Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Nông dân không chịu thua"
02 | 09 | 2007
Nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực dễ bị tổn thương hơn cả khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do phải cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản. Chủ tịch Hội Nông dân (HND) Việt Nam, Vũ Ngọc Kỳ, cũng bày tỏ nhiều băn khoăn song vẫn tin tưởng khẳng định: “Nếu có định hướng và biện pháp hỗ trợ và biện pháp hỗ trợ đúng đắn, bà con nông dân sẽ không chịu "thua trên sân nhà".

Phát huy vai trò "anh cả"

** Ông đánh giá thế nào về những thách thức đối với nông dân Việt Nam trong WTO?

- Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao, bình quân đất trên một lao động thấp; số lượng sản phẩm của nông dân ít, lại chưa đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, giá cao; vệ sinh an toàn cũng còn nhiều điều phải nói…

Nông dân chiếm 75% dân số, trình độ thấp và nhận thức chậm. Chúng tôi băn khoăn nhiều lắm và trước cái mới bao giờ cũng lúng túng. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận "thua trên sân nhà". Nhìn lại lịch sử, xã hội Việt Nam cũng từ nông dân mà ra. Người nông dân Việt Nam luôn cần mẫn, sáng tạo, kiên định vượt qua thiên tai, địch họa. Một thuận lợi nữa, là sau hơn 20 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tạo nhiều chính sách khuyến khích, phát triển kinh tế nông thôn và hộ nông dân, đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn…

** Tác động của WTO đã cận kề, Hội nông dân Việt Nam hỗ trợ nông dân ứng phó trước tình hình mới như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đứng ra tín chấp với hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội để bà con được vay vốn với tổng số dư hiện có lên tới 23 ngàn tỷ đồng. Hội phối hợp với các trường đại học, viện khoa học, trung tâm nghiên cứu… hàng năm phổ biến kiến thức chuyển đổi mô hình sản xuất, cách ứng dụng kỹ thuật mới cho 5 – 6 triệu lượt hội viên. Khoảng 4 triệu lượt được học nâng cao trình độ pháp luật.

Việt Nam đang đô thị hóa mạnh, 50 vạn hộ nông dân không còn hoặc thiếu đất rất cần được đào tạo để chuyển sang làm dịch vụ và tham gia sản xuất công nghiệp tại nông thôn. Hệ thống 46 trung tâm dạy nghề trên toàn quốc đang đảm trách nhiệm vụ nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp cho nông dân hoặc trang bị cho bà con đủ kiến thức, có tay nghề làm việc trong các nhà máy ở nông thôn…

** Rau quả sắp tới sẽ bị “ép” rất mạnh do phải cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản. Cách đối phó và định hướng của Hội nông dân Việt Nam?

- Chúng ta còn thiếu nhiều sản phẩm rau sạch, có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng. Chúng tôi đang phối hợp với một số tổ chức quốc tế xây dựng tại Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Vĩnh Phúc mô hình điểm về sản xuất rau an toàn cho bà con đến học tập kinh nghiệm.

Cây ăn quả của ta có hạn chế là số lượng hàng hóa thấp, giống ngon chưa nhiều. Các địa phương và bà con nên đầu tư phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn với các giống đặc sản có thương hiệu hàng trăm năm hoặc đang nổi tiếng, như cam Bố Trạch, mận Tam Hoa, bưởi Năm Roi… phù hợp với từng vùng sinh thái.

Trông đợi quyết sách của Nhà nước

** Bà con nông dân hy vọng Nhà nước sẽ hỗ trợ cho những lĩnh vực nào?

- Trước tiên là miễn giảm học phí cho nông dân và con em họ để nâng cao trình độ văn hóa. Hiện có khoảng 31% lao động trong nông nghiệp chưa học hết lớp 5, vẫn còn những vùng có nông dân mù chữ. Thứ hai, tổ chức những khóa học ngắn hạn miễn phí về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Người nông dân bị mất đất cũng cần được học nghề miễn phí, sẵn sàng chuyển sang kinh doanh dịch vụ hoặc làm việc trong nhà máy tại nông thôn. Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ các hiệp hội tìm kiếm thị trường, tiêu thụ nông sản cho nông dân, đầu tư cho giới khoa học nghiên cứu, lai tạo giống cây – con tốt.

Phải giải quyết tốt việc cho nông dân vay vốn với thời hạn dài hơn vì hiện còn 4,2 triệu hộ nông dân thuộc diện nghèo. Tiếp đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo quy trình công nghệ mới cho nông dân.

Liên kết "bốn nhà" phải được đẩy mạnh hơn nữa, song Nhà nước phải đứng ra làm đầu mối điều tiết thị trường, cùng các hiệp hội tìm đầu ra cho nông dân một cách ổn định.

** Để đối phó với tác động của WTO, Chính phủ chủ trương sẽ đưa những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, với yêu cầu đào tạo không còn, về nông thôn. Theo ông, giải pháp này nên thực hiện theo hướng nào?

- Ở nông thôn không có điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động bằng đô thị. Do đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ rõ ràng, đặc biệt là vốn vay. Tôi cho rằng, chỉ nên phát triển các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại nông thôn, khuyến khích sản xuất mặt hàng mới hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu của địa phương. Đồng thời, cần khuyến khích nông dân trở thành cổ đông của các doanh nghiệp đó nhằm đảm bảo thu nhập cho bà con và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến.

** Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sẽ giảm mạnh đóng góp của nông dân. Theo ông, những khoản nào cần thiết miễn giảm hiện nay?

- Chính phủ nên khoanh vùng, xem xét miễn giảm thuế cho đồng bào dân tộc và vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, hiện tượng "phù thu lạm bổ" đối với nông dân còn nhiều. Người nông dân ở nông thôn phải góp tiền theo mô hình "Nhà nước và nhân dân cùng làm" mới có đường bê tông. Còn dân thành phố đi toàn đường nhựa thẳng băng mà không phải đóng góp gì!

Nếu Nhà nước cho nhiều quá thì ngân sách không đủ và tạo sự ỷ lại nhưng cần hỗ trợ theo đúng cam kết với WTO ở mức cao nhất cho bà con bằng cách đầu tư cho giao thông nông thôn, phát triển hệ thống thủy lợi, trợ cước trợ giá cho vận tải; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển các loại giống có năng suất cao để cung cấp cho nông dân với sự trợ giá từ ngân sách Nhà nước…

Người nông dân đang trông đợi rất nhiều vào những quyết sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ.



Theo nongthon.net
Báo cáo phân tích thị trường