Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cuộc đua giành chỗ trên thị trường bán lẻ
12 | 08 | 2008
Đến hết năm thị trường bán lẻ của Việt Nam mới bắt đầu phải mở rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc săn tìm vị trí kinh doanh đã bắt đầu từ lâu .

Săn tìm vị trí đẹp

Mặc cho lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa leo thang và người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Malaysia là Parkson vào cuối tháng 7-2008 vừa qua cũng quyết định mở cửa trung tâm mua sắm thứ ba của mình tại TPHCM.

Tọa lạc tại số 60A Trường Sơn, quận Tân Bình, trung tâm mua sắm thứ năm của Parkson được giới kinh doanh đánh giá là có vị trí chiến lược bởi liền kề sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sẽ dễ thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

Ông Tham Tuck Choy, Tổng giám đốc của Parkson Việt Nam, cho biết sẽ không dừng lại ở con số này mà sẽ tiếp tục đầu tư nhiều trung tâm mua sắm khác ở TPHCM, Hà Nội và một số thành phố lớn khác nhằm khai thác tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Chiến lược của Parkson là song hành cùng các nhà đầu tư bất động sản quy mô lớn của Việt Nam – những doanh nghiệp phát triển những tòa nhà văn phòng, nhà ở cao cấp quy mô lớn có kèm trung tâm thương mại.

Trong khi đó, tập đoàn bán lẻ Casino (Pháp), đồng thời cũng là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên có giấy phép kinh doanh lĩnh vực phân phối ở Việt Nam, vừa mở cửa khu mua sắm mới ngay siêu thị Big C Đồng Nai. Trung tâm mua sắm này nằm ngay ngã ba Vũng Tàu, được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân khu vực và du khách đi du lịch Vũng Tàu.

Đồng thời, Casino cũng chuẩn bị mở cửa siêu thị thứ tư của mình tại TPHCM, cũng là siêu thị thứ tám của tập đoàn trên toàn quốc. Siêu thị Big C thứ tư ở TPHCM đang được xây dựng ở cuối đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, ngay vòng xoay ngã năm - là một vị trí tốt theo đánh giá của giới kinh doanh bán lẻ.

Có thể nhận thấy, ngay từ khi đặt chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam, Casino đã chọn hướng đi cho các siêu thị của mình là phải phát triển tại khu vực cửa ngõ của các thành phố, tỉnh thành như siêu thị Big C Đồng Nai, Big C An Lạc - Bình Chánh….Ngoài lợi thế thu hút khách đến mua sắm, việc xây dựng siêu thị ngay cửa ngõ còn giúp Casino có được mặt bằng kinh doanh lớn, dễ quảng bá hình ảnh...

Một nhà phân phối quốc tế lớn khác đến từ Đức là Metro Cash & Carry cũng theo hướng đi này nhưng với quy mô khác. Chưa đầy năm năm đặt chân đến Việt Nam, Metro đã triển khai và đưa vào hoạt động tám trung tâm lớn tại TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng theo như giấy phép đầu tư.

Thương hiệu siêu thị Metro đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng tại các địa phương trên bởi diện tích kinh doanh của các trung tâm này không chỉ rộng lớn mà còn nằm ngay các cửa ngõ ra vào trung tâm.

Riêng ở TPHCM, Metro muốn mở trung tâm ở khu đô thị mới Nam Sài Gòn - cửa ngõ từ hướng miền Tây vào TPHCM. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng kinh doanh này của Metro chưa được chính quyền TPHCM chấp thuận. Theo các chuyên gia, Metro muốn đầu tư vào khu Nam Sài Gòn là để đón đầu hàng hóa nông sản từ các tỉnh ĐBSCL đổ về thành phố và Nam Sài Gòn là khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Theo các doanh nghiệp phân phối, bên cạnh kinh nghiệm quản lý, điều hành thì mặt bằng kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh bán lẻ. Do đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam đang chạy nước rút để dành về mình các vị trí đắt địa, trước khi các đối thủ mạnh trên thế giới như Wal-Mart, Tesco, Carrefour được vào thị trường này.

Tìm nhiều hướng chen chân

A.T Kearney, một công ty tư vấn của Mỹ, gần đây đã công bố một nghiên cứu gây bất ngờ cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước khi nâng hạng thị trường bán lẻ Việt Nam từ vị trí thứ tư lên vị trí dẫn đầu ở những thị trường mới nổi, khiến Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2008.

Các năm trước, thị trường Việt Nam luôn bị xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, bởi sức mua không lớn như các thị trường trên. Theo các chuyên gia của A.T. Kearney, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam hiện tăng mạnh với lực lượng mua sắm trẻ, hơn 65% dân số là dưới tuổi 35 - một độ tuổi có nhu cầu mua sắm cao.

Nhìn thấy sự tiềm năng từ thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chen chân vào sớm hơn lộ trình mở cửa, với nhiều hướng đi khác nhau.

Năm ngoái, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Tổng giám đốc Công ty Đông Hưng - chủ hệ thống siêu thị Citimart, kể rằng bà đã bị sốc khi nhận được hàng loạt điện thoại từ nhà cung cấp hàng hóa trong và ngoài nước bày tỏ sự lo ngại rằng Citimart sẽ không còn nữa.

Bởi khi đó, một trong những nhà phân phối hàng đầu châu Á là Giant South Asia Investment Pte., Ltd (trụ sở tại Singapore), thuộc tập đoàn Dairy Farm International Holding Limited (Bermuda) - là thành viên của Jardine Matheson Group, đã nhận được giấy phép phát triển kinh doanh tại Việt Nam mà những vị trí mở mặt bằng kinh doanh đều đặt tại các siêu thị hiện có của Citimart.

Bảy điểm kinh doanh tại TPHCM và Cần Thơ của Đông Hưng khi đó được Giant South Asia Investment điền vào đơn xin trình lên các cấp có thẩm quyền và đã được phê duyệt. Tuy nhiên, bà Hoa giải thích rằng bà chỉ thỏa thuận cho nhà đầu tư nước ngoài này thuê lại một vài mặt bằng trong thời gian ngắn hạn để kinh doanh. Đến nay, có ba điểm kinh doanh của Đông Hưng đã được Giant South Asia Investment thuê lại, và phía đối tác nước ngoài đã cải tạo các siêu thị Citimart thành Wellcome như hiện nay.

Bà Hoa đã bày tỏ sự tiếc nuối và cho rằng đây là quyết định sai lầm của bà trong việc nhượng mặt bằng kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp trong nước khác đang bươn chải để tìm vị trí mới.

Không chỉ Giant South Asia Investment chen chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam theo hướng thuê lại mặt bằng kinh doanh hiện có của các doanh nghiệp trong nước - những nơi vốn đã trở thành điểm mua sắm quen thuộc của người dân địa phương, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang đi theo lối đi này.

Cách đây hơn hai năm, khi chủ đầu tư siêu thị Miền Đông trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TPHCM có ý định rút lui, chuyển nhượng mặt bằng kinh doanh, ngay lập tức các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng nhanh chân nhảy vào, trong đó có Saigon Co.op. Cuối cùng phần thắng thuộc về nhà đầu tư nước ngoài là Big C. Hiện nay, siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ đã trở thành một siêu thị thu hút nhiều người dân của thành phố ở quận Tân Bình.

Trong khi đó, nhà kinh doanh cửa hàng đồng giá của Nhật là Daiso Japan, với hơn 2.700 cửa hàng đồng giá trên thế giới, cũng vừa bước chân vào thị trường Việt Nam qua việc nhượng quyền kinh doanh cho một đối tác Việt Nam là Công ty TNHH Trí Phúc tại TPHCM. Trí Phúc hiện là nhà đầu tư siêu thị miễn thuế Fuso ở cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Ngay sau khi được nhượng quyền từ Daiso, Trí Phúc đã cho khai trương một cửa hàng đồng giá đầu tiên tại siêu thị miễn thuế của mình tại Tây Ninh và sắp tới đây sẽ mở thêm ba cửa hàng đồng giá mới tại TPHCM và Hà Nội.

Năm ngoái, Công ty GR Vietnam Holdings Limited, thuộc tập đoàn Golden Resource Development International (Hồng Kông) cũng đã bắt tay với Công ty Lương thực TPHCM (Foocosa) để phát triển 500 cửa hàng tiện ích trong nước. Với kế hoạch này, hai bên sẽ thành lập một liên doanh có vốn điều lệ 11 triệu đô la Mỹ, trong đó Foocosa sẽ góp 51% vốn.

Dự kiến, 40 cửa hàng tiện ích đầu tiên của liên doanh giữa GR Vietnam và Foocosa sẽ ra đời trong năm nay, chủ yếu đặt ở những khu dân cư trên địa bàn TPHCM và các vùng lân cận. Trước mắt, liên doanh sẽ nâng cấp hơn 20 cửa hàng hiện hữu của Foocosa để nhanh chóng xâm nhập vào thị trường TPHCM.

Một số nhà phân phối nước ngoài lớn khác cũng đang chọn hướng đi liên kết với nhà đầu tư trong nước nhằm tận dụng lợi thế mặt bằng sẵn có của các doanh nghiệp địa phương để nhanh chóng có mặt tại thị trường Việt Nam như trường hợp Lotte của Hàn Quốc, MapleTree của Singapore.

Thị trường bán lẻ Việt Nam với doanh số ước tính đạt 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010, đang trở thành một thị trường màu mỡ đối với các nhà đầu tư nuớc ngoài.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường