Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rừng An Lão kêu cứu!
26 | 08 | 2008
Trước sự gia tăng của tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn huyện An Lão, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng cùng chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, nhiều cánh rừng vẫn tiếp tục bị "băm vằm" bởi sự lộng hành của lâm tặc.
Lâm tặc “tăng tốc” phá rừng

Theo Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 12 đợt truy quét tại địa bàn rừng giáp ranh, rừng đầu nguồn xung yếu, bắt giữ và xử lý 44 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm trước; 30m3 gỗ nhóm IIA, 1 xe ô tô, 6 xe mô tô và nhiều phương tiện vi phạm khác đã bị thu giữ. Thế nhưng, theo phản ánh của những hộ dân sống gần rừng thì nỗ lực của ngành chức năng chỉ như “muối bỏ bể”. Ngoài diện tích rừng bị “khai tử” do lưỡi cưa của lâm tặc, còn có gần 50.000m2 rừng bị 82 hộ dân địa phương, trong đó có cả cán bộ, đảng viên ở các xã An Quang, An Dũng, An Hưng “xoá sổ” để làm nương rẫy.

Ông Đinh Xuân Đài, Chủ tịch UBND xã An Hưng, địa phương “dẫn đầu” về số vụ vi phạm cho biết: “Chúng tôi đã xử lý hành chính nhiều trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng làm rẫy nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều người dân vẫn tái phạm”.

Hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi và liều lĩnh khiến những cánh rừng ở An Lão đang lâm vào tình trạng nguy cấp. Do diện tích rừng lớn, lực lượng chức năng truy quét ở khu vực này, lâm tặc chuyển hướng khai thác sang khu vực khác. Để tránh bị truy đuổi, lâm tặc chuyển sang phá rừng vào ban đêm, thậm chí những ngày giông gió chúng cũng hoạt động. Đáng lo ngại hơn, khi bị cán bộ kiểm lâm phát hiện, lâm tặc không ngại dùng hung khí chống đối để tẩu thoát.

“Cải tiến” biện pháp phòng chống

Trước thực trạng trên, ngoài việc tăng cường kiểm tra, đặt chốt kiểm soát tại khu vực rừng và những trục đường vận chuyển gỗ của lâm tặc, UBND huyện An Lão đã chỉ đạo ngành kiểm lâm và chính quyền các địa phương phải thực hiện việc luân chuyển cán bộ trên địa bàn. Ngoài ra, huyện còn thành lập 1 tổ “đặc nhiệm” liên ngành gồm: 3 kiểm lâm địa bàn, 1 cán bộ lâm nghiệp xã, 1 cán bộ xã đội và 1 công an xã, đóng chốt 24/24 giờ tại những khu vực trọng điểm ở các xã An Hưng, An Trung. Sự có mặt của tổ “đặc nhiệm” phần nào làm hạ nhiệt “cơn sốt” phá rừng ở An Lão. Bên cạnh đó, chính quyền đã đưa ra kiểm điểm công khai trước nhân dân những hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng làm rẫy trái phép, xử phạt thích đáng và buộc các hộ này phải bỏ kinh phí mua cây giống trồng lại rừng trên diện tích bị xâm hại.

Ông Đỗ Trọng Hoàn, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, truy quét tại các vùng rừng giáp ranh, rừng đầu nguồn xung yếu. Ngoài ra, tham mưu UBND huyện thực hiện việc giao rừng cho các xã và người dân quản lý, bảo vệ, lập kế hoạch hỗ trợ dân vùng cao canh tác nông – lâm nghiệp bền vững trên đất rẫy để hạn chế nạn phá rừng trái phép”.




Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường