Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhu cầu lớn, lúa gạo dự báo sẽ còn tăng giá
05 | 08 | 2011
Tín hiệu thị trường gạo các tháng cuối năm đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nông dân bán lúa giá cao. Trong cuộc họp sáng 5.8, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhận định: vài tháng tới, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước châu Á là rất lớn, chắc chắn giá lúa hè thu và vụ ba năm nay còn tiếp tục tăng…

Tình hình Thái Lan tác động giá gạo

Nông dân trồng lúa các tỉnh ĐBSCL đang thu lợi nhuận khá cao, giá lúa hè thu đạt trung bình xấp xỉ 7.000 đồng/kg, trong khi giá thành chưa tới 3.800 đồng. Sở dĩ giá lúa gạo vụ này tăng cao, là do một mặt doanh nghiệp có nhu cầu mua nguyên liệu xuất khẩu, mặt khác, giá các hợp đồng bán gạo cũng khá cao và đặc biệt là yếu tố chi phối từ Thái Lan. Trong tháng 7, VFA thống kê đơn giá xuất khẩu mỗi tấn gạo cao hơn 60-70 USD so với tháng 6; còn tính chung 7 tháng, giá xuất bình quân FOB đạt 473,37 USD/tấn, tăng 35,11 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2010.

Giá lúa gạo từ nay đến cuối năm, theo nhiều ý kiến, sẽ tiếp tục đứng vững ở mức cao và nhiều khả năng còn tăng tiếp. Bởi thị trường thế giới trong các tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, ảnh hưởng tâm lý từ chính sách nâng giá lúa thế chấp của chính phủ mới tại Thái Lan đã làm tăng giá lúa gạo và tạo khan hiếm giả tạo tại nước này, do các nhà cung cấp đầu cơ tích trữ chờ bán giá cao khi chính phủ áp dụng chính sách mới, trong khi người tiêu dùng cũng mua dự trữ do sợ giá gạo tăng cao. Điều này tác động không nhỏ đến mặt bằng chung giá gạo thế giới và Việt Nam. Dự báo ít nhất là trong ngắn hạn, do cung cấp trong nước bị kiềm chế nên xuất khẩu gạo Thái bị chậm lại và không đáp ứng nhu cầu của thị trường, là yếu tố tác động mạnh trên thị trường gạo thế giới. Tác động sẽ lên đến đỉnh khi chính phủ mới thực hiện chính sách tăng giá lúa quá cao như cam kết khi vận động bầu cử trong tháng 6 vừa qua. Nếu áp dụng chính sách mới (tức 15.000 baht/tấn lúa thường) thì theo tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, dự kiến giá gạo trắng Thái Lan sẽ tăng lên mức 850 USD/tấn, gạo thơm sẽ tăng lên 1.400 USD/tấn.

Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA phân tích: do Thái Lan là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nên sẽ có hai kịch bản. Nhà nhập khẩu phải chấp nhận giá cao để mua được hàng hoặc Thái Lan sẽ không bán được gạo với giá cao, phải giữ tồn kho, làm hạn chế nguồn cung cấp trên thị trường thế giới. Cả hai kịch bản này, đều thúc đẩy giá gạo tăng vượt mức, các bên tham gia thị trường có lẽ phải nín thở để chờ xem diễn biến sắp tới tại Thái Lan như thế nào. Một số nhà xuất khẩu gạo tại Thái Lan đã tìm nguồn cung cấp khác, gồm có Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng truyền thống.

“Nhiều doanh nghiệp Thái sang Việt Nam mua gạo thơm Jasmine để xuất sang Trung Quốc”, ông Huệ khẳng định. Và tất nhiên, theo ông, giá xuất sẽ cao hơn nhiều lần do họ đóng bao lấy thương hiệu gạo Thái.

Bên cạnh tác động của yếu tố Thái Lan, thị trường lúa gạo tại Mỹ cũng góp phần làm tăng giá, do diện tích sản xuất niên vụ 2011-2012 thu hẹp đến 30% và dự kiến giảm sản lượng từ 1,5- 2 triệu tấn gạo, làm giảm mạnh lượng gạo xuất khẩu của nước này và hạn chế cung cấp trên thị trường thế giới. Hiện nay, giá gạo hạt dài của Mỹ đã lên đến 600 USD/tấn gạo cũ và 650 USD/tấn gạo vụ mới, vượt qua giá gạo 100% loại B của Thái đang ở mức 560 USD/tấn.

Nhu cầu lớn, giá lúa gạo còn tăng

7 tháng đầu năm, bên cạnh việc tăng sản lượng 16,7% (4,6 triệu tấn), giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng cao hơn cùng kỳ hơn 26% (đạt 2,18 tỷ USD). So với hợp đồng đã ký khoảng 6,1 triệu tấn, lượng gạo chưa xuất khẩu phải giao còn lại từ tháng 8 trở đi còn hơn 1,5 triệu tấn.

Do mặt bằng giá gạo Thái Lan đang tăng cao, dự báo trong dài hạn, ít nhất là đến quý 1.2012, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn còn rất lớn, trong đó yếu tố châu Á dự kiến sẽ có nhiều đột biến chi phối toàn bộ. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho biết, vừa qua chính phủ Indonesia chính thức công bố nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, tháng 7 vừa qua họ mua của Việt Nam 500.000 tấn, số còn lại 1,1 triệu tấn dự kiến mua từ nay đến tháng 1.2012.

“Có hai thị trường được nhắm đến, đó là Thái Lan và Việt Nam. Do giá gạo Thái Lan đang quá cao, nếu đàm phán thành công thì Indonesia chỉ mua một phần gạo loại 5%, còn lại phải lấy của Việt Nam giá rẻ hơn”, ông Phong phân tích.

Ngoài Indonesia, tín hiệu nhập thêm gạo của Philippines, Malaysia, Bangladesh cũng đang khá rõ. Công bố của cơ quan lương thực quốc gia Philippines mới đây có nhắc đến lượng gạo tồn kho của nước này chỉ đủ tiêu dùng nội địa đến hết tháng 9. Trong trường hợp thiên tai, mưa bão thì chắc chắn họ phải tính đến việc mua gạo. Thực tế, năm nay Philippines thông báo chỉ mua 860.000 tấn gạo, nhưng đến nay riêng Việt Nam bán cho nước này cao hơn con số này, chưa kể mua của Thái Lan thêm 200.000 tấn.

Hiện nay, các tỉnh thu hoạch trên 80% diện tích lúa hè thu, trong khi lúa vụ ba dự kiến có khoảng 700.000 ha. Ông Trương Thanh Phong cho rằng, nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới các tháng cuối năm nay sẽ cho phép chúng ta tiêu thụ hết gạo hàng hóa.

“Đặc điểm mùa vụ năm nay là nông dân thu hoạch rất nhanh, lúa hàng hóa tiêu thụ chóng vánh, giá có nhiều biến động và có tính cạnh tranh thu mua từ nhiều đối tượng chứ không riêng doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phong nói. Do đó, theo ông, doanh nghiệp xuất khẩu phải hết sức thận trọng, cân nhắc giá bán và chỉ nên ký hợp đồng khi đã có chân hàng trong kho, vì dự báo giá xuất khẩu và nội địa sẽ tăng chứ không giảm.

“Điều hành xuất khẩu gạo các tháng cuối năm diễn ra bình thường, VFA không có chủ trương kìm giá lúa gạo mà để thị trường quyết định”, ông Phong nói thêm, đồng thời khẳng định doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ lượng gạo trong kho để phòng ngừa xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm trên thị trường.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường