Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
11 | 08 | 2008
Nhằm gìn giữ môi trường bền vững, phòng ngừa những tác động xấu đối với môi trường và ứng phó kịp thời sự cố môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện một số công việc cấp bách.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để ô nhiễm môi trường kéo dài

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các dự án đầu tư, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngành Công an cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, nhất là việc vận chuyển qua biên giới các loại chất thải, rác thải, chất phóng xạ, lâm sản, các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Không để các loại phương tiện cơ giới đã hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Bộ Luật Hình sự năm 1999 bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để kéo dài tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, lĩnh vực do mình quản lý.

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong thu gom, xử lý chất thải, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra về môi trường.

Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có hệ thống, phương tiện, biện pháp xử lý chất thải và có biện pháp khắc phục sự cố môi trường.

Tổng kiểm tra tình hình nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ lạc hậu, phế liệu có khả năng gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các cơ sở y tế có khả năng gây ô nhiễm môi trường sẽ được thanh tra, kiểm tra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các nguồn phóng xạ.



Báo cáo phân tích thị trường