Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cải cách hành chính để thúc đẩy kinh tế
26 | 06 | 2007
"Các bộ ngành vẫn tạo ra một cái van an toàn cho quá trình quản lý của mình", ông Thang Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về vấn đề cải cách hành chính thời gian qua.
Hỏi: Thưa ông, trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông đánh giá những quyết định hành chính nào trong năm 2006 có tác động tích cực đối với đời sống xã hội nói chung và môi trường đầu tư nói riêng?

Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Trong năm 2006, Chính phủ đã đầu tư để rà soát lại toàn bộ các hệ thống thể chế nhằm đáp ứng được yêu cầu tạo ra môi trường thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cũng như đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của quá trình hội nhập WTO.

Đến tháng 6 vừa rồi, sau khi rà soát, Chính phủ nhận thấy còn “nợ” 130 nghị định, tuy nhiên đến cuối năm đa số khối lượng nghị định này đã được giải quyết và hiện nay chỉ còn “nợ” 40 nghị định.

Nhiều quyết định quan trọng trong chỉ đạo của Chính phủ đã được đưa vào cuộc sống và có tác động tích cực. Ví dụ như về mặt tổ chức, trong thời gian vừa qua có nghị quyết số 8 của Chính phủ về phân cấp trên 6 lĩnh vực chủ yếu, liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư, phân cấp về đầu tư, phân cấp về quản lý đất đai. Điều đó được thể hiện rất rõ trong các quyết định vừa qua, tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện.

Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Chính phủ đã quyết định bỏ nhiều hạn ngạch, trao cho các bộ ngành làm chủ đầu tư để giải quyết nhiệm vụ của mình như quyết định 22, chỉ thị số 1 của Thủ tướng ban hành đầu năm. Mới nhất là chỉ thị 32 của Thủ tướng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội trong việc chấp hành các quyết định hành chính, công khai hóa, minh bạch hóa các quy định hành chính.

Đó là một bước chuyển quan trọng đòi hỏi các cơ quan có quan hệ nhà nước với dân và doanh nghiệp phải tiến hành công khai hóa, tạo lập các đường dây nóng. Hiện nay các địa phương chấp hành việc này tương đối nghiêm.

Các quyết định, chỉ thị nói trên của Thủ tướng Chính phủ cho thấy sự hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước đã được nâng lên một bước rất quan trọng. Tất nhiên đây là một công việc không đơn giản, vì bản thân hệ thống thể chế của chúng ta vẫn còn thiếu đồng bộ và thiếu nhất quán.

Hỏi: Thưa ông, cụ thể thì sự thiếu đồng bộ và nhất quán đó là gì?

Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Các bộ ngành vẫn còn giữ những quy định tạo thuận lợi cho việc quản lý của mình, chứ chưa thật sự chuyển mạnh sang tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Nghĩa là họ vẫn tạo ra một cái van an toàn cho quá trình quản lý của mình.

Nhiều khi các công chức không thể giải quyết đúng theo quy trình: đúng với văn bản pháp luật này lại vi phạm văn bản khác. Đây cũng là vấn đề rất khó cho các công chức cũng như cho các cấp chính quyền của chúng ta khi giải quyết các công việc của dân và doanh nghiệp.

Hỏi: Khi vào sân chơi WTO, Việt Nam sẽ phải tuân thủ luật chơi chung. Về mặt hành chính, chúng ta sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng với quá trình hội nhập này?

Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Chúng tôi cho rằng nếu thực hiện cải cách hành chính tốt, đạt các mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính, đây sẽ là cơ hội tốt tạo ra một năng lực, khả năng mới để bộ máy chính quyền của chúng ta có thể tiếp nhận, quản lý được các quá trình thay đổi trong khi Việt Nam bước vào một sân chơi rất rộng lớn. Có bốn yếu tố mà chúng tôi đang tập trung chỉ đạo:

Một là tiếp tục rà soát lại tất cả các quy định và thủ tục hành chính, thông qua đó để yêu cầu công khai hóa và minh bạch hóa các quy định và thủ tục này. Đây chính là yêu cầu của WTO. Việc công khai hóa này có nhiều con đường, như trên mạng điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo tại các cơ quan hành chính, điều này tạo ra sự thông thoáng và tiếp tục làm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Vấn đề thứ 2 mà chúng tôi đang cố gắng làm là tạo ra sự phân cấp. Sự phân cấp của nền hành chính cho các cấp chính quyền là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định vì nó có liên quan đến việc thực hiện chức trách và thẩm quyền của từng cấp trong việc giải quyết công việc của dân một cách nhanh nhất, chủ động nhất, khắc phục tình trạng hiện nay là đẩy các công việc lên cho cấp trên, làm cho chúng ta không thể ứng phó và giải quyết kịp thời những yêu cầu do thị trường đặt ra.

Thị trường luôn luôn thay đổi, biến động và có những bất ngờ. Nếu ta cứ hành chính hóa nó mà không trao đủ quyền cho các cấp để đáp ứng yêu cầu này thì sẽ tạo ra một vấn đề lớn. Tôi cho rằng đây là một trong những khâu then chốt và phải đẩy mạnh hơn nữa.

Vấn đề thứ ba là phải nâng cao trình độ năng lực của chính đội ngũ cán bộ công chức, không phải chỉ những vấn đề về chính trị, tư tưởng mà còn cả những vấn đề liên quan đến kỹ năng giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc của dân trong thời kỳ mới này. Việc hiểu luật chơi của thế giới và các quy định trong pháp luật của ta để hài hòa hóa các thủ tục với quốc tế là một thách thức rất quan trọng.

Vấn đề thứ tư là phải tiến hành hiện đại hóa nền hành chính. Nếu không hiện đại hóa hành chính chúng ta vẫn đang tụt hậu so với các nền hành chính khu vực và thế giới như tình hình hiện nay, làm cho việc cung cấp các thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác cho toàn xã hội trở nên khó khăn.

Tôi cho rằng 4 yếu tố, 4 loại việc trên đang và cần được tập trung đẩy mạnh hơn để nâng chất lượng của nền hành chính và chất lượng cán bộ đội ngũ công chức, tạo ra một năng lực mới trong việc tiếp cận tất cả các vấn đề do thị trường đặt ra, kể cả thị trường trong nước và quốc tế.

Hỏi: Ông có đề cập tới việc phân cấp, phân quyền. Nhưng các nhà đầu tư lại e ngại việc phân quyền sẽ tạo ra những “xung đột” giữa các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương. Điều này cần phải được giải quyết như thế nào?

Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Vấn đề là sau khi phân cấp, cần phải tạo ra các công cụ để kiểm soát quá trình này. Vừa rồi chúng ta đã thực hiện việc rà soát để phát hiện những việc mà các địa phương không tuân thủ hoặc mâu thuẫn với chính sách chung. Mới đây, sau khi kiểm tra 38 tỉnh, Chính phủ đã phải yêu cầu 31 tỉnh điều chỉnh.

Chúng ta không nên quá e ngại. Đối với phân cấp, phân quyền, vấn đề là trao đến đâu và kiểm soát được hay không? Vấn đề quan trọng hiện nay trong nền hành chính của chúng ta là cần kiểm soát trên cơ sở tạo ra sự phù hợp của hệ thống thể chế và sự thống nhất thể chế.

Hỏi: Vậy trong năm 2006, ông đánh giá việc phân cấp đã diễn ra ở mức độ nào?

Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Chưa bao giờ chúng ta có hoạt động lớn như là trong hai năm qua. Đây là thời gian việc tiến hành triển khai phân cấp được đẩy mạnh. Trong năm 2006, 22 bộ ngành đã hoàn thành xây dựng đề án phân cấp trên ngành và lĩnh vực. Chúng tôi đã trình lên Chính phủ để xem xét.

Vừa rồi cũng có rất nhiều văn bản chuyền tải tư tưởng phân cấp. Hiện nay theo chúng tôi, chỉ còn một vài việc cần làm: phải tiếp tục xác định để phân cấp và làm rõ, nhất là việc chuyển giao một số việc mà Thủ tướng giao cho các bộ trưởng hoặc các Chủ tịch tỉnh giải quyết. Nếu họ có thể giải quyết nhanh nhất cho dân cho người dân và doanh nghiệp thì không cần đẩy lên trên.

Một số địa phương bây giờ đã phân cấp trong nhiều vấn đề, kể cả phân cấp về quản lý biên chế. Từ trước đến nay, kể cả hành chính, sự nghiệp đều do thủ tướng, Bộ Nội vụ quản lý nhưng hiện nay Bộ Nội vụ và Thủ tướng chỉ thống nhất quản lý biên chế công chức hành chính; nghĩa là chỉ còn quản lý khoảng 300.000 cán bộ hành chính các cấp.

Hơn một triệu viên chức sự nghiệp còn lại do địa phương và các bộ ngành quản lý. Việc thành lập các tổ chức dịch vụ sự nghiệp công được giao cho bộ ngành, HĐND, UBND địa phương quyết định xuất phát từ nhu cầu của họ. Kể cả việc nâng bậc, trả lương cũng trao cho địa phương.

Hỏi: Thực tế vẫn có tình trạng cán bộ hành chính chưa làm tròn chức năng nhiệm vụ, gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Trong năm 2006 việc này đã được xử lý như thế nào? Trong thời gian tới, vấn đề này sẽ được đẩy mạnh ra sao thưa ông?

Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Vấn đề quan trọng nhất là phải tăng cường thanh tra công vụ.

Năm qua, Hà Nội đã tổ chức bốn cuộc thanh tra công vụ để kiểm soát việc nhũng nhiễu, gây khó khăn của các đơn vị sự nghiệp. Một số địa phương cũng đã tổ chức hoạt động này, tạo ra kênh phản ánh, các đường dây nóng, các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với doanh nghiệp, của lãnh đạo tỉnh với dân. Thông qua những hoạt động đó chúng ta có sự điều chỉnh tích cực.

Một số tỉnh như Bình Thuận trong sáu tháng đầu năm thanh tra công vụ đã xử lý 5 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp bị đưa ra khỏi đội ngũ cán bộ công chức. Phải nói rằng đây là một hoạt động vừa phải có chiều rộng và cũng cần có chiều sâu thì mới có thể giải quyết được.

Mặt khác chúng ta cũng phải rà soát lại các quy trình, các hệ thống liên quan đến các chuẩn mực, các chính sách và động lực cho đội ngũ cán bộ công chức. Một mặt ta đòi hỏi họ cao nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải khuyến khích họ bằng cách tăng thêm các quyền lợi về tinh thần và vật chất do nhu cầu hiện nay tăng lên rất nhiều so với trước đây.

Có người nói nền hành chính trước đây sao ít người? Bởi vì trước đây các quan hệ đơn giản, một chiều, nhưng hiện nay các quan hệ kinh tế, xã hội trở nên phức tạp, đa chiều. Tính phức tạp đòi hỏi khả năng quản lý và năng lực kiểm soát phong phú và đa dạng hơn.

Hỏi: Vậy điểm chính yếu để ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu này là gì?

Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Theo tôi vấn đề quan trọng nhất vẫn là hoàn thiện thể chế để ngăn chặn những lỗ hổng và những điều không chuẩn trong hệ thống thể chế để chúng ta ngăn chặn một cách tích cực vấn đề gây nhũng nhiễu. Sắp tới công chức sẽ thể hiện rất rõ vai trò của họ trên từng vị trí, do đó cần phải kiểm soát được và thực hiện nguyên tắc công chức.

Các cơ quan quản lý chỉ được làm những việc pháp luật quy định, chỉ người dân mới được làm những cái mà pháp luật không cấm. Đấy là phương châm mà chúng ta đang theo đuổi trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập.


(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường