Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Thách thức lớn!
20 | 09 | 2007
Hạt gạo Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đã có mặt trên các thị trường lớn ở Đông Nam Á và những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản; ngoài ra, sản phẩm gạo của Việt Nam cũng có khả năng sẽ vươn tới một số thị trường tiềm năng của châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng, bước đi của hạt gạo sẽ không ổn định nếu không xây dựng một kế hoạch phát triển và tạo dựng thương hiệu sản phẩm có hiệu quả trên thị trường quốc tế.

Sản xuất còn nhỏ lẻ

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hàng năm cung cấp trên 51% sản lượng lúa và khoảng 80-90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Với sản lượng lúa sản xuất lớn nhất của cả nước nên mức sống của nông dân được nâng lên trong những năm gần đây

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển thuộc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: “Trong những năm qua, sản xuất lúa gạo của ĐBSCL đã có nhiều đổi mới, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá thành còn cao và giá trị gia tăng thấp. Mặc dù mỗi năm ĐBSCL sản xuất ra gần 20 triệu tấn lúa, xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, góp phần đưa Việt Nam lên vị thế của một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Song, điều làm cho chúng ta băn khoăn là hiện nay cuộc sống của người nông dân vẫn còn thấp, thu nhập và tăng trưởng của ngành này vẫn còn nhiều khó khăn”. Lý giải cho vấn đề này, tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân làm cho cuộc sống của người nông dân còn khó khăn. Nhưng, một vấn đề quan trọng được đặt ra là việc quản lý chuỗi cung ứng gạo cũng như tính toán chuỗi giá trị gạo khu vực ĐBSCL còn nhiều hạn chế, nên giá thành và chất lượng hạt gạo làm ra còn kém sức cạnh tranh, chưa có nhãn hiệu cạnh tranh cao như gạo Thái Lan.

Đặc biệt, trong đó những hoạt động trong chuỗi cung ứng như nhà cung ứng đầu vào, người sản xuất, chế biến, phân phối, tiếp thị và tiêu dùng chưa thật sự gắn kết với nhau để xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm chất lượng ổn định, uy tín trên thị trường. Đây chính là thách thức lớn trong sản xuất và xuất khẩu gạo ra nước ngoài cũng như gạo nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập WTO.

Thực tế, trong những năm gần đây khi lúa thu hoạch rộ mùa đều rơi vào tình trạng rớt giá. Điều này chứng tỏ mối liên kết giữa người sản xuất và hệ thống phân phối chưa gắn kết với nhau. Bên cạnh đó, ở các khâu sản xuất, chế biến và kinh doanh lúa gạo còn nhiều hạn chế.

Ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, nhận xét: “Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế, đó là sản xuất theo quy mô nhỏ, tự phát, một cánh đồng trồng nhiều loại giống. Các chi phí dùng cho sấy, tồn trữ, xay xát và chế biến lúa gạo còn thấp, khoảng 7%/tổng giá trị sản xuất; các phụ phẩm trấu, cám, tấm chưa được quan tâm chế biến thành sản phẩm cao cấp như trích ly và tinh luyện dầu cám, sử dụng trấu cho nhà máy điện trấu, bêtông nhẹ...

Chất lượng gạo chưa ổn định dẫn đến giá bán ra thị trường xuất khẩu thấp, đặc biệt là gạo của chúng ta luôn bán thấp hơn gạo Thái Lan xuất khẩu cùng loại từ 30-40 USD/tấn; gạo chất lượng cao xuất khẩu còn thấp...”.

Không chỉ trên thị trường thế giới, hạt gạo Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trong nước; nhất là tại các thành phố lớn, vẫn có mặt gạo Thái Lan. Những lợi thế về chi phí lao động thấp đang dần mất đi trong quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, bên cạnh các yếu tố về đảm bảo chất lượng, giá cả, mẫu mã, kênh phân phối... cần phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

Để hạt gạo “bay cao”!

Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao khả năng cạnh tranh, gạo ĐBSCL nói riêng, gạo Việt Nam nói chung cần chú trọng cả hai vấn đề: giá và chất lượng.

Để làm được điều này, ngay từ khâu thu hoạch phải được làm tốt, chú trọng đầu tư cho khâu chế biến và công nghiệp chế biến để giảm tỷ lệ tổn thất (hiện nay tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nước ta là 13-16%, Thái Lan khoảng 7-10%), nâng cao chất lượng gạo ở Việt Nam (80% tổng lượng lúa được xay xát tại các cơ sở nhỏ không được trang bị đồng bộ về sân phơi, sấy và kho chứa, trong khi đó đối với Thái Lan có trên 90% là nhà máy quy mô lớn, được trang bị đồng bộ, nên chất lượng gạo cao hơn).

Một vấn đề nữa là mặc dù Việt Nam nước xuất khẩu gạo lớn, nhưng chưa có thương hiệu, nhóm thương hiệu gạo nổi tiếng hoặc đặc trưng cho gạo Việt Nam, trong khi các thương hiệu gạo “Hương nhài - Jasmine”, gạo Basmati được gắn liền với các quốc gia sản xuất là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan trên thị trường thế giới. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng phát triển thị trường, rất cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Làm gì để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo? Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Song song với việc đầu tư sản xuất, tạo giống nhằm cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao, các doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho hạt gạo để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Muốn thực hiện điều này, doanh nghiệp cần tổ chức các hoạt động thường xuyên dựa trên các thành tố tạo nên giá trị của thương hiệu như: đầu tư sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm, xây dựng chiến lược marketing phù hợp, thường xuyên tổ chức nắm tình hình thị trường, nghiên cứu thị trường, xây dựng chính sách bán hàng và mạng lưới phân phối. Về quản lý thương hiệu phải đảm bảo thế “kiềng ba chân” bằng các hoạt động: Luôn giữ vững bản sắc thương hiệu, lập hồ sơ quản lý để đảm bảo tính nhất quán, xuyên suốt trong quá trình xây dựng thương hiệu, cử cán bộ chuyên trách về thương hiệu...”.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thương hiệu cho hạt gạo cũng như đầu tư sản xuất, đảm bảo chất lượng bao giờ cũng cần sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, thương lái, tiêu dùng... Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển thuộc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường đại học Cần Thơ), cho biết: “Sản xuất một sản phẩm bao gồm những hoạt động kết nối với nhau nhằm mục đích tăng giá trị của sản phẩm đó.

Và những hoạt động đó cùng tạo thành chuỗi giá trị của sản phẩm. Đó là những hoạt động trong chuỗi cung ứng bao gồm hoạt động cung ứng đầu vào, sản xuất, chế biến, phân phối, tiếp thị và tiêu dùng”.

Còn ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho rằng: “Để có được thương hiệu gạo đủ sức cạnh tranh, có uy tín trên thị trường, chúng ta cần tạo sự gắn kết 4 nhà bằng cách xây dựng công ty cổ phần, gồm các cổ đông là nhà nông, nhà chế biến, nhà đầu tư kinh doanh, nhà khoa học. Công ty cổ phần này nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh lúa gạo chất lượng cao và xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm tạo ra “bay cao” trên thị trường”.

“Trong thời kỳ hội nhập WTO, thương hiệu là tài sản vô hình quan trọng, là “vũ khí “ cạnh tranh bên cạnh các yếu tố khác như chất lượng sản phẩm, giá cả, mẫu mã, kênh phân phối. Chúng ta bỏ qua việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là tự mình từ bỏ một tiềm lực lớn trong nền kinh tế hội nhập “- Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khẳng định.



Theo baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường