Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ dự báo sẽ tiếp tục gặp khó
18 | 08 | 2008
Mặc dù nền kinh tế đang gặp khó khăn nhưng xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng khá, đạt khoảng 1,594 tỉ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2007.
Để duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu cao là do kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường EU đạt cao với mức tăng trên 30% và xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng có tốc độ tăng trưởng đột biến.
Tuy nhiên, do những biến động của kinh tế Thế giới cũng như trong nước hiện nay, xuất khẩu sản phẩm gỗ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn và rất khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Một thách thức không thể bỏ qua đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu là tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái và bất động sản Mỹ đóng băng. Với tình hình kinh tế suy thoái nên lượng đặt hàng của khách hàng hiện không còn giữ mức tăng 20% mỗi năm như trước mà chỉ còn khoảng 10%. Ngoài ra, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ giảm còn do hợp đồng đã ký trước đó với giá thấp trong khi giá vốn hàng bán và chi phí liên tục leo thang: giá cả đầu vào biến động tăng làm cho chi phí nguyên nhiên vật liệu và các chi phí khác tăng, ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm.
Một yếu tố khác có thể kể đến là chi phí lãi vay ngân hàng tăng cao cũng làm cho lợi nhuận giảm. Đực thù của các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ là lượng vốn vay ngắn hạn cao dành cho vốn lưu động thu mua nguyên vật liệu, vì vòng quay vốn của ngành chỉ ở mức 0,8-1 vòng/năm tuỳ nguyên vật liệu nhập khẩu hay thu mua trong nước.
Hiện nay, giảm giá vốn hàng bán, tiết kiệm chi phí sản xuất, cắt giảm những chi phí không cần thiết biện pháp được nhiều doanh nghiệp đang thực hiện. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ đạt được ở mức thấp, trong đó có cả nguyên nhân là do chênh lệch tỉ giá ngoại tệ khi vay và trả.
Theo thông lệ, vào quý 3 và quý 4 hàng năm thường là mùa cao điểm của xuất khẩu sản phẩm gỗ, do vậy dự báo doanh thu sẽ tăng. Ngoài ra, nếu đồng USD tăng giá trong giai đoạn cuối năm thì ngành xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ có lợi và khi đó doanh số và lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng.
Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của nước ta trong tháng 6 đạt 213,45 triệu USD, giảm 9,4% so với tháng 5 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2007, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 1,363 tỉ USD, tăng 20,26% so cùng kỳ năm 2007.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, với kim ngạch xuất sang thị trường này trong tháng 6 đạt 86,77 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng 5 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của nước ta sang thị trương fnày đạt 495,87 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2007. Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này chủ yếu là đồ nội thất dùng trong phòng ngủ, chiếm đến 55% tỉ trọng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn xuất khẩu đồ nội thất phòng khách, phòng ăn, chiếm 24% đồ nội thất văn phòng, chiếm khoảng 10%...
Tiếp đến EU - khối thị trường khổng lồ về nhu cầu nhập khẩu hàng hoá, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này trong năm nay tăng mạnh. Cụ thể, đạt 37,55 triệu USD trong tháng 6, giảm 22,9% so với tháng 5 và tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2007, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang khối này đạt 436,26 triệu USD, tăng 31,2%.
Nhật Bản – khách hàng lớn truyền thống của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này đang bị sụt giảm, cụ thể, đạt 28,7 triệu USD trong tháng 6/2008, giảm 7,3% so tháng 6/2007. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ snag thị trường này 6 tháng đầu năm đạt 162,7 triệu USD, tăng 6,2% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm 12,8% tỉ trọng. Cơ cấu sản phẩm gỗ xuất khẩu snag thị trường Nhật Bản năm nay đã có sự thay đổi, các sản phẩm gỗ xuất khẩu nghiêng về đồ nội thất hơn là gỗ nguyên liệu như các năm trước đây.
Ngoài ra, một số thị trường đạt tốc độ tăng trưởng cao tuy kim ngạch xuất khẩu còn thấp như Ôxtrâylia tăng 46,6%, Canada tăng 42,1%, Na Uy tăng 58,8%, Hồng Kông tăng 121,1%...



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường