Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cách tiếp cận và các giải pháp giải quyết vấn đề kinh tế phi thị trường của Việt Nam sau khi gia nhập WTO
14 | 08 | 2008
Bất kể những bất hợp lý và tính chất phân biệt đối xử đối với Việt Nam sau gia nhập WTO, vấn đề kinh tế phi thị trường là một thực tế đang tồn tại trong WTO mà Việt Nam, Trung Quốc và các nước bị coi là kinh tế phi thị trường khác phải chấp nhận và đối phó như một thách thức của hội nhập.
Để đối phó với NME, có thể có 3 cách tiếp cận:

Chấp nhận những thách thức mà một nước bị coi là kinh tế phi thị trường sẽ phải đối mặt khi tham gia thương mại quốc tế, đặc biệt trong quan hệ thương mại với những nước thường xuyên sử dụng công cụ chống bán phá giá. Xác định rõ những khó khăn có thể sẽ gặp phải khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế để chuẩn bị sẵn các giải pháp đối phó. Như vậy, doanh nghiệp và Chính phủ phải chấp nhận những thách thức nảy sinh từ việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường để chuẩn bị các biện pháp đối phó với tình trạng áp đặt thuế chống bán phá giá và trợ cấp của các nước như Hoa Kỳ, EU và các nước khác đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Mục tiêu là bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường các nước nói trên.

Đẩy mạnh cải cách theo định hướng thị trường. Đồng thời tích cực vận động các thành viên WTO sớm công nhận quy chế thị trường và không áp dụng điều khoản trong Nghị định thư gia nhập WTO về kinh tế phi thị trường. Đẩy mạnh cải cách kinh tế thị trường là cách đối phó tích cực và lâu dài nhất trong trường hợp bị coi là kinh tế phi thị trường. Hướng đi này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam trong những năm tới.

Với tư cách thành viên WTO, yêu cầu xem xét lại và sửa đổi các điều khoản liên quan kinh tế phi thị trường trong Hiệp định Chống bán phá giá của WTO. Tích cực vận động các nước công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam đồng thời nâng cao vai trò của mình trong các cuộc đàm phán sắp tới để có tiếng nói quan trọng trong vấn đề kinh tế phi thị trường trong WTO.

Trong 3 phương án trên, phương án đầu tiên mang tính ngắn hạn và thiên về các giải pháp ở cấp độ doanh nghiệp. Hai phương án còn lại mang tính dài hạn hơn và phải thực hiện ở cấp độ quốc gia. Sau đây là một số giải pháp cụ thể đối với Chính phủ và các doanh nghiệp trên cơ sở 3 phương án tiếp cận đối với vấn đề NME nêu trên.

Đối phó với các vấn đề tranh chấp thương mại, trước hết là việc áp thuế chống bán phá giá của các nước đối với hàng xuất khẩu.

Về phía Chính phủ: cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trựo doanh nghiệp về cách phòng tránh và xử lý các vụ kiện bán phá giá. Nâng cao năng lực chuyên môn của các cơ quan tư vấn, điều trần và xử lý các vụ tranh chấp thương mại, trước hết là các cơ quan quản lý cạnh tranh. Cần thành lập các cơ quan nghiên cứu sâu và cụ thể hơn về các tranh chấp thương mại và các phương án xử lý để tư vấn cho các doanh nghiệp khi bị kiện, hoặc muốn khởi kiện. Cần nghiên cứu sớm thành lập toà án quốc tế tại ít nhất 3 vùng kinh tế trọng điểm để có thể xử các vụ tranh chấp thương mại tại Việt Nam nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Cần sớm thành lập viện nghiên cứu về công pháp quốc tế, giúp nhà nước thẩm định các văn bản sửa đổi luật pháp theo cam kết quốc tế và tư vấn về các vấn đề pháp lý quốc tế. Thành lập cơ quan chuyên trách hầu kiện gồm các nhà chuyên môn, chuyên nghiệp như luật sư, kế toán, kiểm toán, kinh tế gia... Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để minh bạch hoá, công khai hoá hoạt động của doanh nghiệp, để các chi phí phản ánh đúng chi phí thị trường.

Về phía doanh nghiệp: nắm vững và vận dụng các quy định về NME của nước nhập khẩu; tăng cường phối hợp thông qua các hiệp hội ngành hàng; duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch để có thể cung cấp đầy đủ, chính xác các dữ liệu cần thiết trong quá trình điều tra; Tích cực theo kiện; Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Đẩy mạnh cải cách kinh tế theo định hướng thị trường, hoàn thiện cơ chế thị trường, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh.

Trong thoả thuận gia nhập WTO của mình, Việt Nam đã đưa ra những cam kết về chính sách tài chính tiền tệ, môi trường đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ các hạn chế số lượng không phù hợp WTO... Những cam kết của Việt Nam được xây dựng phù hợp nguyên tắc WTO về minh bạch, không phân biệt đối xử và phù hợp mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang theo đuổi. Những cam kết này đã được thể chế hoá trong các luật quan trọng được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2006 như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... Tuy nhiên, để hình thành đồng bộ các cơ cấu thị trường của nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách. Đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới việc xem xét quy chế thị trường: doanh nghiệp nhà nước bao gồm cả việc bỏ cơ chế bộ chủ quản, chính sách đất đai, cơ chế tuyển dụng và lương cho lao động...Quá trình hình thành đồng bộ các cơ chế thị trường đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đồng thời là tiền đề để Việt Nam đấu tranh, vận động các đối tác sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường trước thời hạn 12 năm.

Việc công nhận quy chế thị trường mang tính chất chính trị và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của quốc gia công nhận. Do đó, bên cạnh thúc đẩy tiến trình cải cách, cần phối hợp công tác vận động các đối tác thương mại lớn công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tháng 5/2007, các nước ASEAN và Trung Quốc đã công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường. Việc hai trong số các đối tác thương mại lớn nhất công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa hết sức to lớn với Việt Nam cả về kinh tế và chính trị. Hiện Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với EU về việc EU công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường. Trong quá trình này, Việt Nam có thể rút những bài học kinh nghiệm từ quá trình EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Liên bang Nga.

Yêu cầu thay đổi quy định tương ứng trong WTO

Phối hợp cùng các nước NME đấu tranh trong WTO để yêu cầu sửa đổi các quy định về chống bán phá giá liên quan các nền kinh tế phi thị trường. Cơ sở pháp lý để các nước áp dụng các quy định nội luật về NME trong các vụ việc chống phá giá liên quan các nước có nền kinh tế chuyển đổi là Khoản bổ sung thứ 2 cho Đoạn 1 Điều 6 (Phụ lục I GATT). Tuy nhiên, ngày nay không có nền kinh tế nào có tính chất thuần tuý độc quyền nhà nước như được mô tả trong quy định này. Việc tiếp tục duy trì các quy định này không còn phù hợp với tình hình thực tế và có thể bị sử dụng làm công cụ bóp méo thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, đây còn là sự phân biệt đối xử giữa các nước thành viên đầy đủ của WTO, vi phạm nguyên tắc MFN. Để gia nhập WTO, các nước có nền kinh tế chuyển đổi phải tiến hành cỉa cách thể chế, đưa hệ thống pháp lý và các cơ chế quản lý sang cơ chế thị trường phù hợp với cách thức WTO, họ có toàn quyền được hưởng các đãi ngộ bình đẳng với các thành viên khác kể cả đối với các quy chế liên quan tới điều tra chống bán phá giá.

Bởi vậy, trong quá trình rà soát Hiệp định chống bán phá giá của Vòng Phát triển Doha, cần xem xét lại Khoản bổ sung thứ 2 của Điều 6 nêu trên. Điều khoản này có thể bãi bỏ hoặc nếu tiếp tục duy trì cần nêu cụ thể các tiêu chí xác định NME. Thực tế hiện nay, điều khoản này đang được khai thác vào các mục đích bảo hộ và đang cản trở tiến trình hội nhập của các nước có nền kinh tế chuyển đổi vào hệ thống thương mại đa phương.



Nguồn: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường