Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyện của một “Tiến sĩ nông dân”
06 | 08 | 2007
Nhiều tiến sĩ đã phải kinh ngạc khi tham quan vườn cây của ông - người nông dân chưa học hết cấp 2 và chưa một lần biết về qui trình ươm cây giống. Ông là người đầu tiên, duy nhất ươm giống thành công cây huỵnh khi các nhà khoa học đang loay hoay ươm nó trong phòng thí nghiệm. Ông là Ngô Xuân Lý ở xóm Cồn Chay xã Cự Nẫm huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình.

Kẻ phá rừng thành người cứu rừng

Ông Lý kể: “Hơn ba chục năm trước, đất Cồn Chay nghèo lắm, ai cũng lao vào rừng đẵn gỗ kiếm sống, nhà nào cũng tranh thủ đẻ nhiều con để khi lớn lại lùa chúng vào rừng. Nhà nhiều con, những 6 đứa, hơn 10 tuổi, tui dạy chúng cách đi rừng phát hiện gỗ tốt đẵn về bán”.

Ngày đi phá rừng, còn đêm đêm ông lại dằn vặt: nhà mình có hẳn một tốp 6 người phá rừng, cả đất Cự Nẫm nhà nào cũng đông như nhà mình lao vào trấn áp rừng như ri thì e… rừng chẳng mọc kịp mà chặt. Nghĩ vậy nhưng sáng ra nỗi lo cơm áo lại thúc ông cùng các con lên rừng. Một hôm ông nảy ra ý định nhổ cây huỵnh về trồng thử may ra hết phá rừng. Mỗi ngày ông nhổ vài mươi cây con, sau dần tăng lên hơn 300 cây trồng khắp khu vườn đồi trong nhà.

Huỵnh là giống cây mà trong giấc mơ của dân nghèo miền Trung ai cũng mong có ngôi nhà cất bằng gỗ của nó. Gỗ huỵnh tốt chẳng kém gì gõ (gụ), lim, táu... nhưng huỵnh lại “phẩm chất” hơn là có màu đỏ rất đẹp, thân thẳng, dẻo dai, dùng đóng bàn ghế, giường tủ, làm nhà, đặc biệt dùng đóng tàu thuyền rất tốt.

Ông chăm bón huỵnh từng ly từng tí một, rồi chúng cũng lớn rất nhanh. Tìm hiểu, ông thấy cây gì mọc dưới gốc huỵnh cũng xanh tốt, vậy là ông đầu tư trồng hơn 300 gốc tiêu dưới tán huỵnh. Tiêu bám vào huỵnh tốt xanh, cho hạt sai đến kỳ lạ. Thấy hiệu quả rõ ràng, ông kiên trì một mạch hơn chục năm làm vườn theo công thức “huỵnh-tiêu”.

Rồi công thức ấy trở nên nổi tiếng, dân Cồn Chay theo gương ông kiếm cây huỵnh về trồng rồi áp dụng công thức “huỵnh-tiêu”. Cũng do nhiều người đổ xô kiếm huỵnh con mà chúng hiếm dần, ông Lý lại nghĩ, trồng huỵnh được chắc chắn nhân giống được.

Một hôm ra vườn, một cơn gió lùa qua, ông chợt thấy vô vàn vật lạ bay ra từ ngọn huỵnh tựa như đàn bướm. Ông chạy theo chúng và nhặt lên mấy cánh, liền nhận ra trái huỵnh. Ông mừng khôn tả vì phát hiện ra huỵnh có trái và đoan chắc trái sẽ mọc được khi gieo xuống đất. Ông hăm hở bẻ những chùm trái còn lại rồi ra sức cuốc xới mảnh đất sau nhà để gieo những quả huỵnh hình cánh ve xuống.

Có nơi ông ngâm huỵnh trong nước lạnh cho tách vỏ rồi gieo với niềm tin chắc chắn huỵnh mọc lên từ... quả. Hơn hai tháng trời, ông đứng ngồi không yên vì huỵnh chẳng nhú lên chồi nào. Một buổi sáng, trong lúc tưởng như hết hy vọng khi ra thăm vườn thì chỗ đất gieo hạt huỵnh ngâm nước, chồi huỵnh đầu tiên khoe mình trong mắt ông. Ông mừng đến thót tim…

Tại thời điểm đó, các nhà khoa học vẫn khẳng định huỵnh sinh sản nhờ phát tán, con người không thể trồng được từ hạt. Nhưng ông đã chứng minh ngược lại khi “phát hiện” huỵnh mọc từ trái qua tay con người.

Công thức “huỵnh-tiêu” được người dân Cồn Chay, Cự Nẫm áp dụng theo ông Lý rất hiệu quả. Cảnh thiếu đói ở vùng đất này đã chẳng còn, thay vào đó là no đủ, giàu có.

Chuyển giao công nghệ không lấy bản quyền

Tiếng tăm ông Lý lan xa. Một hôm dân Cồn Chay tíu tít đón đoàn của Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp (cũ) Phan Thanh Xuân về tham quan vườn huỵnh của ông Lý. Sau khi nghe ông Lý trình bày cách ươm cây huỵnh rất mạch lạc, Thứ trưởng Phan Thanh Xuân ngạc nhiên hỏi: “Có thật không?”.

Không kìm được sự phấn khích, ông ôm chầm lão nông hết cấp 2: “Thành công này, nhà nước phải đặc cách cấp bằng tiến sĩ thực hành cho anh”. Hôm đó cùng đi còn có lãnh đạo Xí nghiệp cây con miền Trung nên Thứ trưởng Xuân nói luôn: “Trồng huỵnh là đề tài đang loay hoay trong phòng thí nghiệm. Thành công của nông dân Lý đã giúp chúng ta bỏ qua giai đoạn nghiên cứu. Xí nghiệp phải học ngay cách làm này”.

Với sự mộc mạc của người nông dân, ông Lý đã chuyển giao cho xí nghiệp quy trình ươm gieo cây huỵnh một cách vô tư từ năm 1985, không đòi hỏi bản quyền hay thù lao. Cũng từ đó mỗi năm ông Lý đã cung cấp hàng tấn hạt giống cây huỵnh không chỉ cho Xí nghiệp cây con mà còn cho nhiều lâm trường, công ty suốt dọc miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... và cả các tỉnh Tây Nguyên.

Năm 1993, ông bán lứa huỵnh đầu tiên, số còn lại xẻ ván dựng cho năm thằng con trai mỗi đứa một ngôi nhà, sau đó ông huy động vốn đầu tư trồng hơn 30ha huỵnh ở núi trọc Khương Sơn. Đến hôm nay ông đã phát triển hơn 120ha gồm huỵnh, lát, lim, huê, trầm hương… Nhưng hơn cả là những cây huỵnh do ông trồng nay đã cao hơn 20m, vòng tay người ôm không xuể. Một người bạn cho tôi biết rằng, vào thời điểm này, huỵnh cao hơn 20m có giá trị ở xưởng 5 triệu/m3. Với mức thấp nhất 1m3 gỗ/cây, bình quân số huỵnh của ông là 2m3/cây, chỉ cần 1.000 cây/ha nhân với 30ha, nhân với 5 triệu đồng thì số tiền thu được quả thật rất lớn.

“Thế là trúng rồi”

Với thành công của ông, người Cồn Chay và xã Cự Nẫm đã dấy lên phong trào trồng huỵnh khắp nơi. Vùng đất này ngày trước hoang hóa là thế nay đã phủ xanh bởi bạt ngàn huỵnh. Đường ngang ngõ tắt ở vùng đất này đi đâu cũng thấy huỵnh. huỵnh mọc bên giếng, mọc ở bờ rào cao vút hàng chục mét, thân to hơn người ôm. Người Cự Nẫm vốn trước đây lên rừng khai thác lâm sản nay đã buông rìu ra sức trồng huỵnh, ra sức làm trang trại huỵnh theo ông Lý. Cả làng này chẳng còn một ai hoài công lên rừng đẵn gỗ. Người ta bảo công lao lớn đó thuộc về ông Lý, vậy nên năm 2003, ông là một trong ba nông dân được nhà nước tặng thưởng giải môi trường quốc gia.

Xin mượn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp để kết thúc bài viết cho cái “trúng rồi” khi Đại tướng thăm ông: “Trong nhiều năm, chúng ta cứ suy nghĩ nên trồng cây gì, nuôi con gì? Rồi mang ngoại tệ đi mua giống nước ngoài. Có giống tạo được tán xanh nhưng làm kiệt đất, giá trị kinh tế không cao; có giống sau thời gian thử nghiệm phải bỏ. Anh Lý đã tạo được giống cây phù hợp, giá trị kinh tế cao, cải tạo đất tốt, có thể trồng tiêu dưới gốc huỵnh, thế là trúng rồi”.


Báo cáo phân tích thị trường