Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lý Xương Bình: Tôi muốn cả xã hội chú ý đến nông dân
10 | 08 | 2007
“Tôi nói thật với thủ tướng” - câu chuyện của bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ (huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) Tuổi Trẻ đã trích đăng 11 kỳ, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc VN. Nhân vật chính - ông Lý Xương Bình, người cán bộ xã một lòng vì nông dân - đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi thú vị...

* Viết một lá thư cho Thủ tướng Chu Dung Cơ, ông bảo mình cân nhắc tới ba tháng. Thời gian như thế có quá nhiều không, thưa ông?

- Nói ra sự thật thì chắc chắn sẽ nhằm vào một việc gì đó, nhằm vào việc gì đó sẽ gây tổn thương cho người khác, như vậy sẽ bị người ta ghét, mà bị người ta ghét thì sẽ nguy hiểm cho bản thân mình. Cho nên tôi phải đánh giá sự nguy hiểm đó mình có chịu được không. Chính việc đó là phải cân nhắc.

* Thư viết xong rồi, hiệu ứng xã hội cũng có rồi, hoặc như ông viết: trận gió mạnh cũng đã thổi lên rồi. Vậy sao ông lại có nhu cầu phải viết một cuốn sách dày đến thế về nông thôn, nông nghiệp, nông dân?

- Bằng các “trận gió” người ta không giải quyết được vấn đề gì cả, trái lại có thể gây ra sự tổn thương lớn hơn. Đằng sau “trận gió” là “chủ nghĩa hình thức”. Bản chất của “chủ nghĩa hình thức” là tham nhũng chính trị. “Chủ nghĩa hình thức” lừa dối các vị lãnh đạo của trung ương, nếu nó hoành hành sẽ gây tổn hại khả năng lãnh đạo của đảng. Tôi có hai mục đích khi viết cuốn sách này: Thứ nhất, hi vọng toàn thể xã hội sẽ chú ý đến vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân (nếu chỉ mấy vị lãnh đạo chú ý là không đủ).

Lý Xương Bình thuyết giảng tại Trường đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh . Ảnh: China Country

Tháng 3-2000, bí thư đảng ủy xã Lý Xương Bình gây chấn động lớn khi viết thư gửi lên Thủ tướng Chu Dung Cơ phản ảnh những vấn đề bức xúc của nông thôn Trung Quốc. Tháng 9-2000 ông phải từ chức bí thư đảng ủy để đi miền nam làm thuê. Tháng 12-2000, ông được bình bầu là Nhân vật xuất sắc trong năm do báo Phương Nam Cuối Tuần tổ chức.

Lý Xương Bình sinh năm 1963 tại một làng nuôi cá nhỏ ở xã Chu Hà, huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc. Ông có bằng cao học kinh tế và đã tốt nghiệp đến bốn trường đại học. Hiện ông đang sinh sống tại Bắc Kinh.

Toàn xã hội phải chia sẻ một quan điểm chung về vấn đề đó, có như vậy mới có thể điều chỉnh chính sách, phương châm một cách toàn diện. Thứ hai, để cho những vị lãnh đạo biết “cấp dưới giấu chuyện với cấp trên”, “cấp dưới nói dối với cấp trên”, “cấp dưới trái lệnh của cấp trên” là chuyện thường xuyên xảy ra. Chỉ thị của lãnh đạo có thể giải quyết một số vấn đề, nhưng chỉ thị không phải là “thánh chỉ”. Đó là vấn đề về khả năng lãnh đạo, vấn đề chính trị. Cải cách kinh tế không giải quyết được vấn đề chính trị.

* Một nhà văn đã nói rằng trong lịch sử Trung Quốc (TQ) có hai người nói ra sự khó nhọc của nông dân, và ông là người thứ ba, nhưng là người may mắn nhất. Ông có thể giải thích rõ hơn với bạn đọc VN về chữ “may mắn” này?

- Vào thuở cách mạng văn hóa, hai người đó đã bị phê phán và mất tự do vì nói ra sự thật. Tôi không bị phê phán, cũng không bị mất tự do. Trái lại cuộc sống của tôi còn tốt hơn xưa. Đó là tiến bộ của thời đại, cũng là sự may mắn của tôi.

* Đang được dư luận cả nước quan tâm, ông lại chọn cách ra đi khỏi xã Bàn Cờ, ông nghĩ thế nào khi có bạn đọc gọi đó là sự đầu hàng?

- Cũng có thể nói là “đầu hàng”. Nhưng thỏa hiệp cũng là một cách thúc đẩy. Ở TQ có một từ là “xả được” nghĩa là xả đi, vứt bỏ một cái gì đó để nhận được một thành quả khác. Năm 2005, hai bí thư của huyện Giám Lợi đã bị phạt tù giam. Đó là “xả được”.

* Năm 2001, sau một năm “từ quan” xuống biển làm thuê, trở lại xã Bàn Cờ, ông viết rằng “quê hương nghĩa nặng tình sâu nhưng đầy tai họa”. Ở thời điểm này, năm 2007, cảm xúc đau buồn đó có khác đi?

- Sự thay đổi của huyện Giám Lợi và xã Bàn Cờ đều rất lớn. Tất cả gánh nặng của nông dân đã bị xóa bỏ. Chi phí giáo dục bắt buộc được giảm dưới 50 nhân dân tệ. Y tế hợp tác do chính phủ tài trợ được khởi động. Hầu hết các làng đã được làm đường sá đàng hoàng. Thủy lợi và những công trình hạ tầng được đưa vào ngân sách nhà nước. Thu nhập đầu người của nông dân đã tăng gấp đôi so với năm 2000, đạt bình quân 3.000 nhân dân tệ/người/năm (tương đương 387 USD). Mối quan hệ giữa cán bộ và dân chúng cũng được cải thiện.

* Làm bí thư đảng ủy xã nhưng ông lại có rất nhiều bằng cấp, là thạc sĩ kinh tế học...

- Cả làm việc và học hành đều rất quan trọng, hai việc này có thể bổ sung lẫn nhau. Nhưng người ta học không nên chỉ nhằm lấy bằng mà còn phải nhằm hiểu biết chân lý, để làm việc chính xác hơn và năng suất cao hơn. Làm việc cũng chính là học. Tổng kết kinh nghiệm trong công việc cũng là học.

* Ông có thời gian làm báo, công việc này có giúp ông nhiều trong việc thực hiện sứ mệnh vì nông thôn, nông dân TQ?

- Kể từ tháng 10-2003 tôi không làm báo nữa mà làm việc cho Tổ chức Oxfam Hong Kong. Hiện nay tôi cũng là chủ nhiệm (nghiên cứu viên) của Trung tâm nghiên cứu xây dựng nông thôn của Trường đại học Hà Bắc. Oxfam Hong Kong là một tổ chức công ích góp phần vào sự “phát triển và hỗ trợ khẩn cấp nông thôn”. Tổ chức này cũng hoạt động tại VN. Thông qua Oxfam và chương trình “Thí nghiệm xây dựng nông thôn” của Trung tâm nghiên cứu xây dựng nông thôn TQ, tôi thường viết bài để giới thiệu kinh nghiệm, đánh giá chính sách, đưa ra đề nghị...

* Trong thư gửi dịch giả Trần Trọng Sâm, ông viết rằng: “Cải cách của TQ đã rút ra được những bài học kinh nghiệm của Liên Xô, TQ đã thu được hiệu quả. Cũng như vậy, VN có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm của TQ”. Thưa ông, đó là những bài học nào?

- Kinh nghiệm về nông thôn và phát triển nông nghiệp của TQ: tin cậy nông dân, trả quyền lợi cho nông dân, giải phóng lực lượng sản xuất nông thôn.

Vào những năm 1970, nông thôn TQ phát triển rất thịnh vượng và hài hòa. Đó là kết quả của sự giải phóng nông dân và lực lượng sản xuất nông thôn. Vào những năm 1990, nông thôn TQ trì trệ, mối quan hệ giữa cán bộ và dân chúng rất căng thẳng. Đó là kết quả của sự hạn chế nông dân và lực lượng sản xuất nông thôn.

Sai lầm lớn nhất là quá tin cậy và hỗ trợ tư bản. Sai lầm đó dẫn đến việc giải thể kinh tế tập thể và các tổ chức do nông dân tự thành lập. Ở nông thôn TQ (trừ vùng duyên hải phát triển) suốt thập niên 1990, những nhà tư bản giàu lên bằng cách chiếm không gian phát triển kinh tế của nông dân và tổ chức của nông dân. Đa số nông dân và tổ chức của nông dân đã gặp phải khó khăn vì phải gánh ngày càng nặng hơn ngân sách của huyện, xã.

Tôi nghĩ có hai việc quan trọng nhất để giải quyết vấn đề nông dân: Thứ nhất, nông dân và tổ chức của nông dân là chủ thể của nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Chính phủ phải ủng hộ họ phát triển công việc ngân hàng, chế biến và buôn bán sản phẩm nông nghiệp, sản xuất và cung ứng tư liệu sản xuất nông nghiệp, xây dựng và vận động thị trường quyền sở hữu. Trong tương lai lâu dài, không nên để tư bản chủ đạo nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, cũng không nên hỗ trợ tư bản chiếm không gian phát triển của nông dân.

Thứ hai, nông dân là nhóm người lớn nhất, nếu chỉ chia sẻ thu nhập của nông nghiệp và kinh tế nông thôn thì họ vẫn rất nghèo. Cho nên nếu muốn bảo hộ vị trí chủ thể của nông dân trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn thì phải hỗ trợ nông dân, cung cấp an sinh xã hội cho họ.

Nếu nông dân không được tổ chức, trung ương cũng không giúp họ được. Nếu nông dân được tổ chức, mặc dù trung ương không giúp họ, họ vẫn có biện pháp. Để tổ chức nông dân, trước tiên phải củng cố hạ tầng cơ sở của họ, sau đó phải củng cố vị trí chính trị của họ.

* Xin chân thành cảm ơn ông.

THÚY NGA thực hiện -

CHÚC XIN dịch



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường