và một bộ phận gia đình có lao động dư thừa. Bây giờ không kể, trai, gái, già, trẻ đều đi cả.

- Ba là ruộng đất bị bỏ hoang nhiều. Trước đây bỏ đi làm ngoài, gia đình nào cũng chủ động giao ruộng đất cho người khác làm khoán nộp sản thay, hoặc nhờ anh em bà con làm giúp rồi mới ra đi. Năm nay, không cần gì cả, không nhờ ai làm thay đã đi là đi, không có dặn dò báo cáo ai cả. Người bỏ đi làm ăn bên ngoài con số sẽ ngày một tăng. Ước tính năm nay toàn xã chúng tôi diện tích bỏ hoang lên đến 3 vạn rưỡi mẫu, chiếm 65% diện tích đất trồng cấy của xã.

2. Gánh nặng như núi Thái Sơn

ở xã tôi, mỗi mẫu phải đóng góp các khoản trên 200 đồng. Ngoài ra phải nộp thuế đầu người, mỗi người từ 100-400đ tùy loại, không giống nhau. Hai khoản đó cộng lại, bình quân một người một mẫu phải đóng góp trên dưới 350đ. Vì vậy trên 80% nông dân lỗ vốn. Nông dân bất kể có trồng hay không trồng lúa đều phải nộp thuế đầu người, thuế nhà đất.

Ông già bà lão từ 80 tuổi trở xuống đã mất sức lao động, hay trẻ con vừa mới sinh đều coi như nhau, đều phải nộp một khoản thuế theo đầu người, mấy trăm đồng một người. Tôi thường thấy cảnh rất nhiều cụ già đến kéo tay tôi, đau khổ khóc lóc kêu van, trông cho chết càng sớm càng hay; trẻ em quì trước mặt tôi một cách đau thương xin được đi học.

Đau khổ mà không biết làm như thế nào nữa, chỉ còn biết dồn vào tiếng khóc. Đóng góp năm nay sẽ còn tăng lên.Thủ tướng nói cho biết đây là như thế nào? Tại làm sao? Người khỏe đều bỏ đi làm ngoài, vừa mới lớn lên đã bỏ đi làm ngoài, chỉ còn lại người yếu, cô quạnh và nhi đồng..., lại thấy đóng góp nặng nề còn kéo dài... chỉ biết kêu trời mà khóc!

3. Nợ chồng chất như núi

Năm 1995, ước 85% thôn trong xã Bàn Cờ có tích lũy, bây giờ 85% thôn lỗ vốn. Bình quân một thôn lỗ không dưới 40 vạn đồng/năm. 90% thôn mắc nợ, bình quân một thôn 60 vạn đồng, lãi suất 20% năm. Cấp thôn nợ mỗi năm tăng từ 10-15 vạn đồng. Cấp xã nợ mỗi năm tăng trên dưới 150 vạn đồng.

4. Cán bộ như châu chấu

Năm 1990, cán bộ xã Bàn Cờ ăn vào tiền thu thuế không vượt quá 120 người, bây giờ 340 người. Hơn nữa sự tăng trưởng này không có cách nào khống chế được. Lãnh đạo mới nhậm chức cũng không có cách nào khống chế nổi. Bởi vì đủ thứ áp lực từ các cấp trên, các quan chức trên không thể không lạm dụng quyền hạn bố trí sắp xếp cho con em họ ăn lương nhà nước. Không nhét được đâu hơn thì nhét vào các công trình thủy lợi là dễ dàng nhất. Năm nào cũng tăng biên chế, tăng người làm quan, cán bộ mới tăng đó bao giờ mới hưu? Quan sống vào dân, dân sống vào đất. Nông dân làm sao mà chịu nổi?

5. Chế độ trách nhiệm trong khoán sản phẩm như xiềng xích gông cùm

“Giao nộp đủ cho nhà nước, giữ lại đủ cho tập thể, còn ra là của mình”. Chế độ khoán sản phẩm đã từng là nỗi hân hoan vui mừng cổ vũ hàng triệu nông dân hăng say sản xuất. Nhưng bây giờ nông dân giao nộp đủ cho nhà nước, lưu giữ đủ cho tập thể rồi, phải nhờ vào tiền kiếm được bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng máu ở bên ngoài mới sống nổi.

Đóng góp của nông dân ngày một tăng, giá nông sản ngày một hạ. Đất đai được nông dân xem là sinh mệnh của mình thì bây giờ được xem là một gánh nặng. Chế độ khoán sản phẩm bây giờ bị nông dân xem là gông cùm xiềng xích, khóa chặt nông dân lại. Sinh ở thị trấn thành phố không phải chịu thuế đầu người, xuất thân ở nông thôn mỗi năm phải nộp mấy trăm đồng một đầu người. Thật là không công bằng tí nào?

6. Chính sách chỉ là điều nói suông

Chính sách nâng đỡ nông nghiệp của trung ương, chính sách bảo hộ tính tích cực sản xuất của nông dân, rất khó được thực hiện ở cơ sở. Mấy năm gần đây Chính phủ chưa hề cho nông dân vay, dù cá biệt cho vay, lãi suất cũng cao từ 18%/năm trở lên. Chính phủ thu mua lương thực không theo giá bảo hộ đã qui định. Trái lại nhà nước mua lương thực còn bắt nông dân làm kho.

Nhà nước không mua lương thực, nông dân tự mình đi bán còn bị phạt, thậm chí bị tịch thu. Chính sách thì nói cố gắng giảm đóng góp hằng năm cho nông dân nhưng vì thu nhập của nông dân mỗi năm mỗi thấp, dù cho số đóng góp cụ thể không tăng nhưng đóng góp tương đối, đóng góp có so sánh là hằng năm đều tăng lên.

Chính sách và sách lược là sinh mệnh của Đảng, lại có thể tùy tiện không thực hiện như thế, tất nhiên dẫn đến 1 tỉ nông dân không tin vào trung ương, hậu quả này sẽ đáng sợ biết chừng nào?

7. Lời nói dối thành chân lý

Lời nói dối, nói một trăm lần cũng thành chân lý. Hiện nay, lời nói thật không có chỗ nói. Lãnh đạo cấp trên nghe nói nông dân tăng thu là vui, hội báo nông giảm thu là phê bình. Có điển hình không kể thật giả, liền cho quay phim chụp ảnh, ghi âm, mở rộng ra. Cán bộ cơ sở tất phải xem lời nói, sắc mặt của cấp trên, dựa vào lãnh đạo mà ăn mà nói. Khắp nơi đều tăng sản, đâu đâu tình thế cũng rất tốt. Cho nên không nghe nổi lời nói thật. Nếu có ai đó nói thật liền bị chụp mũ: “Về chính trị chưa chín muồi, chưa đủ độ chín, người này không thể dựa được...”.

Hôm nay, tôi viết thư gửi Thủ tướng, báo cáo tình hình cơ sở là công việc mà một đảng viên cơ sở nên làm, là biểu hiện đang nói về chính trị, về chính khí là phù hợp với qui định của điều lệ đảng. Nhưng tôi đã phải trải qua đấu tranh tư tưởng gần ba tháng, bởi vì tôi sợ viết thư cho Thủ tướng là một biểu hiện chưa đủ độ chín, chưa chín muồi, sợ là một biểu hiện không đáng tin cậy, không đáng dựa. Hơn nữa, hiện nay người biết nói dối lại thông qua người môi giới biết biến lời nói dối thành chân lý, được coi là người chín muồi, người có tiền đồ, người đáng bồi dưỡng tiếp.

Hiện nay, làm một cán bộ cơ sở không nói dối, không tạo điển hình giả, không báo cáo sai con số, không nói điều trái lương tâm, không làm điều trái lương tâm, làm cán bộ thật sự cầu thị quá khó, quá khó... Thưa Thủ tướng! Tôi đã công tác ở nông thôn 17 năm, trước sau đảm nhiệm bí thư của bốn hương trấn, từ trước đến nay chưa bao giờ thấy nặng nề như hiện nay. Tôi không biết tình hình cả nước, nhưng ít nhất lời tôi đã nói về tình hình nông thôn, nó có tính đại biểu nhất định cho cả tỉnh Hồ Bắc. Bây giờ nông dân quá khổ, công tác nông thôn quá khó, nông nghiệp đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn!

LÝ XƯƠNG BÌNH

(Trần Trọng Sâm dịch)



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường