Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôi nói thật với Thủ tướng (kỳ 6): Nếu truy cứu trách nhiệm của người có trách nhiệm
11 | 08 | 2007
Ngày 19-5, phóng viên tờ nhật báo Nông Dân Hà Hồng Vệ đã phá tan sự phong tỏa tin tức ở thành phố Kinh Châu và huyện Giám Lợi về việc tôi viết thư lên trung ương với đề mục: “Lời nói tận đáy lòng của một bí thư đảng ủy xã”, đưa tin về nội dung bức thư của tôi gửi lên thủ tướng.
Ban biên tập nhật báo Nông Dân cũng mở một cột để mọi người tham gia thảo luận vấn đề “Làm thế nào để thiết thực thực hiện chính sách của Đảng, giải quyết vấn đề thực tế”, đã gây nên sự hưởng ứng mãnh liệt trong nông thôn cả nước.

Chuyện xưa nay chưa từng có

Ngày 6-6, mưa nhỏ liên tục, bí thư tỉnh ủy Giả Chí Kiệt, chủ tịch tỉnh Tưởng Chúc Bình, phó bí thư tỉnh ủy Vương Sinh Thiết, phó chủ tịch tỉnh Giả Thiên Tăng dẫn lãnh đạo các phòng ban của Sở Thủy lợi, Sở Giao thông, Sở Tài chính... cả thảy 30 người thâm nhập xã Bàn Cờ để tiến hành điều tra nghiên cứu. Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh dẫn một đoàn người đông như vậy đến một xã để nghiên cứu điều tra tình hình là điều chưa bao giờ có .

Để đón tiếp lãnh đạo tỉnh, bốn nhà lãnh đạo huyện Giám Lợi đã phải mất một tuần lễ chuẩn bị hết sức tỉ mỉ và chu đáo. Công tác chuẩn bị do tất cả lực lượng lãnh đạo các cấp của bốn nhà lãnh đạo huyện Giám Lợi sử dụng hết mọi lực lượng cơ động cảnh sát của toàn huyện. Chuẩn bị với tinh thần: bề ngoài có vẻ xởi lởi nhưng bên trong thì rất chặt chẽ. Ở xã Bàn Cờ chỉ một mình tôi và chủ tịch xã là biết có lãnh đạo tỉnh về, còn ra không ai biết được một tình hình cụ thể nào, không có một thông tin nào về ai đến, đến vào lúc nào. Địa điểm dừng xe đều được bố phòng nghiêm mật. Đối với những kẻ dễ loạn nói, loạn động đều có bố phòng trọng điểm. Đối với nơi cảm thấy không an toàn, dễ va chạm đều có cảnh sát mặc thường phục cảnh giới. Đối với những tài liệu các cấp cần hội báo phát biểu đều được thẩm tra trước, thống nhất chỉ nói một giọng điệu mà thôi. Thậm chí đối với những lãnh đạo nào đến dự, xe để chỗ nào, cử ai ra đón tiếp, rồi dẫn đến ngồi ở vị trí nào, nơi nào bố trí hố xí hố tiểu đều được sắp xếp rất chu đáo, tường tận.

10 giờ ngày 6-6, hai chiếc xe con ngoại nhập từ từ đi vào sân lớn của UBND xã Bàn Cờ. Đại biểu nhân dân xã Bàn Cờ ùa ra nghênh tiếp đoàn.

Xe đi đến địa điểm điều tra nghiên cứu do trên đã định trước. Tôi là người dẫn đường nên ngồi cùng xe với đồng chí bí thư tỉnh ủy Giả Chí Kiệt.

Rời khỏi cơ quan xã chưa đầy 10 phút đã đến thôn Giác Hồ ở cạnh quốc lộ. Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh vừa xuống xe đã bắt tay hỏi thăm tình hình đời sống và tình hình đóng góp của họ. Một nông dân cầm lấy tờ thẻ ghi số tiền đóng góp năm 2000, nói với bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh: “Tình hình đóng góp năm nay (2000) được giảm hơn một nửa so với năm 1999. Nếu chỉ đóng góp như thế này là chúng tôi hoàn toàn mãn ý”. Bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh nghe xong lấy làm vui mừng, liền nói: “Không thay đổi, không ít hơn, cũng không nhiều hơn, xin bà con yên tâm”.

Nông dân có mặt hết sức phấn khởi, vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Trong lúc chủ tịch, bí thư tỉnh ủy đang chuẩn bị lên xe, một nông dân mặt mày đỏ tía giơ tay lên nói to:

- Đợi một tí, tôi còn có ý kiến muốn nói.

Không khí tự nhiên khẩn trương hơn. Người nông dân đó nói:

- Từ tivi, tôi đã từng nhìn thấy các vị, biết các vị là quan to ở tỉnh. Chúng tôi hoàn toàn tin ở các vị, chỉ sợ các vị đi rồi ở xã lại thay đổi. Cứ theo sổ sách mà nói, đóng góp của hộ tôi năm nay là bao nhiêu xin nói cho rõ. Còn như năm 1996 ở đây chúng tôi bị lụt nặng, không thu được một hạt thóc nào. Cấp trên đến cứu tế, gia đình tôi không được một xu nào lại còn bắt tôi nộp thuế phí 800 tệ. Tôi đã giao hơn 700 tệ. Thực tế là không mượn được tiền, còn thiếu 50 tệ, cán bộ xã nắm chặt lấy cổ tôi, đập đầu tôi vào tường. Lúc đó tôi muốn chết đi. Sống trên thế gian này chẳng có ý nghĩa gì cả! Cán bộ này tên là Ngô Mai Phong. Với cán bộ như thế này không xứng đáng làm quan cho Đảng Cộng sản.

Chủ tịch tỉnh nắm chặt tay người nông dân này nói liên hồi: “Quan như vậy không cần, không cần loại quan như vậy”. Để không khí được hòa hoãn bớt, chủ tịch tỉnh với vẻ khôi hài hỏi nông dân này: “Về sau 50 tệ còn giao tiếp nữa không?”.

- Giao chứ. Không giao nó cắt cổ.

Chủ tịch tỉnh hơi bị đỏ mặt.

Mọi người nặng nề lên xe tiếp tục đi đến thôn Đồng Hồ...

Giá trị của ngọn cờ

Trong cuộc họp toàn thể bí thư đảng ủy xã toàn huyện ngày 13-6, một số bí thư yêu cầu việc tinh giản cơ cấu và nhân viên phải cùng làm đồng thời ở cấp xã cũng như cấp huyện.

Vấn đề tinh giản biên chế ở ngành giáo dục và ngành tài chính đã được đưa lên chương trình nghị sự. Lúc đó hai ông thường vụ huyện ủy phụ trách công tác giáo dục và hai ông lãnh đạo cấp phó của huyện phụ trách tài chính đỏ mặt, đứng lên thanh minh.

Ông lãnh đạo Cục Giáo dục huyện nói:

- Người đâu phải do tôi sắp xếp. 57 người đều do lãnh đạo huyện sắp xếp. Trong đó bí thư huyện ủy Y có chín người. Lúc nào bí thư Y đem được chín người này đi, số còn lại tôi chịu trách nhiệm.

Ông lãnh đạo Cục Tài chính nói:

- Người của Ban tài chính thị trấn Dung Thành đều do bí thư huyện và chủ tịch huyện ký quyết định. Ai ký, người ấy chịu trách nhiệm đưa họ về nhà, tôi không làm cục trưởng thì thôi, chứ không thể làm những việc ngây thơ khờ dại như vậy.

Người của Ban tài chính thị trấn Dung Thành nói:

- Vào được Ban tài chính thị trấn Dung Thành đâu có dễ, đều mất tiền cả. Dưới 35 vạn tệ là đừng hòng vào. Bây giờ bắt chúng tôi về ư? Đừng hòng!

Bốn vị lãnh đạo chủ chốt của huyện như giẫm phải đinh. Tình hình như đang đổ dồn về đồng chí bí thư huyện ủy Y. Bí thư huyện ủy Y đỏ mặt tức giận nói:

- Không lẽ mọi người đều do tôi sắp xếp cả ư?

Việc tinh giản cơ cấu nhân viên ở cấp huyện buộc phải dừng tại đây. Như thế có thể biết việc tinh giản ở huyện là không thể nào có kết quả.

Năm 1997, khi tôi được điều về làm bí thư ở xã Thạch Mộc, trong một đợt giảm 121 người, bí thư huyện ủy viết thư đề nghị cho một người ở lại. Tôi quyết định cho người ấy về nhà đầu tiên. 121 người nhất luật thực hiện, không có gì đặc biệt, không có tình cảm riêng tư ở đây. Nhưng đến khi tôi rời khỏi xã Thạch Mộc thì vị trí của 121 người đó lại được phục hồi. Nếu cải cách ở xã mà không đồng thời cải cách ở huyện, thậm chí không đồng thời cải cách ở tỉnh, ở trung ương, thì thành tích thu đựơc chỉ là tạm bợ và không thể được củng cố.

Bộ tổ chức , Bộ nhân sự qui định rất rõ ràng. Cấp huyện chỉ có một chủ tịch, hai phó chủ tịch, nhiều nhất không được quá 4 phó chủ tịch. Nhưng thực tế có nhiều huyện đã có 6 phó chủ tịch, cao điểm có đến 10 phó chủ tịch. Các khoa, cục có lúc có đến 8 cục phó, khoa phó. Đến số lượng chức quan hành chính cũng không thể khống chế nổi thì nhân viên bình thường làm sao có thể tinh giản được.

Vì sao chính sách qui định của trung ương, của nhà nước từ trên xuống dưới đã bị biến dạng như vậy, thậm chí không được chấp hành? Một đạo lý rất rõ ràng là bàn tay không đủ cứng. Nếu như bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện, các trưởng phòng ban, các bí thư đảng ủy, các chủ tịch xã đều không vi phạm qui định đưa người nhà, bà con thân thích, người địa phương mình vào biên chế nhà nước một cách tùy tiện, tôi nghĩ trung ương hễ phát hiệu triệu là địa phương hưởng ứng ngay, nghiêm chỉnh chấp hành ngay, thậm chí hành động rất khẩn cấp. Nhưng vì người ăn cơm nhà nước đều là người nhà của mình cả, làm sao hạ nổi mệnh lệnh, ra tay kiên quyết được. Cho nên càng kéo dài được bao nhiêu càng hay, thừa cho thừa vậy.

Nếu chúng ta truy cứu trách nhiệm của người có trách nhiệm thì tôi nghĩ tất cả vợ con, thân bằng cố hữu của tất cả những người đứng đầu cơ quan đều có thể có thái độ tích cực hơn, có lòng tự trọng hơn. Đồng chí phó bí thư tỉnh ủy Vương Sinh Thiết đến ở trong nhà nông dân. Tất cả các tổ viên của tổ công tác đều vội vàng trong đêm tìm đến nhà dân ở. Đồng chí Vương Sinh Thiết dẫn đầu ăn cơm theo phiếu, mọi người cũng ăn cơm theo phiếu. Đồng chí Vương Sinh Thiết xuống ruộng cấy lúa, các cán bộ khác của tổ chẳng dám đi giày da xuống nông thôn. Các vị đứng đầu là ngọn cờ, các vị đứng đầu là tấm gương.

Nếu người đứng đầu gương mẫu chấp hành chế độ này thì chế độ đó là một thanh kiếm có lợi. Nếu người đứng đầu chính trực, có độ cứng rắn đúng mức thì ai dám ngang nhiên đứng thẳng dõng dạc nói đàng hoàng: “Muốn chúng tôi về ư? Đừng hòng!”.

Dùng biện pháp nào để chọn được người chí công vô tư, đứng vào cương vị thứ nhất, cương vị số 1.

Dùng biện pháp nào để quyền lực được giám sát bởi nhân dân quần chúng. Đây là hai vấn đề lớn mà đảng chúng ta cần phải nghiên cứu thận trọng và giải quyết triệt để.

LÝ XƯƠNG BÌNH

(Trần Trọng Sâm dịch)



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường