Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo sẽ tăng giá cao nhất vào 2009
21 | 04 | 2008
Dự báo thương mại lúa gạo toàn cầu tăng 2,4 %/năm từ 2007 đến 2016 trong khi sản lượng chưa thể tăng tương ứng. Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm khoảng nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Gạo hạt dài sẽ chiếm khoảng 3/4 thương mại lúa gạo toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu gạo hạt dài chủ yếu. Cơ hội cho hạt gạo Việt Nam?

Bức tranh cung – cầu

Theo dự báo của Ban Nghiên cứu kinh tế, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thương mại lúa gạo toàn cầu sẽ tăng 2,4%/năm từ năm 2007 – 2016. Đến năm 2016 thương mại lúa gạo toàn cầu đạt mức 35 triệu tấn.

Trong những năm tới các giống gạo hạt dài chiếm khoảng 3/4 thương mại lúa gạo toàn cầu. Gạo hạt dài được nhập khẩu bởi nhiều nước ở Nam và Đông Nam Á, Trung Đông và phần lớn các nước vùng Sahara – châu Phi, châu Mỹ Latinh. Gạo hạt ngắn và hạt trung bình được nhập chủ yếu bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ... Gạo thơm như Basmati (chủ yếu từ Ấn Độ) và Jasmine được các nước có thu nhập cao nhập.

Trong giai đoạn 2007 – 2017, tiêu dùng gạo thế giới tăng phần lớn là do nhu cầu nhập khẩu tăng ở Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Philippines và tiểu vùng Sahara của châu Phi (chiếm khoảng 2/3 mức tăng cầu toàn thế giới). Nguyên nhân là do dân số tăng (ở Indonesia và Bangladesh) và mức tiêu dùng gạo bình quân đầu người tăng (ở các nước Tây bán cầu, Trung Đông và trường hợp Philippines của châu Á).

Cũng trong giai đoạn 2007 – 2017, các nước sản xuất gạo ở châu Á - Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ - tiếp tục là nguồn cung cấp gạo xuất khẩu chính của thế giới. Riêng xuất khẩu gạo của hai nước Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm khoảng nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới.

Việt Nam xuất khẩu gạo hạt dài là chủ yếu. Thái Lan xuất khẩu gạo thơm, gạo hạt dài đặc biệt và gạo nếp. Nguồn cung của hai nước này tăng do sản lượng gạo tăng nhờ năng suất lúa được cải thiện và tiêu dùng gạo bình quân đầu người trong nước có xu hướng giảm.

Trong khi đó, thị phần gạo xuất khẩu dự báo sẽ giảm ở Hoa Kỳ, Pakistan và Trung Quốc.

Tác nhân dự trữ

Dự trữ lúa gạo trên toàn thế giới đã sụt giảm mạnh khỏi mức dự trữ cao trong thập kỷ trước, làm tăng mạnh thương mại lúa gạo toàn cầu, tăng đột biến giá gạo xuất khẩu, đặc biệt trong năm 2007 và đầu năm 2008.

Sản lượng sản xuất gạo của Trung Quốc giảm hơn 4 triệu tấn, kéo theo lượng dự trữ giảm. Sự sụt giảm lượng dự trữ của Trung Quốc là nguyên nhân chính làm sụt giảm tổng dự trữ lúa gạo toàn cầu. Tỷ lệ dự trữ/sử dụng của Trung Quốc dự báo giảm từ 18,7% trong năm 2007/2008 xuống còn 16,2% năm 2016/2017, mức thấp nhất kể từ năm 1974/1975.

Lượng gạo tồn kho cuối cùng của Thái Lan cũng giảm từ 4.124 nghìn tấn của vụ mùa 2007/2008 xuống còn 1.918 nghìn tấn vào năm 2017. Của Việt Nam, năm 2007/2008 là 2.511 nghìn tấn, dự kiến 2017 giảm 67,7%.

Mức dự trữ gạo thấp như hiện nay sẽ càng làm tăng rủi ro về giá (cao) trong tương lai. Tuy nhiên, theo FAO, giá sẽ chỉ tăng đến mức cao nhất vào năm 2009, sau đó giảm dần và bình ổn trở lại trong giai đoạn từ 2010 – 2017.

Đối diện với khủng hoảng

Kinh tế học có quan điểm “giải pháp đối phó với tình trạng giá tăng cao chính là mức giá cao”. Giá tăng sẽ thúc đẩy người sản xuất mở rộng sản xuất, khôi phục cung và dần dần sẽ làm giá giảm xuống. Giải pháp truyền thống này, có tính hiệu quả về mặt kinh tế và đạo đức, tuy nhiên không thể áp dụng trong trường hợp ngành hàng lúa gạo do bất cứ tác động của việc tăng giá nào cũng sẽ ảnh hưởng đến người dân nghèo và làm gia tăng đói nghèo.

Trường hợp của Indonesia là một ví dụ: số lượng người nghèo của nước này tăng vài triệu người do giá gạo tăng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế châu Á 1997. Có thể nói khủng hoảng kinh tế và chính trị xảy ra ở nước này bắt nguồn từ việc giá gạo tăng đột biến.

Theo Sushil Pandey, giám đốc chương trình “Chính sách lúa gạo và tác động” của viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), chiến lược tốt nhất để bình ổn giá gạo là tăng sản xuất với tốc độ cao hơn tốc độ tăng cầu. Sản lượng gạo có thể tăng bằng cách mở rộng diện tích, hoặc tăng năng suất lúa, hoặc kết hợp cả hai biện pháp này. Tuy nhiên, châu Á khó có thể tăng diện tích. Tại hầu hết các nước trồng lúa chính của châu Á, tốc độ tăng năng suất lúa trong năm năm trở lại đây gần như bằng không.

Tăng trưởng năng suất bằng sự phát triển và ứng dụng các công nghệ cải tiến sẽ là giải pháp trong dài hạn để giúp giảm thiểu tình trạng tăng giá gạo. Cần phải có một cuộc “cách mạng xanh” lần thứ hai, tăng đầu tư cho nghiên cứu kết hợp với cải cách chính sách để tăng hiệu quả kinh tế từ thị trường gạo để giúp bình ổn giá lúa gạo và giảm nghèo.

Đầu năm 2008, nhiều tổ chức đã vào cuộc nhằm hỗ trợ, tìm giải pháp đối phó với khủng hoảng lúa gạo thế giới. Bill Gates, chủ tịch tập đoàn Microsoft đã đưa ra quyết định sớm nhất khi công bố quỹ Bill & Melinda Gates sẽ trợ giúp 19,9 triệu USD cho viện Nghiên cứu lúa quốc tế trong thời gian từ năm 2008 đến 2011, để giúp 400.000 hộ nông dân nhỏ ở khu vực Nam Á và vùng sa mạc Sahara tiếp cận với các giống lúa có chất lượng tốt hơn và kỹ thuật canh tác tiên tiến hơn.

Theo ông Duncan Macintosh, giám đốc viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, phải đến năm 2018, năng suất lúa thế giới có khả năng tăng gấp đôi so với hiện nay.

Phạm Hoàng Ngân (Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn)



Bài viết liên kết AGROINFO và Sài Gòn tiếp thị
Báo cáo phân tích thị trường