Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp sẽ đóng góp nhiều hơn nếu: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân cùng thay đổi tư duy
22 | 04 | 2009
Trong hơn 20 năm trở lại đây, nền kinh tế nước ta đã 2 lần đối mặt với khủng hoảng. Lần thứ nhất là cuối thập kỷ 80 và lần thứ hai là cuối thập kỷ 90 (thế kỷ trước). Sự tăng trưởng của nông nghiệp đã đóng góp phần quan trọng, giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, giữ vững ổn định xã hội.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này cũng vậy, khi nhiều ngành công nghiệp giảm tốc độ tăng trưởng, thị trường co lại, số lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu giảm sút thì kinh tế nông nghiệp và sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, trái cây, hoa cây cảnh, càphê, hồ tiêu,... vẫn có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng giá trị, số lượng và kim ngạch xuất khẩu. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế nhận định: Việc nông nghiệp vẫn tăng trưởng đã góp phần rất quan trọng đối với ngăn chặn tốc độ suy giảm của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn kinh tế toàn cầu suy giảm hiện nay.

Nói về giá trị của xuất khẩu nông sản so với ngành khác, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát so sánh: “Nếu xuất khẩu dệt may được 100 đồng, chúng ta chỉ được 30 đồng nhưng với 100 đồng xuất khẩu nông sản, chúng ta sẽ thu về 70 đồng. Do đó, nếu xuất khẩu nông sản giảm 1tỷ đôla Mỹ thì tương đương với giảm 3 tỷ đôla Mỹ xuất khẩu các mặt hàng khác.”

Mặc dù vậy, nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa được đầu tư đúng mức. Điều này đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội phát biểu trên hội trường Quốc hội trong các kỳ họp.

Qua khủng hoảng càng thấy rõ vai trò tạo dựng và đảm bảo tăng trưởng ổn định của nông, lâm, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn đối với nền kinh tế. Đây chính là thời điểm để chúng ta thay đổi tư duy. Thực tế đã cho thấy rõ điều này. Nhiều doanh nghiệp đã thay “tư duy xuất khẩu” bằng “tư duy đi cả hai chân” (mở rộng phục vụ nhu cầu trong nước và tiếp tục tìm kiếm cơ hội xuất khẩu). Đây là hướng đi đúng, cần được các doanh nghiệp xác định là hướng đi lâu dài. Giúp các doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng chương trình “Hướng về nông thôn”, trong đó, gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn đang được các cơ quan chuyên môn dự thảo trình Chính phủ.

Về phía người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, đây cũng chính là thời điểm để ta nhìn lại mình. Lâu nay ta thường sản xuất theo phong trào, thiếu sự liên kết, chạy theo lợi nhuận đơn lẻ, chất lượng sản phẩm không cao, giá không cạnh tranh... Tư duy phong trào cần phải thay đổi để nông nghiệp phát triển mạnh hơn, nông sản xuất khẩu nhiều với giá cao hơn, người nông dân có thu nhập lớn hơn, nông thôn đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh hơn và đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của đất nước hiệu quả hơn.



Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường