Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Nhập khẩu gạo của châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018
28 | 10 | 2017
FAO: Nhập khẩu gạo của châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018

Bất chấp điều chỉnh giảm 500.000 tấn trong dự báo nhập khẩu gạo của châu Á trong tháng 10 so với dự báo hồi tháng 7, châu Á vẫn được cho là khu vực dẫn đầu tăng nhập khẩu gạo trong năm 2017. FAO cho rằng trong năm 2017, các nước châu Á sẽ nhập khẩu 21,1 triệu tấn gạo, tăng 11% so với năm 2016. Phần lớn lượng tăng xuất phát từ Bangladesh, sau khi nước này bị thiệt hại mùa màng bởi hàng loạt các đợt lũ lớn. Tình trạng úng ngập càng khiến nguồn cung khan hiếm sau nhiều năm nước này giảm nhập khẩu và tăng trưởng sản xuất không đáng kể hoặc giảm. Các nhà chức trách Bangladesh buộc phải tiến hành nhiều đợt nhập khẩu gạo, đồng thời cho phép khu vực tư nhận nhập khẩu, nhằm giảm nhiệt giá gạo nội địa liên tục tăng cao. Mặc dù một phần các đơn hàng sẽ được chuyển sang giao vào năm 2018, các nỗ lực nhập khẩu này được cho là sẽ đẩy nhập khẩu gạo của Bangladesh từ mức chỉ xấp xỉ 62.000 tấn năm 2016 lên 1,5 triệu tấn trong năm 2017.

Sri Lanka cũng đối mặt với nhiều thiên tai và giá gạo nội địa cao, khiến các nhà chức trách nước này bắt đầu giao dịch trực tiếp trên thị trường quốc tế, sau khi liên tục hạ thuế nhập khẩu. FAO cho rằng nhập khẩu gạo của Sri Lanka sẽ tăng từ chỉ 30.000 tấn năm 2016 lên 650.000 tấn năm 2017, chủ yếu nhờ tồn kho đồi dào từ những mùa sản xuất bội thu giúp giảm áp lực nhập khẩu.

Trong khi đó, báo cáo cập nhật tháng 10 của FAO dự báo Philippines sẽ tăng nhập khẩu, phản ánh quyết định hồi tháng 8 của chính phủ nước này về lộ trình cho khu vực tư nhân nhập khẩu theo hạn ngạch Lượng Tiếp cận Tối thiểu 2017 trong năm 2018. Hoạt động này được lên kế hoạch tránh nhập khẩu trong các giai đoạn thu hoạch, có thể gây áp lực lớn lên giá gạo nội địa. Ngoài ra, các nhà chức trách Philippines cũng cần tăng nhập khẩu gạo để bù đắp cho thiệt hại sản xuất gây ra bởi các trận bão lớn . FAO dự báo nhập khẩu gạo của Philippines năm 2017 sẽ đạt 1,1 triệu tấn, tăng 330.000 tấn so với năm 2016, nhưng thấp hơn mức 2 triệu tấn trong năm 2015.

Trung Quốc, Iraq, Iran, Hàn Quốc, Kuwait và UAE đều được dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong năm 2017, giúp bù đắp suy giảm nhập khẩu tại Nepal, Lào, và đặc biệt là Indonesia. Các nhà chức trách Indonesia đã kìm hãm hoạt động nhập khẩu gạo từ đầu năm đến nay, mặc dù lượng lúa thu mua nội địa giảm. FAO dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu 400.000 tấn trong năm 2017, giảm từ mức 1,3 triệu tấn năm 2016 và giảm 400.000 tấn so với dự báo hồi tháng 7 của FAO.

Dựa trên các triển vọng nguồn cung hiện nay, nhập khẩu gạo của châu Á được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2018, mặc dù nguồn cung lúa gạo nội địa nhìn chung dồi dào có thể khiến lượng gạo nhập khẩu tại châu lục này không vượt được mức cao kỷ lục hồi năm 2015. FAO dự báo nhập khẩu gạo châu Á năm 2018 sẽ là 21,9 triệu tấn. Một số nước có suy giảm sản xuất trong năm nay được cho là sẽ tăng nhập khẩu trong năm 2018, cụ thể là Afghanistan, Nepal, Iran, Iraq và Malaysia – là các nước có thể không sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu trong năm 2018.

Tuy nhiên, phần lớn dự báo tăng trưởng nhập khẩu gạo tại châu Á trong năm 2018 tập trung vào Indonesia, Philippines và Saudi Arabia. Mặc dù mức tăng sẽ còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất năm 2018, nhưng nhập khẩu gạo của Indonesia năm 2018 được FAO dự báo ở mức 750.000 tấn trước khả năng chính phủ nước này nhập khẩu để tăng cường kho dự trữ do sản lượng thu mua lúa gạo năm 2017 giảm. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này vẫn chỉ ở mức tương đối thấp đối với Indonesia, xét tới mục tiêu tự cung tự cấp của chính phủ, những thay đổi trong các cơ chế chính sách bình ổn giá và trợ cấp xã hội có thể dẫn tới những nhu cầu nội tại cho các chương trình lưới an sinh xã hội của chính phủ Indonesia. Chính phủ Indonesia đã áp giá trần cho nhiều loại gạo chất lượng khác nhau, cùng với kế hoạch mở rộng chương trình the Bantuan Pangan Non Tunai (BPNT) cho 10 triệu hộ gia đình trong năm 2018. Động thái này làm giảm nhu cầu của chính phủ cho chương trình phân phối gạo Rastra xuống mức gần 1 triệu tấn trong năm tới, mặc dù chính phủ nước này có thể vẫn cần tăng dự trữ gạo để tiến hành các can thiệp trên thị trường mở và duy trì các kho dự trữ khẩn cấp.

Tương tự, FAO dự báo nhập khẩu gạo của Philippines năm 2018 đạt 1,5 triệu tấn, chủ yếu tập trung vào các nỗ lực của chính phủ tăng cường các kho dự trữ chuẩn bị cạn kiệt sau thời gian dài giảm nhập khẩu. Các nhà chức trách Philippines cho biết họ đặt mục tiêu nhập khẩu gần 600.000 tấn trong năm 2018, so với mức 250.000 tấn trong năm 2017.

Tuy nhiên, lượng thu mua lúa gạo nội địa của nước này có thể tăng 5 lần lên 1,2 triệu tấn do chính phủ tăng giá thu mua, hiện đang được cân nhắc. Đối với hoạt động nhập khẩu của khu vực tư nhân, các quyết định cuối cùng đang được chờ đợi liên quan đến quá trình luật hóa về thuế tại Philippines. Tuy nhiên, một số đề xuất pháp lý đã đẩy đề xuất mức thuế lên tới 400% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch.

Trong trường hợp của Saudi Arabia, vốn không có nền sản xuất gạo nội địa, dự trữ cuối kỳ thấp sau nhiều năm giảm nhập khẩu có thể khiến nước này buộc phải tăng 13% lượng gạo nhập khẩu trong năm 2018 lên 1,5 triệu tấn.

Trong số các nước nhập khẩu lớn, sản xuất gạo được dự báo phục hồi trong năm 2018 tại Bangladesh và Sri Lanka có thể giúp giảm lượng gạo nhập khẩu của hai nước này xuống lần lượt 1,1 triệu tấn và 450.000 tấn. Tuy nhiên, tại cả hai nước này, hoạt động mua có thể duy trì ở mức tương đối cao do áp lực tăng đối với giá gạo nội địa tại các quốc gia này có thể kéo dài cho tới khi sản xuất vụ chính năm 2018 được thu hoạch, tức ít nhất cho tới quý 2/2018.

Đối với Trung Quốc, FAO không điều chỉnh dự báo nhập khẩu gạo của nước này và neo dự báo ở mức 5,9 triệu tấn trong năm 2018, do bất chấp giá gạo nội địa Trung Quốc có giảm nhưng chênh lệch giá gạo nội địa Trung Quốc  với giá gạo quốc tế vẫn tiếp diễn dai dẳng, có thể sẽ khiến nước này vẫn phụ thuộc vào các nguồn cung gạo giá cả rẻ hơn từ thị trường quốc tế.

Nhập khẩu gạo của châu Phi được FAO dự báo đạt 15,6 triệu tấn trong năm 2017, tăng 10% so với năm 2016 và cao hơn 1,1 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7. So với số liệu đưa ra trong báo cáo tháng 7, triển vọng nhập khẩu tại châu Phi tăng chủ yếu tại Nigeria, sau 2 năm nước này giảm nhập khẩu, nguồn cung khan hiếm và giá gạo nội địa cao có thể khiến nước này phải nhập khẩu 2,6 triệu tấn gạo trong năm 2017, tăng 18% so với năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu cũng tăng cao trên toàn châu Phi trong năm 2017, phản ánh nhu cầu bù đắp cho sản lượng lúa gạo bị thiên tai gây thiệt hại, cụ thể là trong trường hợp của Bờ Biển Ngà, Kenya, Uganda, đặc biệt là Madagaskar; hoặc tại các nước đang gặp áp lực lạm phát như Guinea Bissau và Liberia; hoặc các nước đang có nhu cầu tăng nhanh như Angola, Ethiopia, Mozambique và Sierra Leone.

Chỉ một số nước châu Phi được FAO dự báo giảm nhập khẩu như Ghana và Guinea, chủ yếu nhờ sản xuất nội địa tăng và nguồn cung gạo nhập khẩu dồi dào từ những năm trước. FAO dự báo nhập khẩu gạo của hai nước này giảm lần lượt xuống còn 685.000 tấn và 600.000 tấn. Mặc dù giảm nhẹ so với dự báo hồi tháng 7 của FAO, nhập khẩu của Mali năm 2017 sẽ duy trì quanh mức 220.000 tấn, và của Tanzania là khoảng 100.000 tấn.

Nhập khẩu gạo của các nước châu Phi năm 2018 được FAO dự báo duy trì ở quanh mức 15,6 triệu tấn, chủ yếu bị kìm hãm bởi giá gạo quốc tế tăng và nguồn cung nội địa cũng tăng. Khu vực Tây Phi được dự báo nhập khẩu 9,7 triệu tấn gạo trong năm 2018, tương đương tăng 3%. Phần lớn lượng gạo tăng nhập khẩu này tập trung tại Nigeria, bất chấp dự báo sản xuất lúa gạo của nước này tăng và các chính sách kìm hãm nhập khẩu để theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp của chính phủ, nhập khẩu gạo của nước này được dự báo tăng lên 2,9 triệu tấn, để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng nhanh.

Theo FAO (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường