Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người đưa gấc ra thế giới
08 | 08 | 2008
Bằng tấm lòng của người thầy thuốc, bác sĩ, niềm đam mê của nhà khoa học, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) ở 184 Âu Cơ (Tây Hồ - Hà Nội), đã nghiên cứu và chế tạo thành công các sản phẩm chiết xuất từ quả gấc. Không những thế, ông còn góp phần quảng bá gấc Việt Nam với bạn bè quốc tế...
Nặng tình với đồng đội

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Sóc Sơn (Hà Nội), tuổi thơ của ông gắn liền với sắn và khoai. Cái đói ngấm vào da thịt nên ông luôn nung nấu ước mơ một ngày nào đó mình phải thật giàu để bù lại những năm tháng khốn khó. Cuối những năm 1970, chiến tranh biên giới nổ ra, ông hăng hái lên đường ra trận. Những ngày chinh chiến, chứng kiến cảnh nhiều đồng đội đã ngã xuống, có người ngày đêm bị vết thương hành hạ, ông rất đau lòng. Cho đến mãi sau này, ký ức chiến tranh vẫn luôn ám ảnh ông.

Day dứt bởi nỗi đau mà đồng đội phải chịu đựng, ông Suất nung nấu một suy nghĩ: “Mình đã may mắn hơn đồng đội rất nhiều, vì thế phải làm sao để bù đắp một phần sự hy sinh, xoa dịu vết thương cho họ. Muốn giúp họ, cách duy nhất là trở thành bác sĩ”. Sau thời gian miệt mài đèn sách, ước mơ cũng trở thành hiện thực khi ông thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. “Nhận được giấy báo trúng tuyển, tôi đã khóc vì sung sướng và tự hứa với mình sẽ trở thành bác sĩ giỏi”, ông nhớ lại.

Tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu, ông Suất nhận công tác tại Bệnh viện Quân y 108. “Đây là quãng thời gian không thể nào quên đối với tôi. Những năm tháng gần gũi, chứng kiến nỗi đau cả thể xác và tinh thần của bệnh nhân, tôi mới thấm thía sự ác liệt của chiến tranh, tình trạng lạc hậu của nền y học nước nhà và cả sự cùng cực của nhiều gia đình bệnh nhân”, ông nói. Suốt thời gian công tác ở Bệnh viện 108, ông may mắn được tham gia đề tài cấp nhà nước về nghiên cứu thuốc điều trị bệnh ung thư do chất độc hoá học dioxin gây ra.

Để chữa trị căn bệnh quái ác này, các nhà khoa học khuyên người bệnh nên sử dụng vitamin A. Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều lại có tác dụng phụ, vì thế, họ đưa ra lời khuyên nên dùng Beta Caroten, chiết xuất từ cà rốt nhưng giá thành rất cao.

Trong khi đó, sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Việt Nam đã chứng minh được rằng, chiết xuất từ quả gấc có thể hỗ trợ điều trị ung thư, bởi các hợp chất Beta Caroten, Lycopen, vitamin E trong dầu gấc có khả năng vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú. Quả gấc chứa Beta Caroten cao gấp 15 lần cà rốt và 68 lần cà chua. Được tiếp xúc với công trình nghiên cứu nổi tiếng là cơ hội để ông Suất đến với gấc. Lúc đầu, ông còn nghi ngờ hiệu quả mà nó mang lại. Thế nhưng, càng nghiên cứu, ông càng không ngờ, thứ quả dân dã ấy lại có tác dụng lớn đến vậy.

“Nước ta còn nghèo, thuốc ngoại nhập quá đắt trong khi gấc lại sẵn có. Tại sao không sử dụng chính những loại thuốc sẵn có này?”, ông trăn trở. Khi đem thử nghiệm, kết quả thật bất ngờ vì sức khoẻ bệnh nhân tiến triển rất nhanh. Khi đạt được thành công nhất định trong việc chiết xuất dược phẩm từ gấc, ông lại nung nấu ước mơ biến gấc thành những sản phẩm thương mại. Từ ý nghĩ đó, ông quyết định kinh doanh gấc, đi gõ cửa nhiều nơi với mong muốn được hợp tác để sản xuất nhưng ai cũng lắc đầu bởi số tiền bỏ ra mua máy móc lên tới hàng tỷ đồng, trong khi gấc chỉ chín trong khoảng 3 tháng, thời gian còn lại máy... đắp chiếu. Không nản, ông tìm đến bạn bè, đồng đội vay mượn. “Tôi trình bày ý định của mình, anh em ủng hộ ngay. Sau này, khi tôi mang tiền trả, họ mới bảo vì thương nên cho vay chứ không nghĩ tôi sẽ thành công, càng không nghĩ tôi trả được nợ”, ông kể. Sau những thành công bước đầu, ông mạnh dạn thành lập Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam với dây chuyền sản xuất lên tới 5.000 tấn quả/năm. Hiện, Công ty có nhiều sản phẩm được chiết xuất từ gấc như dầu gấc, viên nang gấc...

Nhà khoa học của nông dân

Tạo việc làm lúc nông
nhàn cho bà con.

Theo ông Suất, gấc là cây dễ trồng, từ bờ tường, hàng rào đến vườn xen canh..., đều phát triển tốt. Điều đặc biệt, gấc còn là thực phẩm an toàn, trồng 1 lần có thể thu hoạch tới 15 năm. Vì vậy, việc “tuyên truyền” để bà con trồng gấc gặp nhiều thuận lợi. “Tôi luôn mong muốn khi mình kiếm được nhiều tiền thì nông dân trồng gấc cũng có của ăn của để. Như vậy, VNPOFOOD mới phát triển bền vững được”, ông tâm sự. Với suy nghĩ này, nơi nào ông Suất đi qua đều mọc lên những giàn gấc xanh um, trĩu quả. Hiện, VNPOFOOD đã mở rộng vùng nguyên liệu đến mười tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Bắc Bộ, lên cả trung du và miền núi, thậm chí “len lỏi” vào cả trại giam. Những địa phương có diện tích gấc lớn như Hải Dương (30ha), Hải Phòng (20ha), Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La...

Không chỉ giúp nông dân tận dụng đất đai để trồng gấc, VNPOFOOD còn hướng dẫn cách sơ chế sản phẩm dầu gấc. Quá trình sơ chế không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần cẩn thận, sạch sẽ. Trước hết, bà con chọn quả gấc to, đẹp, bổ đôi, lựa lấy ruột, sau đó đem đi sấy rồi đóng gói sản phẩm bán lại cho Công ty. Bà con còn được thuê làm các công việc khác như đóng gói, thu mua... Chị Mai Thị Yến ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết, nhờ tham gia thu mua và sơ chế gấc, vợ chồng đã tiết kiệm được gần 20 triệu đồng/năm; thậm chí, nhiều nông dân đứng ra làm đại lý thu mua và chế biến cho VNPFOOD có doanh thu vài tỷ đồng/năm.

Đưa gấc xuất ngoại

Ông Suất (giữa) với khách
hàng nước ngoài.

Trong thời gian tham gia nghiên cứu về công dụng của gấc, ông Suất được tiếp xúc với Courtney Norris, nhà khoa học người Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu, tìm hiểu những loại thuốc điều trị bệnh ung thư do dioxin gây ra. Courtney Norris khuyên ông Suất nên đầu tư vào gấc bởi nó có tác dụng rất tích cực với người bị ảnh hưởng của chất độc dioxin. “Courtney Norris nói với tôi, người nước ngoài vẫn gọi gấc là loại quả đến từ thiên đường (fruit from heaven). Lâu nay, họ cất công đi tìm, trong khi Việt Nam sẵn có nhưng mọi người lại không biết tận dụng. Được sự động viên của Courtney Norris, tôi bắt tay vào làm. Khi mẻ thuốc đầu tiên ra lò, chính Courtney Norris là khách “mở hàng” để mang về (Hoa Kỳ), sau đó, liên tiếp các đơn đặt hàng từ nước ngoài đã được ký kết. Cũng từ đó, gấc Việt Nam bắt đầu có thương hiệu”, ông Suất tâm sự. Trước khi chia tay, ông nói với chúng tôi: “Làm kinh doanh phải có cái đầu. Thời hội nhập nếu chỉ biết làm ăn riêng lẻ thì rất dễ tụt hậu. Vì vậy, phải mở rộng giao lưu, giới thiệu để bạn bè quốc tế biết tới. Gấc là thứ quả quý, do người Việt trồng, không có lý gì mà chúng ta không phát triển nó”.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường