Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi nông dân sợ... phong trào
31 | 07 | 2008
Những ngày qua, một số báo, đài đã thông tin chuyện nông dân vùng ĐBSCL ào ạt đốn cây ăn trái, mía, dừa, lấp ao nuôi tôm để trồng lúa khi mà hấp lực giá cao đang thúc bách... Từ đầu năm đến nay, giá lúa khá ổn định ở mức cao.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thừa nhận thống kê sơ bộ thì diện tích lúa đã tăng hàng chục ngàn héc ta trong năm 2008 này. Chỉ có điều, theo ông, chuyện ào ạt đốn vườn, ban liếp để chuyển đổi từ nhiều loại cây trồng, vật nuôi... sang trồng lúa không phải phổ biến!

“Nông dân chỉ chuyển từ những vườn cây ăn trái già cỗi, không còn hiệu quả sang trồng lúa. Ngay cả chuyển từ tôm sang lúa cũng không nhiều. Nông dân bây giờ tính toán rất kỹ, họ biết chuyện lên liếp rồi ban xuống hay ngược lại rất tốn kém”.

Do đó, phần lớn nông dân đều tận dụng chính mô hình cũ, nhưng đối tượng “chăm sóc” có thay đổi để khỏi phải đầu tư nhiều. Như thay vì tiếp tục trồng mía, họ chỉ cần bỏ khoản chi phí nhỏ để ban phẳng chuyển sang trồng lúa, và việc chuyển từ mía sang lúa hay lúa sang mía vẫn diễn ra lâu nay.

Do đó, dù diện tích xuống giống lúa vụ ba năm nay dự kiến đạt khoảng 419.000 héc ta, tăng gấp đôi so với năm 2007 và gần tương đương năm 2005, nhưng một số chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng đấy là kết quả của một quy trình đã vận hành từ hai, ba năm nay chứ không phải chỉ do giá lúa cao trong thời gian qua. Còn năm 2006-2007, diện tích lúa vụ ba khá ít chỉ là do dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá khiến nông dân thu hẹp diện tích lại.

Từ hai, ba năm trước, khi mà cây tràm đã xa dần mức giá trên mười triệu đồng/công, nông dân vùng Long An, Đồng Tháp đã đốn dần để thay bằng cây lúa. Khi con tôm bấp bênh, vài năm trước nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... đã “dự phòng” dần bằng mô hình lúa - tôm, thay vì chỉ chuyên tôm.

Theo ông Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, diện tích lúa năm nay có tăng chỉ đơn giản do nông dân phục hồi nghề trồng lúa trên vuông tôm. Tức trước đây, thay vì trồng một vụ lúa, nuôi một vụ tôm thì nông dân chỉ chuyên tôm. Nhưng năm nay, tôm chết liên miên nên không có gì lạ khi nông dân bỏ tôm trồng lúa.

Do đó, khi chuyển đổi nông dân hầu như không phải đầu tư cải tạo đất vì chính con tôm trong thời gian qua đã làm giúp! Ông Cua cho biết, nhiều diện tích tôm chuyển sang trồng lúa thơm cho năng suất hơn 6 tấn/héc ta!. “Còn vườn xấu, hiệu quả kém thì họ đã chuyển sang trồng lúa từ mấy năm nay rồi chứ không phải chờ đến bây giờ!”, ông nói.

Một số nông dân như ông Trương Văn Bảy (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Hoảnh (thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ông  Nguyễn Phước Hậu (xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long)... đều thừa nhận, xung quanh vùng không hề có sự chuyển đổi ào ạt từ vườn cây ăn trái sang ruộng lúa!

Như vậy, nông dân đã rút kinh nghiệm “bài thuốc” phong trào và đã linh động điều tiết? Phó giáo sư Phạm Văn Kim, nguyên Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật (khoa Nông nghiệp, đại học Cần Thơ), khẳng định: “Dù không đồng đều, phải nhìn nhận trình độ của nông dân đã cao hẳn so với những năm trước”.

Nhưng, nếu cho rằng nông dân đã “trụ” vững trước các cơn lốc đốn rồi trồng, dửng dưng trước những cây trồng phong trào, để rồi yên tâm về họ thì đó là một sai lầm! Nông dân hiện nay chỉ tự tin với kinh nghiệm, với mảnh đất của mình... mà quyết định chọn trồng cây nào, nuôi con gì, chứ không hề có một định hướng vững chắc. Đơn giản vì Nhà nước chưa có được một quy hoạch nông nghiệp thực sự để hướng họ theo!

Ông Kim đưa một dẫn chứng nhỏ: “Theo tìm hiểu của tôi, vùng bắc Thái Lan và nam Trung Quốc trồng nhãn rất nhiều. Nhưng do chưa chủ động được nước, nên những vùng trồng nhãn ở đấy đều rơi vào quy luật năm trúng, năm thất. Nếu vào năm trúng thì họ không nhập của Việt Nam khiến nhãn rớt giá, và ngược lại. Do đó, đúng ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên nghiên cứu vấn đề này để linh động đón đầu hoặc né vụ phù hợp, đem cái lợi cho nông dân”.

“Những gì mà ngành nông nghiệp mang đến nông dân lâu nay phần lớn là những chính sách chữa cháy”, ông Kim nói thêm.

Điều đó thể hiện qua chuyện con cá da trơn gần đây. Khi doanh nghiệp ngưng thu mua, cá “chất đống” trong ao, các cơ quan chức năng liền tìm cách làm giảm “đống cá” chứ chưa đề ra được giải pháp nào để không tái diễn tình trạng trên. Hay như khi lúa lên giá, đáng ra phải đi tắt đón đầu thì lại “bị” an ninh lương thực cản đường, đến khi chính sách xuất khẩu thông thoáng thì giá lúa xuất khẩu đã giảm...

 



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường