Trong khoảng 2 năm trở lại đây, một số doanh nghiệp chế biến kinh doanh gạo ở Cần Thơ đã quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng gạo, đầu tư mẫu mã bao bì, thiết lập kênh phân phối để phát triển thương hiệu trên thị trường nội địa.
Trong số này, Công ty Lương thực Sông Hậu (Song Hau Food) và Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Gentraco) là những doanh nghiệp ở tốp dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu gạo. Hai doanh nghiệp này đã không ngừng đầu tư thay đổi công nghệ chế biến và xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo chất lượng cao để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Đối với thị trường nội địa, 2 doanh nghiệp trên cũng chăm chút hơn từ khâu đóng gói các loại gạo thơm đặc sản, gạo chất lượng cao vào các bao nhỏ (dưới 10 kg) để cung ứng cho hệ thống các siêu thị trong nước. Đến nay, nhiều loại gạo mang thương hiệu Gentraco và Song Hau Food đang được tiêu thụ tại nhiều siêu thị trong cả nước. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Gentraco, cho biết: Công ty không còn “lo” nhiều đến sản lượng gạo xuất khẩu mà chỉ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng gạo để cùng lúc thực hiện 2 mục tiêu là tham gia xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính và cung cấp gạo cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước.
Các loại gạo thơm đặc sản của Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ bước đầu cũng đã được nhiều người tiêu dùng ở TP Cần Thơ và khách vãng lai tìm mua. Ngoài ra, các loại gạo thơm của đơn vị này cũng được tiêu thụ tại một số nhà hàng, quán ăn cao cấp ở TP Cần Thơ, như: Nhà hàng Thái Bình Dương, Nhà hàng Tây Đô, Hội quán Nam Bộ, các quán Phố Nhớ, Sáu Đời 1, Sáu Đời 2... Hiện nay, trung bình mỗi ngày, 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ tại TP Cần Thơ tiêu thụ khoảng 50 tấn gạo thơm các loại. Ông Hồ Minh Khải, Phó Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, nói: “Do các qui định của Nhà nước về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng gạo ở thị trường nội địa là 5%, doanh nghiệp chúng tôi và các doanh nghiệp thực hiện sổ sách kế toán theo các qui định hiện hành khó cạnh tranh với các cửa hàng, điểm bán gạo lẻ đang chịu thuế khoán. Tuy vậy, chúng tôi luôn phấn đấu ổn định chất lượng các loại gạo thơm do công ty sản xuất để đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng với giá cao”.
Về vấn đề tiêu thụ gạo tại siêu thị, ông Chung Quốc Việt, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại Vinatex Cần Thơ, cho rằng: Các siêu thị đều luôn mong muốn có được các sản phẩm tốt nhất để phục vụ và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, ở ĐBSCL có rất ít nhà cung cấp gạo thực hiện giám sát nghiêm ngặt xuyên suốt qui trình sản xuất lúa và ứng dụng công nghệ chế biến tốt... Ông Chung Quốc Việt nói: “Chúng tôi rất băn khoăn vì vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa được quan tâm. Dù nước ta đã có những bài học đắt giá về sự kiện nước tương có chứa chất 3-MPCD vượt mức cho phép, thủy sản có dư lượng kháng sinh bị các nước nhập khẩu từ chối...”. Còn ông Phạm Văn Quang, bếp trưởng của Khách sạn Victoria Châu Đốc, tự tin cho rằng: “Cơm ta có đủ khả năng góp mặt tại các nhà hàng của Tây. Nhưng để làm được điều này, trước hết phải có gạo ngon và người đầu bếp phải biết sử dụng các màu và mùi thực vật (lá dứa, lá cẩm, trái gấc...) để tạo ra những bát cơm với nét đặc sắc riêng. Khi đó, không chỉ có mặt trong các nhà hàng Tây ở Việt Nam mà hạt gạo của ta còn có đủ khả năng để có mặt tại nhiều nhà hàng ở nước ngoài”.
Từ những vấn đề đặt ra cho thấy, hạt gạo của vùng ĐBSCL có nhiều triển vọng ở thị trường gạo cao cấp nội địa và thế giới. Tuy nhiên, để hạt gạo của vùng ĐBSCL không ngừng vươn xa, rất cần có sự góp sức của các nhà khoa học, nhà quản lý và cả cộng đồng trong việc ổn định chất lượng và bảo đảm độ an toàn của hạt gạo vùng ĐBSCL.