5 nông dân này gồm các ông Nguyễn Thiện Quyết, Nguyễn Thiện Chiến, Nguyễn Thế Sáu, Trịnh Xuân Dự và ông Nguyễn Văn Dũng.
Dự án phát triển giống bò sữa, bò thịt huyện Tân Thành được triển khai từ năm 2003, có số vốn đầu tư 4,4 tỷ đồng dành cho 32 hộ dân nuôi 146 con bò sữa do UBND huyện làm chủ quản, Phòng kinh tế huyện Tân Thành làm chủ đầu tư.
Trong đơn trình bày của các hộ dân, thông thường các hộ nuôi bò sữa trước khi nhận bò, thường kèm theo 1 cuốn sổ ghi rõ lý lịch nguồn gốc, trọng lượng và hình ảnh con bò đó. Còn nông dân nuôi bò trong dự án huyện Tân Thành không biết “cội nguồn” bò ở đâu, bởi chỉ được phát vỏn vẹn mảnh giấy hợp đồng cùng cuốn sổ để dân ghi “nhật ký” chăm sóc.
Hơn nữa, theo cam kết, mỗi con bò sẽ cho trên dưới 3.000kg sữa/chu kỳ, nhưng thực tế bò của dân chỉ cho không quá 1.500kg. Tệ hơn, nhiều con đang khoẻ mạnh tự nhiên đổ bệnh và chết bất đắc kỳ tử, hoặc nuôi suốt 2 - 3 năm mà không chịu lớn như cam kết trong hợp đồng.
Đó là chưa kể đến “cam kết” lập trạm thu mua sữa tại chỗ cho nông dân của chủ đầu tư vẫn chỉ là trên giấy; nông dân phải tự vận chuyển sữa đi tiêu thụ, các khoản chi phí không được thanh toán…dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm.
Thua lỗ, nhiều hộ nông dân không chỉ “ôm cục nợ” bò chậm lớn, ít sữa… mà vốn đầu tư bỏ ra cả trăm triệu đồng cũng có nguy cơ “đi tong” do dự án kém hiệu quả. Theo các hộ này, có dấu hiệu chủ đầu tư thu gom bò sữa từ các trang trại, hộ dân ở TPHCM, bò không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, kê khống… để bán cho họ (?!).
Chính vì vậy 5 hộ dân này đã làm đơn kiện Phòng kinh tế huyện Tân Thành ra Toà đòi bồi thường thiệt hại. Hiện TAND huyện đã chính thức thụ lý 5 vụ kiện trên. Các hộ dân cũng đã đóng án phí, thuê luật sư bảo vệ. Phía bị đơn là Phòng kinh tế huyện Tân Thành cũng đã gửi hồ sơ giải trình vụ việc theo yêu cầu TAND huyện.