Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sang châu Phi đầu tư trồng lúa
04 | 08 | 2011
Cách nay năm năm, bà Từ Thanh Hương, một Việt kiều Đức thuê 110ha đất nông nghiệp ở nước Cộng hoà Sierra Leone làm trang trại trồng lúa. Nhận thấy tiềm năng phát triển sản xuất lúa nước ở đây có thể tạo ra sản lượng lớn gạo xuất khẩu, người phụ nữ này đứng ra làm đầu mối cho bộ Nông nghiệp, ngư nghiệp và an ninh lương thực Sierra Leone sang làm việc với bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cũng như tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư nông nghiệp.

Sau một tuần trải nghiệm tại vùng lúa đồng bằng sông Cửu Long, ông Alie Badara Mansaray, thứ trưởng bộ Nông nghiệp, ngư nghiệp và an ninh lương thực Cộng hoà Sierra Leone, đã phải thốt lên: “Chúng tôi muốn hợp tác mọi thứ về sản xuất lúa...”

Từ thuê đất trồng lúa

Bà Hương nhận định: “Thổ nhưỡng, khí hậu ở Sierra Leone giống như đồng bằng Nam bộ Việt Nam, một năm có hai mùa khô và mưa kéo dài trong vòng tám tháng, nhiệt độ dưới 300C, lượng mưa có thể lên đến 495mm… khá thuận lợi trồng lúa nước”. Bà Hương nhận ra tiềm năng này trong một chuyến công tác tại Sierra Leone vào năm 2000 và qua giới thiệu, đến năm 2006 đã quyết định thuê 110ha đất nông nghiệp trong vòng 60 năm để trồng lúa: “Chúng tôi dựa trên cơ sở hạ tầng thuỷ lợi sẵn có rồi đầu tư thêm một số hạng mục để sản xuất lúa giống bán lại cho người dân địa phương”.

Diện tích đất nông nghiệp của Sierra Leone khoảng 5 triệu ha, nhưng cũng giống như các nước Tây Phi khác, hạ tầng thuỷ lợi ít được quan tâm. GS.TS Võ Tòng Xuân, người đã hợp tác với công ty Long Dân, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mặt hàng nông sản có trụ sở tại TP.HCM, từng có thời gian trồng lúa tại Sierra Leone, nói rằng triển vọng đầu tư trồng lúa ở đây là rất lớn. Các cánh đồng đất cát pha rộng lớn tới vài chục, thậm chí là hàng trăm hecta. Theo GS Xuân, chỉ cần cải tạo lại, bón phân hữu cơ, cải tạo hệ thống kênh dẫn nước từ sông vào là có thể trồng được mỗi năm hai vụ lúa ngắn ngày. Năm 2006, sau một năm rưỡi thử nghiệm, với số vốn bỏ ra 150.000 USD, công ty Long Dân và nhóm chuyên gia do GS Xuân dẫn đầu đã thu được kết quả khá tốt. Năng suất lúa (giống lúa ngắn ngày đem từ đồng bằng sông Cửu Long qua) đạt 4,8 – 5,2 tấn/ha trong vòng 105 ngày, so với giống lúa địa phương trên 140 ngày mà năng suất dưới 3 tấn/ha.

Sau Sierra Leone, nhóm chuyên viên của GS Xuân còn chuyển sang giúp cho Nigeria tại bang Enugu. Kết quả thử nghiệm giống lúa ngắn ngày ở đây vẫn rất tốt, nhưng tiền đầu tư thủy lợi làm giá thành cao nên không còn lợi nhuận. Người dân Sierra Leone và các quốc gia Phi châu đang phải mua gạo với mức giá khoảng 2 USD/kg. Với dân số khoảng trên 5 triệu người, diện tích đất nông nghiệp được đánh giá phong phú, phù hợp phát triển cây lúa nước và một số cây công nghiệp ngắn ngày, nhưng chỉ vì thiếu đầu tư thuỷ lợi, cây trồng chủ yếu dựa vào nước trời, nên mỗi năm Sierra Leone vẫn phải nhập khẩu khoảng 200.000 tấn gạo trong tổng số nhu cầu 600.000 tấn.

 

Hồi tháng 6.2011, bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Sierra Leone, Richard Konteh, đã ký kết bản ghi nhớ giữa hai bộ về thương mại gạo, nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại mặt hàng gạo của Việt Nam. Năm 2009, Sierra Leone nhập khẩu trên 23.000 tấn gạo Việt Nam, trị giá 17,5 triệu USD. Năm 2010 là 14.000 tấn, trị giá 8,04 triệu USD. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang Sierra Leone có ý nghĩa lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi, khu vực nhập khẩu 1/4 lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

Hai năm sống ở châu Phi, đi nhiều nước để tham quan, PGS.TS Dương Văn Chín, phó viện trưởng viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nhận định việc hợp tác nông nghiệp, cụ thể là trồng lương thực ở châu Phi là có khả năng thực hiện bởi điều kiện tự nhiên phù hợp, lúa lên đẹp. Ông cho rằng: “Uy tín lúa gạo của Việt Nam trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi cao lắm. Có một số nước “chịu chơi” như Xu Đăng bỏ ra 10 triệu USD để phát triển lúa và cây khác, mình đang cử chuyên gia qua đó hợp tác”.

Là người từng trải nghiệm, bà Hương cho rằng, nếu khai thác hết diện tích đất canh tác, sản lượng sẽ không dừng ở việc đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia Tây Phi khác, vốn đang có nhu cầu rất lớn (16 nước thuộc khu vực Tây Phi, khoảng 200 triệu người dân).

Đến hợp tác ba bên

“Vì những vấn đề bất an về lương thực toàn cầu hiện nay mà chúng tôi đang đi gõ cửa những nước như Việt Nam, tìm hỗ trợ để chúng tôi có thể tăng sản lượng”, ông Alie Badara Mansaray, thứ trưởng bộ Nông nghiệp, ngư nghiệp và an ninh lương thực cộng hoà Sierra Leone cho hay. Vị này tỏ ý rất khâm phục kỹ thuật trồng lúa nước 2 – 3 vụ/năm của nông dân đồng bằng sông Cửu Long sau khi đã được tận mắt chứng kiến.

Tuy nhiên việc đưa lúa sang trồng ở châu Phi không hề đơn giản. Ông Chín cho biết thực tế, việc qua Sierra Leone trồng lúa đã tiến hành từ mấy năm nay rồi: “Việt Nam có lập công ty Hữu Nghị, đưa khoa học kỹ thuật, nhân lực, tài chính qua để đầu tư, sản xuất lúa tại Sierra Leone nhưng khi công ty lập kế hoạch để vay tiền Nhà nước thì Nhà nước nói không có tiền, dự án ách tắc mấy năm nay”. Ông cho biết phía Việt Nam muốn giúp nhưng chỉ có thể chuyển giao kỹ thuật và giống, chia sẻ kinh nghiệm còn kinh phí thì khó khăn. Ngay cả những dự án của GS Xuân trước đó, dù đang phát triển tốt, nhưng lại phải bỏ dở vì không đủ tiền đầu tư: “Chính quyền địa phương không bỏ tiền đầu tư làm thuỷ lợi. Đây là khó khăn lớn nhất trong sản xuất lúa của các quốc gia Phi châu nói chung”, GS Xuân nói.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Alie Badara Mansaray cho biết, đã có giống lúa được mang từ đồng bằng sông Cửu Long sang Sierra Leone trồng và giống này phát triển tốt, nhưng việc đầu tư chưa được mở rộng do chính sách đầu tư hạ tầng thuỷ lợi chưa có. Ông Alie Badara Mansaray cam kết Chính phủ Sierra Leone sẽ có những chính sách hỗ trợ về kinh phí phát triển thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng. Việc quan trọng nhất là thành lập các liên doanh giữa Việt Nam và Sierra Leone để cùng khai thác thị trường tiềm năng và sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu cho các nước Tây Phi, châu Phi và các thị trường khác như châu Âu.

Ông Chín cho rằng muốn đầu tư phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả thì phải có sự hợp tác ba bên: “Trong thời gian sắp tới, khả năng dự án có thể khởi động được vì Ai Cập hứa sẽ giúp về mặt tài chính. Hình thức hợp tác là: Sierra Leone có tài nguyên và nhân lực, Việt Nam cung cấp chuyên gia cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, còn nguồn tài chính từ Ai Cập. Khi đó, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ soạn dự án chi tiết. Khi có kinh phí sẽ hoạch định chi tiết làm như thế nào, trong mấy năm, cử bao nhiêu chuyên gia sang, máy móc, trồng cây gì ưu tiên…”

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường