Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Tổng quan thị trường gạo toàn cầu đến tháng 10/2016 và dự báo
19 | 10 | 2016
Sản xuất gạo toàn cầu năm 2016 đang tăng tốc với các nước sản xuất gạo lớn tại Bắc bán cầu đã bước vào mùa thu hoạch và nhiều nước đã sẵn sàng xuống giống vụ mùa. Trong báo cáo tháng 10, FAO nâng dự báo sản lượng lúa toàn cầu thêm 2,9 triệu tấn so với dự báo đưa ra hồi tháng 7, chủ yếu do triển vọng sản xuất tại châu Á tăng khi thời tiết biến chuyển thuận lợi hơn giúp tăng sản xuất tốt hơn so với 2 vụ trước.

Ấn Độ chiếm phần lớn trong điều chỉnh tăng sản lượng trên, và dự báo sản lượng tại Brazil, Campuchia, Colombia, Iran, Nigeria, và Thái Lan cũng được điều chỉnh tăng. Ngược lại, sản lượng lúa tại Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam được điều chỉnh giảm.

Với điều chỉnh mới nhất, FAO dự báo sản lượng lúa toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 749,7 triệu tấn, tương đương 497,9 triệu tấn gạo. Mức sản lượng này cao hơn sản lượng năm 2015 tới 10,1 triệu tấn, giúp sản xuất lúa gạo toàn cầu tăng trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2013. Sản lượng lúa gạo tăng nhờ diện tích trồng lúa tăng 1,6% lên 163,3 triệu ha và thời tiết thuận lợi cũng là một yếu tố hỗ trợ.

Châu Á đang có mùa mưa thuận lợi giúp sản xuất lấy lại được động lực tăng, FAO dự báo sản lượng lúa tại khu vực này sẽ dạt 678,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2015. Hầu hết tăng trưởng sản lượng tại châu Á tập trung tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tác động của hạn hán giảm bớt cũng cải thiện sản xuất lúa tại Philippines, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Iran, Lào, Myanmar, Nepal. Sản lượng tăng tại các nước châu Á trên sẽ bù đắp sản lượng lúa sụt giảm tại Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Việt Nam khi các nước này tiếp tục chịu đựng tình hình thời tiết bất lợi. Sản lượng lúa của Bangladesh và Hàn Quốc giảm do chính sách giảm diện tích trồng lúa.

Trong khi nâng dự báo sản lượng, FAO lại hạ 800.000 tấn trong dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2016 so với dự báo đưa ra hồi tháng 7. Thương mại gạo toàn cầu trong dự báo mới nhất là 43,1 triệu tấn, thấp hơn 3% so với năm 2015, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp thương mại gạo sụt giảm.

Suy giảm thương mại gạo chủ yếu do nhu cầu giảm tại châu Á do các kho dự trữ dồi dào hoặc các chính sách hạn chế nhập khẩu. Xuất khẩu sang châu Phi cũng được dự đoán sẽ đạt mức xấp xỉ thấp nhất trong 5 năm, nhờ nguồn cung nội địa tại khu vực này tăng và đồng nội tệ yếu. Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu tại Úc, Mỹ, EU, Mỹ Latin và Caribbean tăng.

Về phía cung, xuất khẩu từ cả Ấn Độ và Việt Nam đều được dự báo giảm mạnh do nhu cầu thấp tại các thị trường truyền thống của hai nước này và nguồn cung giảm trong năm 2016. Xuất khẩu gạo của Úc, Brazil, Guyana và Myanmar cũng được dự báo giảm, trong khi xuất khẩu gạo của Argentina, Campuchia, Trung Quốc, Paraguay, Uruguay, Mỹ, Pakistan và Thái Lan sẽ tăng trong năm 2016.

FAO dự báo thương mại gạo năm 2017 phục hồi không đáng kể, khoảng 0,7% lên 43,4 triệu tấn. Xuất khẩu sang Viễn Đông được dự báo giảm do triển vọng sản xuất nội địa tốt tại khu vực này. Áp lực lạm phát giảm có thể cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ Latin và Caribbean, nhưng giá gạo quốc tế đang ở mức hấp dẫn và nhu cầu tăng tích trữ có thể khuyến khích nhập khẩu gạo tại châu Phi và các nước cận Đông Á trong năm 2017.

Đối với xuất khẩu, Ấn Độ là nước có vị thế xuất khẩu thuận lợi nhất trong năm 2017 nhờ nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào. Xuất khẩu gạo của Úc, Campuchia, Pakistan và Mỹ cũng được dự đoán tăng. Ngược lại, cạnh tranh ngày càng mạnh có thể kìm hãm xuất khẩu gạo của Argentina, Brazil, Uruguay và Việt Nam.

Tiêu dùng gạo toàn cầu năm 2016 được dự đoán đạt khoảng 501,2 triệu tấn, tăng 1% so với năm ngoái. Tiêu dùng gạo làm thực phẩm tăng 5 triệu tấn lên 402,5 triệu tấn, chủ yếu tập trung tại châu Á và châu Phi. Tiêu dùng gạo làm thực phẩm trên đầu người tăng nhẹ 0,1kg lên 54,2 kg/người/năm trong năm 2016. Lượng gọa dùng làm TACN tăng lên 18,3 triệu tấn và 80,5 triệu tấn gạo sử dụng cho các mục đích khác (làm giống, sản xuất công nghiệp phi thực phẩm và thất thoát sau thu hoạch).

FAO cũng nâng dự báo dự trữ gạo toàn cầu thêm 4,4 triệu tấn lên 169,9 triệu tấn. Mặc dù được nâng tăng nhưng năm 2016 vẫn là năm thứ 2 liên tiếp dự trữ gạo toàn cầu giảm, mặc dù chỉ tương đương 0,6% hoặc 1 triệu tấn. Mức dự trữ này đủ cho tiêu dùng toàn cầu trong hơn 3 tháng.

5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất có lượng dự trữ giảm tổng cộng 10% xuống còn 30.8 triệu tấn. Trong nhóm 5 nước này, Thái Lan và Ấn Độ có suy giảm dự trữ mạnh nhất do hai nước này đều tích cực xả kho dự trữ chính phủ. Tuy nhiên, dự trữ gạo giảm tại hai nước này được bù đắp bởi dự trữ tăng, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Giá gạo quốc tế chấm dứt quỹ đạo tăng giá kéo dài 2 năm vào tháng 5/2015. Giá gạo tăng do nguồn cung khả dụng xuất khẩu gạo tại các nước xuất khẩu lớn giảm. Khuynh hướng tăng giá vẫn còn kéo dài tới tháng 8, nhưng triển vọng sản lượng gạo tốt tại các nước Bắc bán cầu và thiếu nhu cầu nhập khẩu bắt đầu gây áp lực lên giá. Chỉ số giá gạo FAO (2002-2004 = 100) giảm 5 điểm trong tháng 8 và giảm thêm 10 điểm sau đó đến giữa tháng 10 xuống còn 185 điểm. Giá tất cả các phân khúc thị trường đều giảm, nhưng mạnh nhất ở phân khúc thị trường gạo Indica. Cung vượt cầu trong phân khúc gạo trắng và gạo đồ đẩy chỉ số giá gạo Indica chất lượng cao trong tháng 10/2016 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2007 còn 168 điểm.

Chỉ số giá gạo Indica chất lượng thấp hơn và chỉ số giá gạo thơm cũng chạm mức thấp trong nhiều năm, lần lượt đạt 181 điểm và 152 điểm do nhu cầu mua yếu áp đảo yếu tố hỗ trợ từ nguồn cung gạo tấm giảm và triển vọng sản lượng gạo basmati cũng giảm. Chỉ số giá gạo Japonica đến giữa tháng 10 đạt 217 điểm, thấp hơn 2% so với hồi tháng 7.

Trong ngắn hạn, giá gạo trên thị trường quốc tế được cho là sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm do vụ thu hoạch ngày càng tăng tốc tại Bắc bán cầu trong vài tháng tới. Tuy vậy, vấn đề trọng tâm vẫn là ở nhu cầu. Đồng tiền giảm giá và nguồn cung nội địa tương đối dồi dào làm giảm động lực cải thiện nhâp khẩu. Tuy nhiên, giá chào bán gạo quốc tế giảm có thể khuyến khích những người mua lớn quay trở lại thị trường, hỗ trợ giá theo từng thời điểm.

Theo FAO



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường