Ủng hộ sự ổn định
Trước tiên, trưởng ban tổ chức thành ủy - đồng chí Thịnh truyền đạt những ý kiến của bí thư thành ủy Lưu Khắc Nghị cho tôi như sau:
Thứ nhất, Giám Lợi hiện nay mất ổn định, xã Bàn Cờ là trung tâm của sự mất ổn định. Lý Xương Bình là nòng cốt của sự mất ổn định đó. Việc tuần báo Phương Nam Cuối Tuần đăng tin tức và sự kiện Khuông Đạo Hồng phát không báo là do một mình Lý Xương Bình vạch kế hoạch, hi vọng từ nay về sau không để xảy ra những vấn đề tương tự, có nói gì thì nói trong Đảng.
Thứ hai, đồng chí Y vì sức khỏe, thành ủy đồng ý cho đồng chí rời khỏi chức vụ đi chữa bệnh (chưa quá 20 ngày sau, khi bí thư mới của huyện Giám Lợi đến nhậm chức thì đồng chí Y đã tuyên bố khỏi bệnh, vội trở về cương vị phó chủ tịch thành phố Kinh Châu). Giám Lợi ở vào thời kỳ rất đặc biệt, hi vọng Lý Xương Bình vì đại cục ủng hộ sự ổn định của Giám Lợi.
Thứ ba, nếu Lý Xương Bình cảm thấy công tác ở Giám Lợi không còn thích hợp nữa, tổ chức sẽ xem xét điều động đi khỏi Giám Lợi, tiếp tục bố trí công tác khác.
Nghe đồng chí Thịnh nói hết lời, tôi hơi bị kích động, cảm thấy nhiều điều oan khuất. Tôi định lập luận bác bỏ ba ý kiến trên của bí thư thành ủy Lưu Khắc Nghị. Nhưng tôi nghĩ khi họ đã muốn thêm tội cho tôi thì thiếu gì từ để nói, quân muốn thần chết thì thần không thể không dám chết. Bây giờ không phải là chế độ chuyên chế phong kiến, nhưng tôi có nỗ lực bao nhiêu cũng mất công vô ích.
Không có tòa án chính nghĩa và lương tri. Không có nơi để công khai lý luận! Đảng viên có quyền khiếu nại, lãnh đạo cấp trên vẫn có quyền không giải quyết khiếu tố của cấp dưới. Thật lạ đời!
Im lặng! Im lặng chính là phản kháng. Tôi im lặng một hồi lâu, biết mình không thể ở lâu hơn nữa ở huyện Giám Lợi. Có bố trí công tác tiếp vẫn là ở thành phố Kinh Châu. Sau này Kinh Châu có mất ổn định đổ lên đầu tôi. Chỉ còn một con đường là ra đi.
Tôi trịnh trọng tuyên bố với đồng chí Thịnh: “Tôi sẽ ra đi, yêu cầu bố trí người khác đến để tôi bàn giao công việc. Tôi ra đi là sự chọn lựa đẹp nhất”.
|
Nông dân Trung Quốc mới lên thành phố không có chỗ ở - Ảnh: lanzhoudushiwang |
“Tôi là tiêu điểm của mâu thuẫn”Cải cách đã giảm nhẹ được đóng góp cho nông dân, duy trì được lợi ích của tuyệt đại đa số nông dân, nhưng cũng xúc phạm và làm tổn hại đến lợi ích của một số ít người. Tôi là tiêu điểm của mâu thuẫn. Hơn nửa năm tiến hành cải cách, có đắc tội với một số cán bộ, không ít người vì chiếm dụng của công mà bị xét hỏi, giải thể cấp quản lý khu, một số cán bộ nhân viên hợp đồng bị mất việc. Tăng cường quản lý nên đặc quyền của một số người không còn nữa. Không thể như trước bừa bãi chi tiêu, tự do báo phiếu thanh toán các khoản. Trước đây có cán bộ cho vay nặng lãi ở thôn nay bị tính toán lại, có người gọi điện thoại uy hiếp tôi, bảo tôi phải thông minh hơn một tí, thôn nợ tiền của anh ta không được thiếu một xu. Nếu không hãy coi chừng đấy! Những uy hiếp này tôi không sợ, nhưng tôi nhìn thấy tình hình như thế này thì oán hận và ý kiến đối lập với tôi rất lớn. Họ cho rằng nếu tôi không viết thư lên lãnh đạo trung ương sẽ không xảy ra cải cách này.
Có một lần huyện mở hội nghị bí thư các đảng ủy xã, một bí thư đảng ủy xã nói: “Chính vì Lý Xương Bình viết thư đã làm huyện Giám Lợi ta mất hết thành tích”. Lúc đó tôi một lời cũng không nói. Trường con tôi học đang chuẩn bị xây nhà ở cho giáo viên, chỉ vì tôi mà sau đó huyện rút bớt chỉ tiêu không cho xây nữa. Có giáo viên nói với con tôi: “Chỉ vì cha cháu viết thư lên trung ương đã hại đến các thầy không có nhà ở”.
Tôi rời khỏi Giám Lợi, đối với bản thân tôi, đối với công tác huyện xã sẽ có điều tốt đẹp hơn nhiều. Tôi ra đi sẽ có một số cán bộ lãnh đạo cảm thấy an toàn hơn. Tôi ra đi có thể đem theo rất nhiều mâu thuẫn, Bí thư mới nhậm chức có thể nhẹ gánh ra trận, có lợi cho sự phát triển của Giám Lợi, của xã Bàn Cờ.
Tôi thật lòng không ngờ một bức thư mà có thể gây chấn động đến vậy. Thông qua sự kiện này, tôi hiểu thấm thía từ khi cải cách mở cửa đến nay, xã hội đã có tiến bộ vượt bậc. Một nhà văn ở tỉnh Thiểm Tây viết thư cho tôi nói: “Trong lịch sử Trung Quốc, vì nông dân nói thật chỉ có hai người, một là Lương Thấu Minh, hai là Bành Đức Hoài. Bạn có thể xem là người thứ ba. Nhưng bạn là người may mắn nhất trong ba người!”. Tôi cảm thấy được an ủi, tôi viết thư lên trên là thật lòng, phản ánh vấn đề tồn tại đương đại, không bị đả kích báo thù. Đây là tiến bộ của xã hội. Đây không chỉ là may mắn cho tôi mà là may mắn cho cả nhà nước, may mắn cho cả nông dân.
Trong mười mấy năm công tác ở nông thôn, từ công xã nhân dân đến công sở khu, từ công sở khu đến UBND xã, thị trấn, lúc nào tôi cũng tâm tâm niệm niệm lời giáo huấn của cha tôi: “Nghe lời Đảng, làm người con tốt của nhân dân”, kiên trì một cách rất gian nan quan niệm chính trị: “Làm quan mà không vì dân làm chủ thì thà về nhà đi bán khoai lang”. Tôi muốn làm một người quan tốt, tôi đã hết sức nỗ lực nhưng tôi đã thất bại.
Từ quan
9g tối 16-9, tôi đưa báo cáo từ chức đến tay phó bí thư huyện ủy Hồng Lục:
Kính gửi huyện ủy đồng chuyển thành ủy:
Căn cứ vào tinh thần cải cách cơ cấu của trung ương, tôi xin được từ chức bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ để xuống biển tìm cơm ăn. Xin được phê chuẩn.
Người xin từ chức: Lý Xương Bình
16-9-2000
Ngày 17-9, tôi đưa vợ tôi về quê ở thị xã Hồ Hồng thăm cha mẹ tôi tuổi đã già, sức đã yếu. Tôi nói tôi sắp sửa đi xa, mẹ tôi đau lòng khóc lên. Tôi nhẹ nhàng an ủi cha mẹ, nét mặt tôi nở đầy nụ cười. Cha tôi không nói một lời nào. Ông nhờ người bác viết cho tôi một bức trướng, hơn nữa dặn dò tôi thường xuyên mang theo bên người để xem.
Bức trướng này tuy không có bao nhiêu giá trị vật chất, nhưng đủ để làm bảo vật gia truyền đời đời kiếp kiếp. Mẹ tôi tặng tôi một chiếc áo đỏ do tập thể hơn 50 người thân vừa kịp thêu xong. Mẹ tôi nói mặc chiếc áo này có thể trừ tà, có thể giữ được bình yên cho mình. Hai tay tôi đỡ lấy lễ vật quí giá này, chiếc áo có thêu hình ảnh con thỏ cát tường (tôi tuổi thỏ), cúi mình cảm tạ tất cả anh em bà con cô bác có mặt tiễn tôi hôm nay. Bà con đều nước mắt lưng tròng tiễn tôi đến tận xe, vây chặt lấy xe không chịu rời.
Tôi lên xe, nước mắt cứ chảy giàn giụa, rất nhiều lần không cầm nổi tay lái cho xe chuyển bánh.
Tối 17-9, tôi đến huyện lỵ Giám Lợi.
Sáng hôm sau, phó chủ tịch mặt trận TP Kinh Châu, bí thư huyện ủy Giám Lợi Tần Minh Phúc đại diện thành ủy và huyện ủy tìm tôi nói chuyện, truyền đạt ý kiến của thành ủy và huyện ủy: “Việc anh ra đi là tự anh. Nếu anh muốn tiếp tục công tác ở xã Bàn Cờ, tổ chức sẽ rất hoan nghênh”. Hơn nữa còn nhấn mạnh nhiều lần: “Hi vọng anh đừng thông qua giới truyền thông báo chí phát biểu những ngôn luận không có lợi cho thành ủy, huyện ủy”.
Hai vị lãnh đạo này là hai vị lãnh đạo cũ mà tôi hết sức tôn trọng. Họ cũng quan tâm sâu sắc đến cuộc “nam hành” của tôi. Tôi cũng yêu cầu họ yên tâm, tôi không bao giờ làm điều gì sai đối với nhân dân Giám Lợi.
Trưa 18-9, tôi cùng với vợ về đến xã Bàn Cờ. Tôi bảo đồng chí văn phòng mời các đồng chí lãnh đạo trong đảng ủy, trong UBND xã, trong hội đồng nhân dân và mặt trận đến để họp bàn một số vấn đề cần thiết, đồng thời có dịp cho tôi gửi lời chào từ biệt, hi vọng thông qua các đồng chí lãnh đạo xã gửi đến toàn thể nhân dân xã Bàn Cờ một lời chào tâm nguyện và một lời xin lỗi chân tình.
Tất cả đều xuống lầu tiễn tôi lên xe. Ai cũng không nói nên lời. Tất cả đều im lặng, cái hay chính là ở chỗ không nói lời nào.
Các cán bộ khác vẫn như thường lệ, ngồi ở hội trường lớn, hình như vẫn đang chờ đợi tôi bố trí công tác hằng tuần.
Nguyễn Nhân Đức nắm chặt tay tôi, nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào nói: “Đồng chí là niềm kiêu hãnh của Trường trung học Bàn Cờ, nhân dân Bàn Cờ vĩnh viễn nhớ đến đồng chí”.
Bác Ngô, lái xe, đổ thêm xăng. Xe bắt đầu nổ máy chầm chậm ra khỏi trụ sở ủy ban.
Một âm thanh đồng loạt vang lên:
- Tạm biệt! Tạm biệt!
- Tạm biệt Bàn Cờ!
20 năm trước, tôi từ đây bước vào ngưỡng cửa nông nghiệp, cũng từ đây từ nông dân biến thành phi nông dân.
20 năm sau, hôm nay, cũng từ đây từ cán bộ biến thành nông dân. Tôi thề rằng phải làm cho càng nhiều nông dân không còn phải làm nông dân nữa! Tôi quay mình, tiếng vang tạm biệt làm cho cõi lòng tôi thêm nhức nhối. Tôi lau đi giọt nước mắt cuối cùng.
Tạm biệt quê hương, Lý Xương Bình quyết định gửi con gái 11 tuổi về sống với vợ chồng người anh trai ở TP Kinh Châu.
Ôm con vào lòng, nước mắt người cha rơi từng giọt trên trán con... Nhưng, hành phương Nam tìm việc thì họa phúc khôn lường...
LÝ XƯƠNG BÌNH
(TRẦN TRỌNG SÂM dịch)