Tiếp tục xuất khẩu tốt gạo thơm sang thị trường châu Phi và những hợp đồng mới với Philippines từ cuối tháng 8 đã giúp xuất khẩu gạo Việt Nam khôi phục nhẹ, mặc dù còn nhiều thách thức. Các thách thức bao gồm việc các nhà chức trách quyết định ngừng xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ do hàng loạt các lô hàng gạo từ Việt Nam bị Mỹ từ chối do vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Xuất khẩu gạo qua biên giới cũng giảm. Sự kết hợp giữa diễn biến tỷ giá bất lợi và tăng cường giám sát biên giới với Trung Quốc đã khiến xuất khẩu gạo tiêu ngạch của Việt Nam giảm xuống còn 900.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2016, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2015.
Dự báo xuất khẩu của Ấn Độ cũng giảm với lượng xuất khẩu năm 2016 dự báo giảm xuống còn 10 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2015. Nguyên nhân giảm là do xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang các thị trường truyền thống tại châu Á, như Bangladesh, Sri Lanka và Saudi Arabia giảm, cùng với nguồn cung khả dụng xuất khẩu của Ấn Độ giảm sau 2 năm liên tiếp mất mùa do hạn hán. Trong khi đó, xuất khẩu gạo trắng và gạo đồ của Ấn Độ sang thị trường châu Phi tương đối thuận lợi nhờ giá cả cạnh tranh. Tính đến tháng 7, xuất khẩu gạo trắng và gạo đồ Ấn Độ sang thị trường châu Phi đã tăng 10% lên 2,8 triệu tấn.
Cũng chung tình trạng với Việt Nam, xuất khẩu gạo của Myanmar bị ảnh hưởng tiêu cực do Trung Quốc nỗ lực kiểm soát nhập khẩu gạo tiểu ngạch. Ngoài ra, thời tiết bất lợi gây thiệt hại cho sản lượng lúa, cũng làm giảm nguồn cung gạo xuất khẩu của Myanmar.
Trong trường hợp của Thái Lan, FAO dự báo xuất khẩu gạo của nước này năm 2016 sẽ đạt 9,9 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2015 nhờ nguồn cung gạo từ các kho dự trữ gạo chính phủ. Nguồn cung dự trữ chính phủ đã bù đắp sản lượng sụt giảm mạnh do hạn hán gây ra vào năm 2014 – 2015, giúp chính phủ ký một loạt các hợp đồng G2G với Trung Quốc đại lục, Indonesia, và Philippines.
Trong khi đó, FAO dự đoán xuất khẩu gạo của Campuchia năm 2016 tăng 4% so với năm 2015 lên 1,3 triệu tấn nhờ tăng xuất khẩu gạo qua biên giới với Việt Nam và Thái Lan.
FAO hiện dự báo xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2017 đạt 43,4 triệu tấn, tăng không đáng kể so với năm 2016. Ở quy mô quốc gia, xuất khẩu gạo của Ấn Độ được dự báo tăng 7% lên 10,7 triệu tấn trong năm 2017. Sự tăng xuất khẩu này chủ yếu là nhờ sản xuất được cải thiện lên mức cao kỷ lục trong năm 2016, giúp nước này tăng khả năng cạnh tranh về giá so với hầu hết các nhà cung cấp khác. Nhu cầu gạo Ấn Độ trong năm 2017 sẽ tập trung chủ yếu ở vùng Viễn Đông và Tây Phi. Hai khu vực này chiếm gần 70% xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong 5 năm qua, là thị trường hàng đầu cho gạo thơm và gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ.
FAO dự đoán Pakistan sẽ có đủ nguồn cung sẵn có để tăng xuất khẩu lên 4,5 triệu tấn trong năm 2017. Dự đoán giả định Pakistan sẽ tăng cường xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, thị trường mới nổi của Pakistan với lượng xuất khẩu hàng năm đạt trung bình 400.000 tấn từ năm 2012. Pakistan cũng đang nỗ lực để hiện thực hóa xuất khẩu gạo sang Indonesia theo biên bản ghi nhớ (MoU) với Bulog ký hồi năm ngoái.
Trong trường hợp của Campuchia, FAO dự báo xuất khẩu gạo năm 2017 của nước này sẽ tăng 4% lên 1,3 triệu tấn, chủ yếu nhờ cam kết từ các nhà chức trách Trung Quốc tăng gấp đôi hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Campuchia lên 200.000 tấn trong năm 2017. Cùng với xuất khẩu gạo liên tục tiếp diễn sang EU, hiện đang hưởng phi thuế – phi hạn ngạch theo thỏa thuận Tất cả trừ vũ khí, sẽ bù đắp được lượng gạo giảm xuất khẩu qua biên giới sang Việt Nam và Thái Lan.
FAO dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2017 sẽ giảm 5% xuống còn 9,4 triệu tấn. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh ngành càng tăng trên các thị trường, đặc biệt là với Ấn Độ và Việt Nam. Giảm xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ phụ thuộc lớn vào hoạt động xả kho dự trữ gạo của chính phủ và mức giá mà các nhà chức trách Thái Lan đồng ý để xả 8,4 triệu tấn gạo trong các kho dự trữ hiện nay. Chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu mở lại các đợt xả bán kho dự trữ gạo công trong năm 2017.Tuy nhiên, đồng thời, các nhà chức trách Thái Lan cũng muốn kìm hãm bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào lên giá gạo nội địa do các đợt xả bán gạo của chính phủ nên đã ngừng các đợt xả bán trong suốt thời gian thu hoạch. Vào cuối tháng 8, chính phủ Thái Lan thậm chí còn xem xét áp đặt giá xuất khẩu gạo tối thiểu để đối phó với tình trạng giá chào bán gạo Thái liên tục giảm trong tháng 8.
Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2017 tương đối u ám do nhu cầu gạo trắng yếu tại các thị trường xuất khẩu chính như Indonesia và Philippines. Các thị trường này là đầu ra quan trọng cho gạo Indica chất lượng trung tâm và thấp của Việt Nam. Kết quả xuất khẩu gạo gây thất vọng trong năm 2016 đã thúc đẩy kế hoạch của chính phủ là giảm tỷ trọng gạo trắng Indica chất lượng thấp xuống chỉ còn 15% đến năm 2020. Mục tiêu này tương ứng với tăng tỷ trọng gạo trắng chất lượng cao, gạo nếp hoặc gạo thơm trong tổng kim ngạch xuất khẩu lên 60% đến năm 2020.
Xuất khẩu gạo nếp và gạo thơm của Việt Nam đã tăng ổn định trong vài năm gần đây, mặc dù gạo trắng xuất khẩu sang các thị trường châu Á tiếp tục chiếm tỷ trong lớn trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giả định rằng Việt Nam có thể bù đắp giảm xuất khẩu gạo trắng bằng tăng xuất khẩu gạo thơm và gạo nếp, FAO dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2017 sẽ đạt tổng cộng 7,4 triệu tấn, cao hơn 3% so với năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 8,4 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2014.
Theo FAO